Các chuyên gia cho rằng nhiều quy định tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 về về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng làm gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp (DN) và khó khả thi trong vận hành.
Lo ngại gia tăng gánh nặng cho DN
Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) vừa công bố Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng.
Dự thảo đặt ra các nghĩa vụ mới đối với DN viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam như giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng của DN (Điều 82.3.a) ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ TT-TT (Điều 83.3.a); từ chối hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng theo yêu cầu của Bộ TT-TT (Điều 83.3.b)…
Thảo luận các nội dung này tại Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” ngày 7.9, các chuyên gia cho rằng các quy định này có thể làm gia tăng chi phí tuân thủ của DN Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng DN phải bố trí nhân sự chịu trách nhiệm giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kĩ thuật của mình; bố trí nhân sự chịu trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật; thiết kế quy trình nhận phản ánh, khiếu nại của người dùng về nội dung vi phạm pháp luật; xây dựng quy trình báo cáo với Bộ TT-TT khi nhận biết được thông tin vi phạm trên hạ tầng kĩ thuật của mình…
Ông Đồng cũng cho rằng các quy định này tác động đến mô hình kinh doanh của DN Việt Nam.
DN viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ tại Việt Nam là chủ thể cung cấp dịch vụ trung gian như truy nhập internet, lưu trữ dữ liệu theo yêu cầu của người dùng. DN chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ theo đúng công bố, thỏa thuận với người dùng. Người dùng là chủ thể chịu trách nhiệm về nội dung mà mình truyền đưa, lưu trữ trên mạng viễn thông. Do đó, DN viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu được miễn trừ trách nhiệm liên quan đến việc người dùng dịch vụ đăng tải thông tin vi phạm pháp luật.
Nhưng theo dự thảo, DN phải giám sát, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên hạ tầng kĩ thuật của mình, dẫn đến khả năng DN phải chịu trách nhiệm liên đới với người dùng dịch vụ trong trường hợp người dùng dịch vụ đăng tải thông tin vi phạm pháp luật nhưng DN không phát hiện ra hoặc nhận biết được nội dung đó vi phạm pháp luật.
Thêm nữa, theo ông Đồng, việc chủ động phát hiện và xác định nội dung vi phạm pháp luật đòi hỏi DN phải đầu tư thêm nguồn lực để thực thi nghĩa vụ, bởi DN không có nghiệp vụ của cơ quan tư pháp để xác định thông tin nào là loại thông tin vi phạm pháp luật, không có nghiệp vụ của cơ quan điều tra để giám sát, thu thập bằng chứng về thông tin vi phạm pháp luật.
Trái thông lệ quốc tế và bất khả thi
Ông Đồng cũng cho rằng điều này khác biệt với thông lệ quốc tế. Theo thông lệ quốc tế, DN viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu được hưởng nguyên tắc “safe harbor”.
Theo đó, DN không có trách nhiệm giám sát thông tin của người dùng trên hệ thống của mình. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Đạo luật Viễn thông của Mỹ (Telecommunications Act), Đạo luật Dịch vụ số của Liên minh châu Âu (Digital Services Act).
Cũng góp ý về các nội dung này, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho rằng khả năng truy cập internet là một vấn đề quan trọng.
Do đó, cần phải chống lại việc điều chỉnh hoặc chặn internet và nguyên tắc thông tin có thể di chuyển qua biên giới một cách tự do và an toàn như một phần của internet toàn cầu phải là cốt lõi của một quy định công bằng.
“Việc chặn nội dung mà không có hướng dẫn rõ ràng, không xét đến bản chất toàn cầu của tnternet, có nguy cơ cô lập Việt Nam khỏi cuộc xu hường Internet mở toàn cầu, với cái giá phải trả về kinh tế và xã hội”, ông Thành nói.
Về các yêu cầu tạm khóa và khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung, chặn và gỡ bỏ ứng dụng, ông Thành cho rằng điều này không khả thi về mặt vận hành.
“Dự thảo mới cũng đã mở rộng cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp quản lý thông tin để điều chỉnh mọi hành vi “vi phạm pháp luật Việt Nam”. Điều này gây gánh nặng lớn cho doanh nghiệp và có thể cản trở mục tiêu của Chính phủ trong việc xử lý nội dung bất hợp pháp”, ông Thành nêu.
Ngoài ra, theo ông Thành, dự thảo duy trì một số nghĩa vụ khác mà các công ty đơn giản là không thể tuân thủ và có thể khiến các công ty buộc phải thực hiện cách tiếp cận quá thận trọng và xóa nhiều nội dung hơn.
Ví dụ, thời gian thực hiện trong 3 giờ hoặc 24 giờ đối với các yêu cầu gỡ bỏ nội dung của cơ quan quản lý và rất ngắn; yêu cầu đối với các nền tảng xuyên biên giới phải có bộ phận chuyên trách xử lý các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam… không thực tế và không khả thi.
“Việc phát triển các công cụ để tuân thủ các nghĩa vụ được đề xuất này sẽ tạo ra chi phí hoạt động đáng kể và những thách thức về nguồn lực, có thể gây khó khăn cho các nền tảng nước ngoài trong việc tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam”, ông Thành nói.