Lãi suất liên ngân hàng các giao dịch bằng tiền đồng có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, một tuần tăng lần lượt lên mức 0,63% và 0,8% mỗi năm.

Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại sau thời gian giảm mạnh

Phan Diệu | 03/09/2017, 17:00

Lãi suất liên ngân hàng các giao dịch bằng tiền đồng có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, một tuần tăng lần lượt lên mức 0,63% và 0,8% mỗi năm.

          

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, thị trường liên ngân hàng (nơi các ngân hàng vay mượn lẫn nhau) trong tuần cuối tháng 8 ghi nhận khối lượng giao dịch tiền đồng tăng lên.

Cụ thể, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng tiền đồng đạt xấp xỉ 163.000 tỉ đồng, tăng gần 2% so với tuần trước. Trong khi đó, giao dịch bằng USD quy đổi ra VND đạt 77.382 tỉ đồng, tăng hơn 6% so với tuần trước đó.

Các giao dịch tiền đồng chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (chiếm 44% tổng doanh số VND), 1 tuần (chiếm 29%). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 58% và 22%.

Về lãi suất, các giao dịch bằng tiền đồng có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần tăng lần lượt lên mức 0,63% và 0,8% mỗi năm.

Đối với các giao dịch USD, so với tuần trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng có xu hướng biến động trái chiều ở các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm và 1 tuần tăng nhẹ lần lượt lên mức 1,26% và 1,33% 1 năm. Kỳ hạn 1 tháng lãi suất giảm khoảng 0,13% mỗi năm, xuống mức 1,53% 1 năm.

Về lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm.

Đối với lãi suất cho vay VND, hiện tại mặt bằng lãi suất phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 6,5%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 - 5%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay USD cũng phổ biến ở mức 2,8 - 6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 - 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,7 - 6,0%/năm.

Trong khi đó, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong tháng 8.2017, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào, thể hiện trên 2 khía cạnh.

Thứ nhất, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn duy trì ở mức thấp. Cụ thể, lãi suất qua đêm và 1 tuần là 1%/năm, 1 tháng là 1,6%/năm, tăng nhẹ so với cuối tháng 7.2017 từ 0,2 - 0,3 %. Thứ hai, trên thị trường mở, từ ngày 1 - 22.8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng 4.494 tỉ đồng; lũy kế từ đầu năm đến nay hút ròng 32.632 tỉ đồng.

Trên thị trường, lãi suất cũng tương đối ổn định so với tháng trước. Tính đến 21.8.2017, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,7%/năm, 6 tháng là 5,68%/năm, 12 tháng là 6,8%/năm, 12 - 36 tháng là 7,07%/năm, tương đương với mức lãi suất huy động trong tháng 7.

Lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên là 6,5%/năm, cá biệt có ngân hàng ở mức 6%; đối với khu vực sản xuất - kinh doanh thông thường, lãi suất phổ biến ở mức 9,3 - 11%/năm kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Tại TP.HCM, trong 7 tháng đầu năm, huy động và tín dụng ở địa phương này cũng tăng khả quan. Tính đến 31.7, hệ thống các tổ chức tín dụng đã huy động được gần 1,9 triệu tỉ đồng, tăng 6,08% so với cuối năm 2016. Trong đó, về cơ cấu huy động vốn, tiền gửi tiết kiệm tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn (chiếm 52,86% trong tổng huy động vốn).

Đặc biệt, tiền gửi bằng VND vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực so với cuối năm trước, là cơ sở đảm bảo cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả.

Tổng dư nợ tín dụng TP.HCM đạt trên 1,6 triệu tỉ đồng. Riêng tín dụng trung dài hạn đạt trên 52% tổng dư nợ, cao hơn cho vay ngắn hạn. Điều này đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ và phát triển hạ tầng của thành phố.

Phan Diệu

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mặt các chiêu trò lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán
8 phút trước Khoa học - công nghệ
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) mới đây đã thông tin, cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại sau thời gian giảm mạnh