Người đàn ông bị nhồi máu cơ tim được một bệnh viện lớn ở TP.HCM trả về. Trong lúc người nhà đang chuẩn bị các công việc cần thiết để lo hậu sự, người đàn ông trên lại có dấu hiệu hồi sinh và được chuyển đến bệnh viện kịp thời cứu sống.
Theo người nhà của ông P.V. L.( 61 tuổi, quê Long An), trước đó ông vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng bỗng dưng ông cảm thấy đau nhói ở ngực, sau đó đau dữ dội hơn, vã mồ hôi, người tái xanh. Ngay lập tức người nhà đã chuyển ông đến bệnh viện ở địa phương cấp cứu. Tại bệnh viện ông L. đã ngưng tim, ngưng thở, các bác sĩ tiến hành hồi sức ngưng tim, ngưng thở và chuyển ngay lên bệnh viện tuyến trên ở TP.HCM.
Khi người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên này thì bệnh nhân cấp cứu quá đông, không còn máy thở nên ông L. được bệnh viện bố trí cho người nhà bóp bong bóng. Sau đó, các bác sĩ ở bệnh viện này cho chụp mạch vành và tư vấn can thiệp nhưng cho biết khả năng mổ để cứu sống là khá thấp nên người nhà chấp nhận cho bệnh nhân điều trị nội khoa.
“Lúc bác sĩ thông báo, bệnh nhân có thể mổ nhưng tỷ lệ sống cũng rất thấp, thấy vậy nên gia đình thôi không cho ông mổ, bác sĩ chuyển lên khoa để điều trị nội khoa”, vợ của ông L. cho hay.
Sau khi điều trị được 2 ngày, tình trạng sứckhỏe của ông L. ngày càng xấu, bệnh nhân lịm dần. Bác sĩ khuyên nên đưa bệnh nhân về. Lúc này, mọi người trong gia đình chuẩn bị các thủ tục cần thiết để lo hậu sự.
“Mọi người cột 2 chân của ông để khi mất, chân thẳng, không bị cong và thắp 4 nén nhang, chuẩn bị một nồi cháo to để cúng cho ông. Lúc đó tui thấy tay ông ngoắc ngoắc nên liền nói với người nhà. Lập tức người nhà liên lạc với một bác sĩ ở Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) và được vị bác sĩ này yêu cầu chuyển ngay đến bệnh viện này để điều trị”, một người thân của ông L. kể lại.
Nhớ lại thời khắc trên, bác sĩ Nguyễn Thiên Hào - Phó khoa tim mạch, bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) chia sẻ: “Khi nghe gia đình người nhà của bệnh nhân L. thông báo, tôi liền mở viber để xem lại toàn bộ hiện trạng của bệnh nhân đang nằm ở nhà như thế nào. Qua đó tôi thấy tình trạng của bệnh nhân không đến nỗi tuyệt vọng. Lúc đó tôi thấy huyết áp của bệnh nhân là 85mmHg, nhịp tim khoảng 145 lần/phút, oxy của đường thở khoảng 85% nên tôi khuyên người nhà nên đưa bệnh nhân tới bệnh viện”.
Bác sĩ Nguyễn Thiên Bình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cho biết bệnh nhân L. chuyển đến trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản. Bệnh nhân trong tình trạng sốc nặng, các bác sĩ tiến hành sử dụng thuốc vận mạch liều cao. Sau đó tiến hành xét nghiệm và kết quả cho thấy, bệnh nhân L.bị tổn thương đa cơ quan, trong đó có tổn thương gan, tổn thương thận. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân.
Khi kiểm tra cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân này có một hiện tượng rất may mắn, đó là cơ thể tái thông tự nhiên. Cục huyết khối do nhồi máu cơ tim của bệnh nhân này gây ra đang tự xử lý. Lúc này men tim của bệnh nhân giảm dần, sức khỏe ngày càng ổn định, huyết áp dần dần hồi phục.
Sau khoảng 12 ngày điều trị bệnh nhân đã được rút nội khí quản, men tim đã về gần như trở lại bình thường.
“Đến chiều nay (21.8) sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, tiếp xúc tốt, tự đi đứng, ăn uống và trò chuyện bình thường. Tuy nhiên do bị nhồi máu cơ tim, trên điện tim đồ để lại dấu sẹo nên các bác sĩ tiếp tục theo dõi; đồng thời tiếp tục được can thiệp mạch vành để xử lý tận gốc căn bệnh về tim của bệnh nhân”, bác sĩ Bình cho biết.
Bác sĩ Bình cho rằng rất có thể bệnh nhân này ngất lịm và không thể qua khỏi là do không được thở bằng máy thở, người nhà phải bóp bong bóng.
Hồ Quang