Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, người vi phạm giao thông phải có nghĩa vụ nộp phạt khi vi phạm, nhưng phương tiện giao thông của họ vẫn phải được đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm định. Hai việc này không liên quan đến nhau.
Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2016, Cục chỉ nhận được đề nghị từ chối đăng kiểm 2.800 trường hợp xe ôtô. Tuy nhiên, trong năm 2017, số lượng xe bị đề nghị từ chối đăng kiểm đã tăng mạnh. Cụ thể, chỉ từ đầu năm đến ngày 15.9.2017, danh sách đề nghị từ chối đăng kiểm đã lên hơn 16.000 trường hợp, tăng hơn 5 lần năm 2016.
Được biết, các trường hợp này gồm cả các xe bị phạt nguội và những người bị các lực lượng chức năng lập biên bản nhưng cố tình không nộp phạt. Sau khi bị từ chối, mới có hơn 5.500 xe chấp hành nộp phạt và được tiếp nhận đăng kiểm trở lại.
Cũng theo Cục Đăng kiểm, việc số lượng xe đề nghị từ chối đăng kiểm do không nộp phạt tăng mạnh gây phát sinh nhiều thủ tục, giấy tờ, thậm chí chi phí cho bộ phận chức năng của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị đăng kiểm. Bên cạnh đó, còn có những trường hợp đơn vị xử phạt quên phản hồi, khiến có trường hợp đã chấp hành xử phạt nhưng chưa được đăng kiểm ngay.
Theo đó, khi cơ quan công an gửi danh sách các xe vi phạm sang Cục Đăng kiểm, Cục này sẽ phải nhập dữ liệu vào hệ thống và các trung tâm đăng kiểm khi nhập thông tin về xe kiểm định sẽ biết được chiếc xe có trong diện cảnh báo hay không.
Sau khi chủ xe nộp phạt sẽ phải mang biên lai và biên bản phạt tới nộp cho trung tâm đăng kiểm và trung tâm này vừa phải lưu giữ hồ sơ vừa phải gửi lại một bản photo lên Cục Đăng kiểm để xoá thông tin cảnh báo trên hệ thống.
Phòng CSGT Hà Nội cho biết, 9 tháng đầu năm đơn vị đã xử lý 4.252 trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ qua hệ thống camera, tước 4.009 GPLX. Trong đó, hơn 1.000 lượt vi phạm chưa chấp hành việc nộp phạt theo giấy thông báo vi phạm, nộp phạt của Trung tâm tín hiệu đèn. Đơn vị đã gửi thông báo hơn 1.000 phương tiện này này tới trung tâm đăng kiểm.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đầy này, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng không đăng kiểm cho xe bị phạt nguội là không chính xác.
Ông Hùng cho hay, tại Khoản 6, Điều 4 Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như sau: “Kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới hết niên hạn sử dụng; Kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định”.
Theo ông Hùng, các đề nghị và cảnh báo của các cơ quan chức năng ở đây được hiểu là các phương tiện không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. “Camera, máy đo tốc độ phục vụ cho việc phạt nguội hiện nay chỉ có thể phát hiện phương tiện vượt đèn đỏ, lấn làn, di chuyển quá tốc độ cho phép... nhưng không thể phát hiện ra phương tiện này có đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn hay môi trường. Vì vậy, nếu từ chối đăng kiểm từ việc phạt nguội là chưa chuẩn.
Theo ông Hùng, cũng quy định tại Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 9.11.2015 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hai trường hợp không được cấp giấy chứng nhận kiểm định, đó là trường hợp xe cơ giới “Khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng” và trường hợp xe cơ giới “Khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm”. Không có trường hợp nào không được cấp giấy chứng nhận kiểm định vì lý do chưa nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ.
“Nếu trường hợp có văn bản nào đó quy định về sự phối hợp giữa các đơn vị cảnh sát giao thông và cơ quan kiểm định, thì đó cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực bắt buộc chung. Người vi phạm giao thông phải có nghĩa vụ thực hiện biện pháp xử phạt hành chính khi họ vi phạm, nhưng phương tiện giao thông của họ vẫn phải được đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm định nếu họ chưa thực hiện nghĩa vụ này”, ông Hùng nói.
Theo vị này, trong trường hợp người vi phạm giao thông cố tình trốn tránh nghĩa vụ nộp phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan chức năng có thể áp dụng một số biện pháp cưỡng chế buộc họ phải thực hiện.
Nói trên tờ Tiền Phong, đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho rằng việc xử lý người vi phạm an toàn giao thông là cần thiết. Tuy nhiên, việc từ chối kiểm định phương tiện chậm nộp phạt nguội của Cục Đăng kiểm Việt Nam là chưa hợp lý.
Theo quy trình, khi phát hiện phương tiện vi phạm qua thiết bị khoa học công nghệ như camera, máy đo tốc độ, lực lượng tuần tra sẽ trích xuất biển số xe, gửi kèm thông báo về công an địa phương, nơi phương tiện được đăng ký để báo cho chủ xe đi nộp phạt. Còn chức năng của Cục Đăng kiểm Việt Nam là kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật các loại phương tiện để quyết định cấp phép cho phương tiện được lưu hành.
“Về nguyên tắc, phạt nguội và đăng kiểm là 2 vấn đề khác nhau. Hành vi vi phạm dẫn tới phạt nguội là ý thức chủ quan của tài xế, không phải là lỗi của phương tiện. Chúng ta đã có quy định rõ ràng về đăng ký xe, nếu chủ xe bán cho người khác thì phải báo cho cơ quan chức năng để xác định đúng chủ sở hữu. Nếu họ không báo thì phải chịu trách nhiệm. Đây là việc của công an chứ không phải là cơ quan đăng kiểm”, ông Sơn nói.
Hoài Phong