Trong thời gian qua, nhiều chương trình hợp tác phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo đã được triển khai.
Gắn kết, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Tại buổi làm việc với Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie nhân dịp Ngày KH-CN Việt Nam (18.5), Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: “Với quan điểm tri thức và đổi mới sáng tạo trở thành một trong ba trụ cột quan trọng trong hợp tác giữa hai Quốc gia (bên cạnh kinh tế và quốc phòng - an ninh), đến nay, các nỗ lực của hai bên trong thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo đã được gây dựng và triển khai một cách thực chất và hiệu quả thông qua Chương trình Aus4Innovaiton”.
Theo Bộ trưởng, Chương trình Aus4Innovaiton đã tác động khá toàn diện và thực chất, thúc đẩy năng lực và sự gắn kết, hợp tác giữa các thành tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam và với các đối tác Úc.
Cụ thể, hai lực lượng đổi mới sáng tạo của Việt Nam và Úc trong khuôn khổ Chương trình đã hợp tác đồng sáng tạo và đạt nhiều dấu ấn nổi bật, từ việc thiết kế Báo cáo tương lai kinh tế số Việt Nam cho đến các mô hình kinh tế lượng đo lường tác động của công nghệ trong tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các Trường đại học, Viện nghiên cứu Việt Nam với Cẩm nang hướng dẫn hoạt động này sắp được công bố.
Cùng với đó là các hỗ trợ của chuyên gia Úc trong thiết kế các chỉ số đánh giá phục vụ xây dựng Chiến lược KH-CN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đến năm 2030. Gần đây nhất là các sáng kiến thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ứng phó với đại dịch COVID-19, tổ chức Ngày hội AI Việt Nam 2020, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo về AI và tuyên truyền, xây dựng năng lực triển khai Chiến lược AI của Việt Nam trong thời gian tới.
Được biết, trong định hướng phát triến đất nước 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045, KH-CN và đổi mới sáng tạo được Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định như một đột phá chiến lược, là động lực chính góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Hợp tác và hội nhập quốc tế là một trong các giải pháp quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao tiềm lực và trình độ KH-CN. Với định hướng đó, Úc là một trong các đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam trong hợp tác về KH-CN, đặc biệt là lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ về việc Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc quyết định tăng ngân sách thêm 3,5 triệu đô la Úc cho giai đoạn 1 của Chương trình Aus4Innovaiton, Bộ trưởng khẳng định: "Đây thực sự là một nguồn lực quý giá để giúp hiện thực hóa các sáng kiến đổi mới sáng tạo trong giai đoạn chuyển tiếp của Chương trình đến năm 2022, và tạo các tiền đề vững chắc hơn cho Giai đoạn 2 của Chương trình đến năm 2025".
Phát huy trí tuệ của trí thức Việt
Tại Hội nghị đánh giá Chương trình hợp tác của hai cơ quan giai đoạn 2016-2020 và Lễ ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2030 giữa Bộ KH-CN và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), theo ông Phan Xuân Dũng (Chủ tịch VUSTA), VUSTA luôn giữ vững là ngôi nhà chung của trí thức Việt Nam, tập hợp đội ngũ trí thức KH-CN cả nước tham gia tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến cho việc hoạch định chính sách, thực thi pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật về KH-CN nói riêng.
Trong kết quả hoạt động đó có đóng góp hiệu quả của sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ giữa VUSTA với Bộ KH-CN. Chương trình hợp tác cũng đã lan tỏa đến các Sở KH-CN và các Liên hiệp hội địa phương để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ, hợp tác tại địa phương thông qua các hoạt động liên quan đến tư vấn, phản biện và giám định xã hội; truyền thông, phổ biến kiến thức KH-CN; các hoạt động tôn vinh tri thức, tôn vinh những nhà sáng chế, sáng tạo kỹ thuật của Quỹ VIFOTEC.
Tuy nhiên, để triển khai chương trình hợp tác mới trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của làn sóng KH-CN trên khắp thế giới, của cuộc CMCN lần thứ 4…, ông Dũng nhấn mạnh tới việc cần tập trung vào các vấn đề như tăng cường cơ chế trao đổi thông tin giữa hai cơ quan, trong đó giao việc cụ thể cho từng bộ phận chuyên môn để chương trình phối hợp thực hiện có hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VUSTA cũng đưa ra một số đề nghị với Bộ KH-CN nhằm hỗ trợ các hội thành viên, tổ chức trực thuộc VUSTA xây dựng các đề xuất hợp tác nghiên cứu chung, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng; thu hút trí thức KH-CN người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các hoạt động của VUSTA nhằm phục vụ phát triển KH-CN, GD-ĐT của đất nước.
Theo lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, VUSTA xứng đáng là một tổ chức chính trị - xã hội tiêu biểu, là nơi tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KH-CN ở trong nước và trí thức KH-CN là người Việt Nam ở nước ngoài.