Ngày nay, khi đời sống người dân ngày một nâng cao, nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng dần dần thay đổi. Siêu thị với lợi thế là một nơi cung cấp hàng hóa văn minh, lịch sự, không mặc cả đã hình thành một xu hướng tiêu dùng mới của người Việt: mua sắm tại các siêu thị.
Từ lâu, TP.HCM cũng như nhiều thành phố lớn trên phạm vi cả nước đã quy tụ nhiều hệ thống siêu thị tên tuổi như: Co.opmart, Lotte Mart, Metro, Big C, Maximark… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế của các siêu thị, thời gian qua cũng có không ít phản ánh, khiếu nại từ người tiêu dùng về vấn đề hàng giả, kém chất lượng tồn tại ngay trong môi trường kinh doanh văn minh này.
Chính vì vậy, trong những buổi hội thảo được tổ chức tại TP.HCM mới đây về đề tài “Lợi thế kinh doanh từ quyền sở hữu trí tuệ”, một số đại biểu đã đặt vấn đề làm thế nào để loại bỏ sản phẩm hàng giả ra khỏi các siêu thị?
Trên thực tế, không phải siêu thị nào cũng trang bị hệ thống kiểm soát hàng giả một cách hữu hiệu. Đại diện của một siêu thị có tầm cỡ tại TP.HCM cho biết: “Mỗi ngày, các nhân viên kinh doanh và cung ứng của siêu thị phải quản lý hàng ngàn chủng loại hàng khác nhau từ rất nhiều nhà cung cấp hàng hóa cho siêu thị.
Do vậy, họ không thể kiểm soát hết được nhà cung cấp, đặc biệt là vấn đề hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”. Quả thật, bản thân các nhân viên nêu trên cũng không được trang bị những kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ và những đặc điểm phân biệt về hàng thật - hàng giả của từng mặt hàng có liên quan thì việc loại bỏ hàng giả ra khỏi siêu thị là vấn đề không đơn giản.
Theo ý kiến của một số chuyên gia Sở hữu trí tuệ, để bảo vệ người tiêu dùng và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong thời đại bùng nổ các chuỗi siêu thị hiện nay, bên cạnh các chứng nhận tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội SA 8000, hệ thống quản lý chất lượng ISO9001... các siêu thị, tổ chức phân phối hàng hóa cũng nên quan tâm đến một khái niệm hoàn toàn mới: Chứng nhận không bán hàng giả (tạm gọi là CFC - Counterfeits Free Certificate).
Chứng nhận này có thể sẽ do một hoặc một số đơn vị chủ trì chẳng hạn như: Hiệp hội Chống hàng giả, Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM (AFCA), Hội Sở hữu trí tuệ, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… vốn là những tổ chức có rất nhiều thành viên là các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ tham gia.
Dự kiến theo quy trình, để được cấp chứng nhận này, các siêu thị có thể gửi đề nghị đến các tổ chức chứng nhận nêu trên. Trên cơ sở đó, các tổ chức này sẽ yêu cầu các siêu thị cung cấp các thông tin cần thiết và tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên tại các siêu thị trong một khoảng thời gian nhất định. Kết quả kiểm tra sẽ giúp cho siêu thị đánh giá được thực trạng hàng giả đang được bày bán, giúp cho siêu thị loại bỏ những mặt hàng này cho đến khi không phát hiện hàng giả trong thời hạn giám sát.
Theo đánh giá của chúng tôi, cách làm này sẽ giúp cho siêu thị tiết kiệm được thời gian, nguồn nhân lực, được tư vấn về những giải pháp cụ thể ngăn ngừa khả năng mua phải hàng giả từ các nhà phân phối. Qua đó, tạo được lòng tin nơi khách hàng thân thiết của mình. Ngoài ra, chứng chỉ CFC cũng giúp cho cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng hơn trong việc phân loại, đánh giá cũng như quản lý siêu thị và các tổ chức phân phối hàng hóa.
Đây được xem như là ý kiến đóng góp tích cực của một số chuyên gia về thị trường hàng hóa trong nước, mong rằng các siêu thị, cơ quan đơn vị chức năng sớm nghiên cứu để áp dụng khả thi.
Theo Anh Trinh/Đời sống & Tiêu dùng