Theo Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soereide, chính phủ nước này đang thảo luận về khả năng yêu cầu Mỹ kéo dài thời gian triển khai thủy quân lục chiến tại đây.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, Ngoại trưởng Soereide cho biết: “Chúng tôi hiện đang trong giai đoạn thảo luận những lựa chọn khác nhau, nhưng theo ý kiến của tôi, sự hiện diện của lực lượng Mỹ rất có ích và rất thành công”.
“Phía Mỹ cũng đang hạnh phúc với những gì đang diễn ra. Họ nhận ra rằng quân đội của họ thiếu những cuộc huấn luyện trong mùa đông cũng như chuyên môn chiến đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Giờ họ đã có mặt tại đây, và đã có thể đối mặt với thời tiết lạnh giá”, bà Soereide nói thêm.
Dù khẳng định không xem Nga là mối đe dọa về quân sự, nhưng Ngoại trưởng Na Uy cho biết chính quyền Oslo nhìn thấy những thách thức đặt ra trong cách Moscow phát triển, không chỉ ở lĩnh vực quân sự mà còn trong các lĩnh vực xã hội dân sự, thượng tôn pháp luật và dân chủ. Bà cũng nhấn mạnh nguy cơ nổ ra chiến tranh ở Bắc Cực, mặt phía bắc của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), là rất thấp.
Khoảng 330 lính thủy quân lục chiến Mỹ đã đến Na Uy vào tháng 1.2017 theo một nhiệm vụ triển khai kéo dài 6 tháng. Đây là lực lượng nước ngoài đầu tiên đóng tại quốc gia Bắc Âu này kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc.
Sau đó, Oslo đã kéo dài thời gian lực lượng này đóng quân. Dự kiến thủy quân lục chiến Mỹ sẽ duy trì hiện diện đến cuối năm 2018. Đại sứ quán Nga đã lên tiếng phản đối, đánh giá động thái của chính quyền Na Uy làm tổn hại quan hệ song phương giữa nước này với Moscow và khiến căng thẳng ở mặt phía bắc NATO leo thang.
Cẩm Bình (theo Reuters)