Thống kê từ báo cáo tài chính của 12 ngân hàng thương mại cổ phần, trong 6 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận nhiều ngân hàng đã bị “bào mòn” 46% vì chi phí dự phòng. Do đó, hàng loạt ngân hàng hiện đang gấp rút bán nợ xấu cho VAMC.

Lợi nhuận bị “bào mòn”, ngân hàng gấp rút bán nợ xấu cho VAMC

Một Thế Giới | 06/09/2015, 15:24

Thống kê từ báo cáo tài chính của 12 ngân hàng thương mại cổ phần, trong 6 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận nhiều ngân hàng đã bị “bào mòn” 46% vì chi phí dự phòng. Do đó, hàng loạt ngân hàng hiện đang gấp rút bán nợ xấu cho VAMC.

VAMC chịu trách nhiệm mua nợ xấu theo giá thị trường
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Theo đó, VAMC quyết định và chịu trách nhiệm về việc mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường, phát hành trái phiếu, trái phiếu đặc biệt để thanh toán cho các tổ chức tín dụng bán nợ khi mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
VAMC sẽ mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường bằng phát hành trái phiếu trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ xấu, bên cạnh trái phiếu đặc biệt với cơ chế đã có.
Một trái phiếu, trái phiếu đặc biệt được phát hành tương ứng với một khoản nợ xấu đã được mua, bán. Trong trường hợp khoản nợ xấu đã được mua, bán là khoản tín dụng hợp vốn, VAMC phát hành trái phiếu, trái phiếu đặc biệt tương ứng cho từng tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn. Mệnh giá trái phiếu có giá trị bằng giá mua, bán của khoản nợ xấu.
Thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa là 5 năm. Trường hợp phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính, thì thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa không quá 10 năm.
Ngân hàng gấp rút bán nợ xấu cho VAMC
Liên quan đến việc xử lý nợ xấu, trong báo cáo mới nhất về tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, đến cuối năm nay sẽ đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%.
Cụ thể, đối với số nợ xấu phải tự xử lý, đến thời điểm 31.7, nếu ngân hàng không tự xử lý được sẽ phải bán cho VAMC. Đối với số nợ xấu bán cho VAMC, đến ngày 30.6, ngân hàng phải bán tối thiểu 75% và đến 31.8 hoàn thành bán 100% số nợ xấu phải bán cho VAMC theo chỉ tiêu được giao.
Đáng chú ý, ngân hàng Nam A Bank đã hoàn thành hơn 100% kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC. Chất lượng tín dụng của ngân hàng này đã được kiểm soát khi duy trì được tỷ lệ nợ xấu 2,2%.
Trước đó, Nam A Bank đã tiến hành chào bán 100 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ lên 4.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đợt chào bán, vốn điều lệ của ngân hàng này chỉ tăng thêm 21 tỷ đồng, lên mức 3.021 tỷ đồng.
Ngoài Nam A Bank, MB là một trong những ngân hàng đã hoàn tất kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC. Đặc biệt, ngân hàng này chưa năm nào có mức nợ xấu vượt 3%. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của NHNN, MB đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp hơn vào cuối năm 2015.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm 2015, nợ xấu của MB chỉ ở mức 2,04%, thấp hơn mục tiêu đặt ra là dưới 2,5%.
Một ngân hàng khác cũng đã bán hết chỉ tiêu nợ xấu được giao là Eximbank. Cụ thể, tại thời điểm 30.6, Eximbank đã xử lý thu hồi được gần 1.000 tỉ đồng và bán 1.526 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC trên chỉ tiêu bán cho VAMC trong năm nay là hơn 2.000 tỉ đồng.
“Ông lớn” BIDV cũng đã bán 8.000 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm nay. Con số này cao gần gấp đôi so với năm trước. BIDV cho biết đã gần về đích trong kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC.
Không kém cạnh, ngân hàng Vietcombank cũng bán khoảng 1.000 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC trong quý II/2015.
Giá trị nợ xấu đã bán cho VAMC của ngân hàng VietinBank trong năm 2014 là 4.500 tỉ đồng và ngân hàng này cũng đang tiếp tục xem xét bán nợ cho VAMC trong năm 2015.
Dù tỷ lệ nợ xấu của ACB hiện chỉ dưới 1,7% và không thuộc diện bắt buộc bán nợ cho VAMC, thế nhưng nhà băng này vẫn đăng ký bán xấp xỉ 1.000 t tỉ đồng nợ trong năm 2015. ACB đặt mục tiêu xử lý 1.600 tỉ đồng nợ xấu và sẽ xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đang gấp rút bán nợ xấu theo chỉ tiêu đã được giao, ví dụ như trong 6 tháng đầu năm, DongA Bank đã bán khoảng 1.000 tỉ đồng và đang tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC… Saigonbank cũng sẽ hoàn tất việc bán khoảng 500 tỉ đồng nợ xấu trước ngày 30.9…
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trong 2 năm, Tập đoàn Thuận An trúng nhiều gói thầu thuộc chương trình đặc biệt của Chính phủ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Trong 2 năm (2022 - 2023), Tập đoàn Thuận An phát triển rất nóng, trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỉ đồng. Trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lợi nhuận bị “bào mòn”, ngân hàng gấp rút bán nợ xấu cho VAMC