Ngày 22.4, Indonesia công bố kế hoạch cấm xuất khẩu dầu cọ – loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Động thái gây sốc này có thể làm gia tăng lạm phát toàn cầu.

Lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia khiến lạm phát toàn cầu thêm trầm trọng

Cẩm Bình | 23/04/2022, 11:29

Ngày 22.4, Indonesia công bố kế hoạch cấm xuất khẩu dầu cọ – loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Động thái gây sốc này có thể làm gia tăng lạm phát toàn cầu.

Indonesia chiếm hơn một nửa nguồn cung dầu cọ toàn cầu. Ngừng xuất khẩu dầu cọ cùng nguyên liệu thô liên quan (dùng trong rất nhiều mặt hàng) sẽ làm tăng chi phí ở doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến, buộc chính phủ các nước phải cân nhắc giữa sử dụng dầu thực vật cho sản xuất thực phẩm hay sản xuất nhiên liệu sinh học.

Trong một video được phát sóng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông muốn đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước trước tình hình lạm phát lương thực toàn cầu tăng cao do cuộc chiến tại Ukraine.

“Tôi sẽ theo dõi và đánh giá việc thực hiện chính sách này để nguồn cung dầu ăn tại thị trường nội địa trở nên dồi dào và giá cả phải chăng”, ông cam kết.

oil.jpg
Giá dầu ăn tại Indonesia tăng mạnh thời gian qua - Ảnh: Reuters

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA) Atul Chaturvedi nhận xét động thái mới nhất của Indonesia quá bất ngờ, làm tổn hại người tiêu dùng ở quốc gia nhập khẩu dầu cọ hàng đầu như Ấn Độ.

Chính sách cấm xuất khẩu dầu cọ chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 28.4, nhưng đã gây nên tác động lập tức đến giá dầu thực vật hiện tại: giá dầu đậu nành - loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi thứ hai thế giới - giao dịch trên Sàn thương mại hàng hóa Chicago (CBOT) tăng 4,5% lên mức cao kỷ lục 83,21 cent/pound.

Giá dầu cọ toàn cầu đã tăng lên mức cao lịch sử trong năm nay vì nhu cầu tăng nhưng sản lượng từ quốc gia sản xuất hàng đầu là Indonesia và Malaysia lại thấp, cộng thêm chính sách hạn chế xuất khẩu dầu cọ mà Jakarta ban hành vào tháng 1 (lệnh này vừa được dỡ bỏ hồi tháng 3).

Nhiều công ty sản xuất thực phẩm và hàng gia dụng như Procter & Gamble, Nestle SA, Unilever PLC là khách hàng mua dầu cọ lớn. Nhà sản xuất bánh quy Oreo Mondelez International Inc chiếm 0,5% lượng tiêu thụ dầu cọ toàn cầu.

Không chỉ Indonesia, một số quốc gia cũng thực hiện chính sách tạm dừng xuất khẩu nông sản nhằm kiềm đà tăng giá trong nước. Argentina - nước xuất khẩu đậu nành chế biến hàng đầu thế giới - đã đình chỉ hoạt động bán dầu và bột đậu nành từ giữa tháng 3, trước khi tăng thuế xuất khẩu với các mặt hàng này từ 31% lên 33%.

Trong năm 2022, thị trường dầu ăn toàn cầu náo động bởi cuộc chiến tại Ukraine. Xung đột quân sự cắt đứt nguồn cung dầu từ khu vực biển Baltic (nơi chiếm 76% lượng xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu) và làm ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Nguồn cung thay thế như dầu đậu nành, dầu hạt cải cũng không có sẵn vì hạn hán tàn phá vụ mùa ở Argentina, Brazil, Canada.

Tại Mỹ và Canada sẽ cơ sở chế biến dầu đậu nành, dầu hạt cải mới được mở trong vài năm tới do nhu cầu về nhiên liệu sinh học từ thực vật ngày càng tăng. Tuy nhiên năng lực sản xuất trong ngắn hạn khó lòng tăng cao.

Hội đoàn công nghiệp Liên minh nhiên liệu sạch Mỹ than phiền động thái mới nhất của Indonesia có thể ảnh hưởng xấu đến các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học. Malaysia - nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới - không thể tăng sản lượng vì đang thiếu hụt lao động bởi đại dịch COVID-19.

oil1.jpg
Giá dầu ăn thế giới tăng vọt lên mức kỷ lục vì cuộc chiến tại Ukraine - Ảnh: Reuters

Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI) cam kết tuân thủ chính sách cấm xuất khẩu, nhưng họ để ngỏ khả năng đề nghị chính phủ xem xét lại nếu chính sách tạo ra tác động tiêu cực đến ngành.

Tại Indonesia, giá bán lẻ dầu ăn trung bình hiện là 26.436 rupiah (1,84 USD)/lít, tăng hơn 40%. Giá ở một số tỉnh nước này tăng gần gấp đôi chỉ trong tháng qua, thúc đẩy sinh viên biểu tình.

Chính phủ Indonesia đặt mức giá trần 14.000 rupiah/lít cho việc mua dầu ăn số lượng lớn, nhưng dữ liệu của Bộ Thương mại cho thấy sản phẩm được bán ở mức hơn 18.000 rupiah trong tháng 4. Giới chức nước này đang tiến hành điều tra.

Bài liên quan
U.23 Indonesia thua cay đắng, giấc mơ đẹp dự Olympic ngày càng xa
Trong trận tranh hạng ba giải U.23 châu Á và cũng là trận tranh vé đến Olympic Paris, Indonesia đã để thua ngược Iraq.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia khiến lạm phát toàn cầu thêm trầm trọng