Tại một số khu vực được chọn lọc ở thành phố Thâm Quyến, trung tâm công nghệ nối Trung Quốc với Hồng Kông, tầm nhìn tương lai của Bắc Kinh về hệ thống đường “kết nối thông minh” đang hình thành, với taxi tự lái trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, các chuyên gia đặt ra câu hỏi liệu một hệ thống đường cho ô tô tự lái có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần hay không.
Một số taxi được vận hành bởi dịch vụ robotaxi Apollo Go của Baidu (gã khổng lồ tìm kiếm trên internet), có thể được hành khách tiềm năng gọi dễ dàng thông qua ứng dụng di động. Các chuyến đi hoàn toàn miễn phí hoặc giảm giá mạnh kể từ khi ra mắt vào năm ngoái.
Sống ở quận Nam Sơn của Thâm Quyến, Thomas Chen thích sử dụng dịch vụ robotaxi Apollo Go để đi từ cửa hàng tạp hóa địa phương của mình.
Ông chia sẻ: “Bản thân chuyến đi nhìn chung khá êm ái, ngoại trừ thỉnh thoảng có một số pha phanh gấp”. Tuy nhiên, Thomas Chen nói thêm rằng rất khó tìm được taxi của Apollo Go trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng.
“Tôi hy vọng họ sẽ sớm mở rộng đội taxi và khu vực hoạt động của mình”, Thomas Chen nói.
Thomas Chen không đơn độc khi thử nghiệm những chiếc taxi tự hành mới. Baidu báo cáo rằng đã cung cấp khoảng 714.000 chuyến đi trong quý 2/2023, tăng 149% so với cùng kỳ năm trước, khi taxi của họ lần đầu tiên ra mắt.
Dù Baidu dự kiến sẽ phục vụ 100 thành phố vào cuối thập kỷ này, nhưng đến nay, công ty mới chỉ nhận được sự chấp thuận để bao phủ một số khu vực được chọn ở 4 thành phố lớn ở Trung Quốc để vận hành thương mại taxi tự lái.
Baidu phải chờ sự chấp thuận bổ sung từ các cơ quan chức năng, cùng với các đối thủ cạnh tranh như ứng dụng taxi nổi tiếng Didi Chuxing cùng kỳ lân như Pony.ai do Toyota hậu thuẫn và AutoX được Alibaba hậu thuẫn, trước khi mở rộng hoạt động.
Tuy nhiên, các cuộc biểu diễn thí điểm về robotaxi thể hiện một bước quan trọng trong mục tiêu hỗ trợ công nghệ này của Trung Quốc. Trong Hội nghị Phương tiện Kết nối Thông minh Thế giới năm 2020 tại thủ đô Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc đã công bố lộ trình yêu cầu 20% tổng số phương tiện mới được bán phải có khả năng L4 (cấp 4) vào năm 2030.
Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, khả năng L4 cho phép ô tô vận hành mà không cần sự can thiệp tích cực của người lái và không thể thiếu trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ra một hệ thống công nghệ và công nghiệp gồm cả “phương tiện kết nối thông minh”.
Song theo các chuyên gia, trong khi nhiều công ty tuyên bố có đủ khả năng công nghệ để cung cấp những phương tiện này trong vòng vài năm, vẫn còn rất nhiều cuộc thử nghiệm và rào cản đáng kể phải vượt qua.
Yale Zhang Yu, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Automotive Foresight có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết: “Các công ty robotaxi đang thực sự tiến hành thử nghiệm, không chỉ cho chính họ mà còn cho toàn ngành”. Ông nói rằng một số tai nạn nghiêm trọng có thể gây trở ngại đáng kể cho áp dụng công nghệ này.
“Sau đó, vẫn còn một câu hỏi là liệu công nghệ này có thể xử lý được các môi trường và điều kiện mới hay không khi chính sách cho phép taxi tự lái đi qua toàn bộ thành phố”, Yale Zhang Yu nói thêm.
