Với tốc độ lây lan khủng khiếp, biến chủng Delta vẫn đang thách thức nỗ lực kiểm soát đại dịch trên toàn thế giới.

Liệu các biến chủng của COVID-19 có thể tiến hóa tới đâu?

Đan Thuỳ | 12/08/2021, 11:04

Với tốc độ lây lan khủng khiếp, biến chủng Delta vẫn đang thách thức nỗ lực kiểm soát đại dịch trên toàn thế giới.

Các nhà khoa học thừa nhận các biến thể mới của Sars-CoV-2 có khả năng xuất hiện theo thời gian, bổ sung thêm vào danh sách 11 các biến chủng đã được phát hiện ra trước đó như Alpha, Beta, Gamma, Lambda...

Câu hỏi đặt ra là liệu  loại vi rút gây ra đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua sẽ tiến hóa như thế nào về mức độ nguy hại với sức khoẻ con người, khả năng lây lan và khả năng kháng vắc xin.

Mặc dù lịch sử của các loại vi rút trong quá khứ đã đưa ra các kịch bản có thể xảy ra của đại dịch hiện tại nhưng không có sự đồng thuận chắc chắn nào về mối đe dọa do các biến chủng mới gây ra. Các chuyên gia đồng ý rằng Sars-CoV-2 sẽ tiếp tục biến đổi ở dạng này hay dạng khác trong nhiều năm tới nhưng không có cách nào để biết chính xác nó sẽ phát triển như thế nào và không phải tất cả các đột biến đều nguy hiểm hơn hoặc đáng lo ngại hơn.

Yvonne Su, trợ lý giáo sư tại Chương trình các bệnh truyền nhiễm của Trường Y Duke – NUS tại Singapore cho biết: “Các biến chủng Sars-CoV-2 chắc chắn sẽ xuất hiện nhưng không phải tất cả các đột biến đều có tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Điều quan trọng là phải theo dõi và đánh giá các biến chủng mới vì một trong số chúng có thể dẫn đến những rủi ro”.

Các Tổ chức Y tế Thế giới cho đến nay đã xác định được 4 biến chủng được liệt vào danh sách “các biến chủng gây nguy hại” gồm cả biến chủng Delta được đánh giá có mức độ lây lan cao hơn gấp đôi so với chủng gốc được xác định lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Delta hiện là biến chủng thống trị trên toàn thế giới. Nó đã lan rộng đến ít nhất 135 quốc gia kể từ lần đầu tiên được xác định tại Ấn Độ vào tháng 10.2020. Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng này đã khiến các nước dè dặt trong việc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

WHO cũng đã liệt kê 4 biến chủng “đáng quan tâm” dựa trên “những thay đổi di truyền được dự đoán hoặc được biết là ảnh hưởng đến các đặc tính của vi rút” chẳng hạn như khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng và khả năng kháng vắc xin.

anh-chup-man-hinh-2021-08-12-luc-09.57.15.png
Phần lớn vắc xin vẫn ngăn ngừa được các ca bệnh nặng  và tử vong - Ảnh: Bloomberg

Hiệu quả của vắc xin

Mặc dù có bằng chứng cho thấy biến chủng Delta dễ lây truyền cho những người được tiêm chủng hơn so với chủng gốc nhưng không có biến chủng nào được chứng minh là làm giảm hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng và các ca tử vong.

Ở Anh, nơi có khoảng 75% người trên 18 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, số ca nhập viện và tử vong đã giảm xuống một phần nhỏ so với mức đỉnh cho dù có hàng chục nghìn ca mắc mới hằng ngày được ghi nhận gần đây.

Theo dữ liệu của Public Health England, chỉ có 512 người được tiêm hai mũi vắc xin phải nhập viện từ ngày 19.7 – 2.8, so với mức trung bình hằng ngày là gần 39.000 ca nhập viện trong thời gian cao điểm tháng 1 năm nay.

Một số chuyên gia đã dự đoán SARS-CoV-2 có thể trở nên ít độc lực hơn hoặc ít gây nghiêm trọng hơn theo thời gian, phù hợp với giả thuyết đánh đổi trong mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa lây truyền và độc lực. Lý thuyết được trích dẫn rộng rãi nhận được sự ủng hộ của các cộng đồng khoa học cho rằng việc tăng độc lực có liên quan đến việc giảm khả năng lây truyền vì giết chết vật chủ không giúp mầm bệnh lây lan.

