Nhiều chung cư ở TP.HCM ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 tại căn hộ cùng trục đứng khiến cư dân bất an lo ngại vi rút lây qua đường thông gió. Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định điều này là chưa có cơ sở.

Lo COVID-19 lây qua đường thông gió chung cư, chuyên gia nói chưa có cơ sở

Hồ Đông | 13/08/2021, 19:08

Nhiều chung cư ở TP.HCM ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 tại căn hộ cùng trục đứng khiến cư dân bất an lo ngại vi rút lây qua đường thông gió. Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định điều này là chưa có cơ sở.

Nhiễm COVID-19 trên cùng trục đứng ở chung cư

Thời gian gần đây, một số chung cư tại TP.HCM ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19. Trong đó, nhiều trường hợp các căn hộ có người dương tính ở trên cùng trục đứng của một block chung cư. Điều này khiến nhiều cư dân lo ngại vi rút có thể lây qua giếng trời, hay lỗ thông gió trong các toà nhà, căn hộ chung cư.

Điển hình, ngày 2.8, chung cư Vạn Đô (Quận 4) phát hiện 5 trường hợp F0 sống ở hai căn hộ liền kề cùng tầng. Sau đó, chung cư ghi nhận thêm vài ca dương tính với SARS-COV-2 và nhiều người có triệu chứng bất thường ở 5 tầng khác trong tòa nhà.

Đến ngày 6.8, Ban quản lý chung cư Vạn Đô tổ chức xét nghiệm nhanh các hộ thuộc trục dọc với nhà có F0 để đánh giá mức độ lây nhiễm qua đường thông gió. Kết quả, có thêm 3 ca dương tính với SARS-COV-2 được phát hiện ở 3 tầng khác cùng một trục căn hộ.

Ban quản lý chung cư Vạn Đô nhận định virus SARS-COV-2 có thể đã phát tán theo gió đến các căn hộ chung ô thông khí, theo chiều dọc và ngang. Các căn hộ ở hướng đón gió nếu nhiễm cũng có thể phát tán virus sang các hộ xung quanh. Cư dân được khuyến cáo đóng kín cửa chính, cửa thông gió nhà vệ sinh, ô thông gió giao với các khu vực có không gian chung như hành lang.

Tương tự, chung cư Tam Phú (TP.Thủ Đức) ghi nhận một số ca COVID-19. Điều đặc biệt, các căn hộ này ở cùng block, cùng trục đứng và cùng có người mắc COVID-19. Nhóm căn hộ này lấy gió chung từ một giếng trời, nhất là quạt thông gió từ các nhà vệ sinh.

Còn tại chung cư Lexington (TP.Thủ Đức) cũng có F0 cách ly tại nhà, ban quản lý chưa khẳng định virus có thể lan truyền qua con đường này, nhưng đã có động thái phòng ngừa. Cụ thể, chung cư này cho vận hành hệ thống quạt hút trục phòng rác các tầng liên tục ngày đêm, để luôn tạo ra áp lực âm hút không khí chỉ có thể đi vào và không thể thoát ra.

Trong khi đó, Savills Việt Nam, đơn vị quản lý chung cư Saigon Pearl (Q.Bình Thạnh) cũng gửi văn bản cảnh báo và khuyến nghị cư dân luôn đóng cửa nhà vệ sinh khi không sử dụng, nên mở quạt hút nhà vệ sinh từ 5-10 phút trước khi vào nhà vệ sinh. Định kỳ hằng tuần, cư dân nên đổ ít nước vào các phễu thoát sàn khu vực logia, nhà vệ sinh… để ngăn ngừa hơi và mùi hôi từ đường ống thoát trục chính không xâm nhập vào căn hộ. Đồng thời, cư dân hạn chế mở các cửa khu vực ban công hoặc logia.

bds-tphcm-1.jpg
Nhiều chung cư TP.HCM ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 trên cùng 1 trục đứng, cùng block của chung cư

Chưa có cơ cở khẳng định vi rút lây qua đường thông gió

Liên quan đến lo ngại của cư dân về việc vi rút SARS-COV-2 biến chủng Delta có khả năng lây trong không khí, hệ thống thông gió, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM khẳng định điều này là chưa có cơ sở và chứng cứ khoa học cụ thể.

Theo bác sĩ Tâm, vi rút biến chủng Delta có thể lưu trong không khí nhưng rất nhỏ và thời gian ngắn. Đặc biệt, khi ở môi trường không khí nóng, vi rút gần như không thể tồn tại.

Vì vậy, ở khu chung cư, việc lây lan dịch bệnh từ căn hộ này sang căn hộ khác qua hệ thống thông gió là chưa có cơ sở khẳng định. Việc lây nhiễm trong chung cư thường do tiếp xúc chung thang máy hoặc các khu vực sinh hoạt chung.

“Có thể mọi người nắm được thông tin chủng vi rút Delta có thể lơ lửng trong không khí, từ đó suy luận rằng vi rút có thể lây qua hệ thông khí chung của chung cư. Tuy nhiên, điều này không có cơ sở. Vi rút Delta lây lan qua giọt bắn, có khả năng tồn tại ở môi trường nhưng không lâu. Với nhiệt độ nắng nóng thế này, nếu vi rút bị bắn ra ngoài, cũng sẽ bị nắng nóng tiêu diệt không lâu sau đó”, bác sĩ Tâm giải thích.

Ông Tâm cho biết biến chủng Delta hiện tại được ghi nhận lây lan qua giọt bắn, tồn tại ở các bề mặt nhưng thời gian tồn tại không lâu. Các chung cư có hệ thống thông gió chung, không khí được hút từ các phòng và đẩy ra ngoài chứ không chuyển từ căn hộ này sang căn hộ khác. Khả năng lây nhiễm qua hệ thống thông khí khó xảy ra. Vì vậy, để có thể khẳng định có tồn tại sự lây lan virus SARS-COV-2 qua hệ thống thông khí hay không, ngành y cần có những nghiên cứu khoa học cụ thể.

Cũng lý giải về vấn đề này, Phó giáo sư Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nói rằng vi rút biến thể mới có thể sống lơ lửng trong không khí một thời gian lâu hơn, nên có khả năng phát tán gây lây lan mạnh trong môi trường kín sử dụng điều hòa như thang máy, phòng họp...

Trên thực tế, vi rút chỉ lây lan nếu như gió thông thẳng một không gian nào đó mà người khác lại đi vào. Chẳng hạn, đường thông gió nhưng lại thông vào hành lang chung cư hay một khu vực kín, người khác vào đó hít phải. Vi rút có thể lây từ nhà nọ sang nhà kia theo đường không khí, nhưng hiện nay đường thông khí ở các khu chung cư không thiết kế thông từ nhà nọ sang nhà kia nên vi rút không thể lây lan qua hệ thống này.

Phó giáo sư Phu phân tích trong trường hợp khi có một ca mắc COVID-19 trong tòa nhà, các con đường lây nhiễm khả thi có thể nghĩ tới là thông qua không gian chung như hành lang kín, thang máy hay gián tiếp tiếp xúc bằng các nút thang máy hoặc có sự tiếp xúc gần trong quá trình đi cùng thang máy, nói chuyện…Do đó, việc này phải có sự điều tra dịch tễ kỹ càng.

Bài liên quan
Bất chấp đại dịch, doanh nghiệp bất động sản vẫn lãi nghìn tỉ
Bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới thị trường, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn ghi nhuận lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
22 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo COVID-19 lây qua đường thông gió chung cư, chuyên gia nói chưa có cơ sở