Hiện tại, dù các buổi biểu diễn robotaxi ban đầu mang lại cơ hội nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ nhưng các khu vực được chọn ở Trung Quốc tương đối nhỏ với điều kiện giao thông thuận lợi.
Các khu vực biểu diễn robotaxi cũng khác nhau về những công nghệ nào được phép thử nghiệm. Trong khi taxi ở quận Bình Sơn, ngoại ô của Thâm Quyến, hoạt động hoàn toàn tự chủ thì taxi ở quận Nam Sơn yêu cầu nhân viên ngồi trên xe để giám sát an toàn.
Sự không chắc chắn về chính sách thậm chí còn lớn hơn trong không gian ô tô L4 cá nhân do các vấn đề về trách nhiệm pháp lý.
Yale Zhang Yu cho biết: “Các ô tô L4 không yêu cầu tài xế đặt tay lên vô lăng, nghĩa là trong trường hợp xảy ra tai nạn, câu hỏi đặt ra là bên chịu trách nhiệm là ai”.
Vấn đề nan giải về trách nhiệm pháp lý càng trở nên trầm trọng hơn ở ô tô L3, vốn chỉ yêu cầu người lái xe kiểm soát phương tiện trong một số điều kiện nhất định.
Do đó, việc áp dụng rộng rãi ô tô tự hành đòi hỏi các biện pháp chính sách toàn diện hơn và cơ sở hạ tầng pháp lý cho tất cả cấp độ xe tự lái lẫn nhà khai thác taxi, theo Yale Zhang Yu.
Yale Zhang Yu cho biết thêm, chi phí và yêu cầu kỹ thuật nặng nề vẫn là rào cản lớn, với những chiếc ô tô L4 yêu cầu các thiết bị đắt tiền như cảm biến và radar laser, khiến chúng có giá cao gấp 5 lần so với một chiếc ô tô bình thường.
Với những bất ổn về lợi nhuận ngắn hạn và quy định với ô tô L4, đầu tư vào lĩnh vực xe tự lái dường như đã chậm lại.
Theo báo chí địa phương, các sự kiện đầu tư được tiết lộ công khai liên quan đến ô tô tự hành vào năm 2022 là hơn 20,5 tỉ nhân dân tệ (2,82 tỉ USD), chưa bằng 1/3 so với con số một năm trước đó.
Brady Wang, nhà phân tích công nghệ của hãng nghiên cứu Counterpoint Research, nói với trang SCMP: “Nhiều công ty vẫn đang đầu tư vào công nghệ ô tô tự hành nhưng thận trọng hơn về nó”.
Theo Brady Wang, những yếu tố như vậy không tốt cho mục tiêu ô tô L4 năm 2030 của Trung Quốc. Dựa trên tiến độ hiện tại, ông cho biết khả năng Trung Quốc đạt được mục tiêu ô tô L4 chiếm 20% tổng thị phần vào năm 2030 là "khá tham vọng và khó xảy ra".
Ông nói thêm: “Dự báo của chúng tôi cho thấy ước tính thực tế hơn về việc áp dụng ô tô L4 vào năm 2030 có thể nằm trong khoảng 5 đến 10%”.
Triển vọng tốt hơn các loại ô tô tự hành một phần (L2), hỗ trợ lái xe nhưng luôn yêu cầu người lái chú ý và ít đòi hỏi hơn về phần cứng. Brady Wang cho biết những phương tiện này được dự đoán sẽ vượt quá 50% thị phần vào năm 2025.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lạc quan hơn về mục tiêu ô tô L4 của Trung Quốc phụ thuộc vào việc thực thi các chính sách, quy tắc, luật giao thông và quy định cần thiết.
Tu Le, Giám đốc điều hành Sino Auto Insights - công ty tư vấn về lĩnh vực di chuyển, nói: “Tôi tin tưởng rằng mọi việc sẽ được giải quyết”. Ông cho biết không phải tất cả công ty ô tô tự hành ngày nay sẽ tồn tại sau khi được các nhà đầu tư đánh giá, cạnh tranh gia tăng và quy định khắt khe hơn.