Polly Roy, Giáo sư vi rút học tại Trường Vệ Sinh và Y học Nhiệt đới London cho biết: “Không thể đoán trước được một mốc thời gian nhưng hầu hết các đại dịch trong quá khứ đều suy yếu sau một vài năm. Hầu hết các biến chủng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến các loại vắc xin hiện tại và bệnh tật sẽ vẫn được kiểm soát bằng cách tiêm chủng. Vì vậy không có lý do gì để hoảng sợ. Những biến đổi cho đến nay được coi là khá nhỏ.

Tương đồng lịch sử

Một số nhà khoa học đã  tìm thấy manh mối về quỹ đạo phát triển của Sars-CoV-2 trong quá trình tiến hoá của một trong những vi rút gây cảm lạnh thông thường. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Đại học Leuven ở Bỉ đã lần ra điểm mà chủng coronavirus OC43 lây nhiễm từ gia súc sang người cùng thời kỳ đại dịch 1889-1890 cho thấy nó có thể đứng sau một đợt bùng phát dịch bệnh toàn cầu gây thiệt hại ước tính khoảng 1 triệu người thiệt mạng.

Lawrence Young, một nhà vi rút học tại Trường Y Warwick cho biết: “Có khả năng là khi vi rút trở nên lây nhiễm nhiều hơn , nó cũng sẽ ít gây bệnh hơn. Có những điểm tương đồng giữa vi rút cúm và coronavirus cảm lạnh thông thường, đều là các bệnh truyền nhiễm có yếu tố lây lan từ động vật sang người gây bệnh nặng và tử vong. Nhưng khi chúng lây lan và biến đổi theo thời gian sẽ ít gây bệnh hơn. Đây có thể là trường hợp của coronavirus OC43 cảm cúm thông thường".

Ông Young cũng nhấn mạnh rằng trong khi thế giới đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra thì việc hoảng sợ về một biến chủng mới là vô ích và xã hội loài người cuối cùng sẽ phải học cách sống chung với vi rút.

Ngược lại, một số chuyên gia khác đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại hơn về mối đe doạ của các biến chủng đột biến, đặc biệt là nguy cơ xuất hiện một biến chủng có khả năng kháng các loại vắc xin hiện tại.

Trong một cuộc khảo sát với 77 nhà dịch tễ học thực hiện vào tháng 3, 2/3 số người được hỏi cho biết họ tin rằng loại vi rút này sẽ đột biến đến mức các vắc xin thế hệ đầu tiên không còn hiệu quả trong vòng một năm hoặc ít hơn.

delta_covid.jpeg

Nikolaus Osterrieder, Trưởng khoa Thú ý và Khoa học Đời sống Jockey Club tại Đại học City tại Hồng Kông tin rằng các biến chủng mới sẽ dễ lây truyền hơn và kháng vắc xin hơn.

“Nói một cách đơn giản rằng vi rút không có lợi ích gì từ việc có độc lực hơn, chúng chỉ ưu tiên cho sự tồn tại và lây lan. Do đó, vi rút sẽ không ưu tiên việc nó có trở nên độc hại hơn hay không. Nói chung, có sự đánh đổi giữa sự lây truyền và độc lực mà không lệch về bên nào”, Osterrieder nói.

Nhưng Osterrieder cũng nhấn mạnh sự xuất hiện của các biến chủng mới không làm thay đổi nhu cầu xã hội trong việc học cách sống chung với chúng và các đột biến của chúng.

Su, Giáo sư Trường Y Duke-NUS cho biết có rất ít bằng chứng cho rằng vi rút trở nên kém độc lục hơn theo thời gian và tác động giảm của một số bệnh có thể là kết quả của việc tăng khả năng miễn dịch thông qua việc đã nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng.

Su nói rằng tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ là yếu tố quan trọng để cuộc sống mau chóng quay trở lại bình thường. “Tỷ lệ tiêm chủng cần phải tăng lên nếu chúng ta muốn sống chung với vi rút”, bà nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liệu các biến chủng của COVID-19 có thể tiến hóa tới đâu?