Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoãn một cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong bối cảnh có dấu hiệu ngày càng gia tăng chia rẽ giữa Pháp và Đức về năng lượng và quốc phòng.

Vì sao Đức – Pháp lại hục hặc nghiêm trọng trong lúc phương Tây cần đoàn kết trước Nga?

T.A (theo Telegraph) | 20/10/2022, 07:28

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoãn một cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong bối cảnh có dấu hiệu ngày càng gia tăng chia rẽ giữa Pháp và Đức về năng lượng và quốc phòng.

duc-phap.jpg

Theo The Telegraph của Anh, lý do Pháp “giận dữ” với Đức là vì Berlin đã khởi động kế hoạch hỗ trợ năng lượng trong nước trị giá 200 tỉ euro mà không tham khảo ý kiến ​​đối tác EU thân cận nhất của mình, cũng như ủng hộ đưa vũ khí của Mỹ và nước ngoài trang bị cho hệ thống phòng thủ của EU.

Đến lượt người Đức được cho là đã phàn nàn riêng về sự đạo đức giả (hypocrisy) và chủ nghĩa ích kỷ của người Pháp.

Quyết định hoãn các cuộc tham vấn truyền thống của chính phủ Pháp-Đức vào tuần tới được đưa ra trong bối cảnh ông Macron bị phản đối trong nước sau khi ông đã đưa kế hoạch ngân sách năm 2023 của mình mà phớt lờ quốc hội, nơi ông không còn chiếm đa số. Động thái này đã làm dấy lên quyết tâm của phe đối lập nhằm đưa ra một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Mặc dù một cuộc bỏ phiếu như vậy rất khó có thể giành được đủ sự ủng hộ để hạ bệ chính phủ, nhưng việc sử dụng điều 49.3 đã làm rõ sự yếu kém của Tổng thống Macron trong quốc hội và đi ngược lại các cam kết của bầu cử.

Nhưng các bộ trưởng nói rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng điều luật 49.3 để thông qua ngân sách sau khi các đảng đối lập đưa ra hàng trăm sửa đổi đối với dự luật có khả năng làm thâm hụt hơn 8 tỷ euro nếu được thông qua.

Hôm thứ tư, các quan chức Pháp và Đức đã bác bỏ mọi gợi ý về rạn nứt, nói rằng họ cần “thêm thời gian” trước khi các nhà lãnh đạo gặp nhau ở Fontainebleau, phía nam Paris - cuộc tham vấn đầu tiên kể từ khi ông Scholz nhậm chức năm ngoái.

Telegraph dẫn lời một quan chức Elysée: "Có một mong muốn chung là có một cái gì đó tham vọng hơn... về quốc phòng và cách chúng tôi sắp xếp trật tự chủ quyền của châu Âu với các nhu cầu và lựa chọn đã được đưa ra cũng như các câu hỏi về năng lượng để người Đức xem cách chúng tôi xây dựng một chiến lược có chủ quyền của châu Âu".

Steffen Hebestreit, phát ngôn viên của Thủ tướng Scholz, thừa nhận rằng: "có một số vấn đề khác nhau mà chúng tôi đang giải quyết vào lúc này... mà chúng tôi vẫn chưa đạt được một quan điểm thống nhất". Do vậy, cả hai bên quyết định hoãn các cuộc đàm phán sang tháng 1 là "hợp lý".

Tuy nhiên, trong môi trường riêng tư, ngôn từ hai bên lại ít mang tính ngoại giao hơn.

Một nguồn tin châu Âu cho biết: "Người Pháp thực sự bực tức với người Đức, đặc biệt là Scholz. Họ không nói điều đó trước công chúng nhưng họ rất tức giận".

“Người Đức đang làm điều mà người Pháp thường bị cáo buộc: đưa ra quyết định mà không hỏi ý kiến ​​các đối tác để phục vụ lợi ích của mỗi họ”.

Về phía Pháp, danh sách bất bình gồm có quyết định chi tiêu quân sự của Berlin nhiều hơn 100 tỉ euro cho các loại vũ khí có sẵn của Mỹ, thay vì các dự án quốc phòng mới của EU nhằm tăng cường năng lực nội tại, điều mà Pháp đang thúc đẩy.

Một quan chức chính phủ Pháp trích dẫn các dự án chung - bao gồm máy bay chiến đấu Hệ thống Phòng không Chiến đấu Tương lai (FCAS) và xe tăng Hệ thống Chiến đấu Mặt đất Chính (MGCS) - là những lĩnh vực còn chậm tiến. Để so sánh, Vương quốc Anh đang phát triển với máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của mình là Tempest.

Ông Macron cũng cho biết quyết định của ông Scholz về việc triển khai kế hoạch hỗ trợ 200 tỉ euro để bảo hộ các doanh nghiệp và người tiêu dùng khỏi giá năng lượng đang tăng vọt, có nguy cơ dẫn đến "sự biến dạng" trong khối.

Trong tuần này, nhà lãnh đạo Pháp lập luận trên nhật báo Pháp Les Echos: "Nếu chúng ta muốn có một cách tiếp cận mạch lạc, đó không phải là các chiến lược quốc gia cần được thông qua mà là một chiến lược của châu Âu".

Berlin cũng bị cáo buộc chặn việc áp giá trần với khí đốt ở mức EU mà Pháp lo ngại sẽ khiến người tiêu dùng hết hứng thú tiết kiệm năng lượng, do đó làm tình hình trở nên tồi tệ hơn và khiến các nhà cung cấp sẽ chuyển hướng tìm kiếm các thị trường khác.

Về phần mình, Berlin không hài lòng với Paris vì thiếu sự ủng hộ đối với nỗ lực hồi sinh cái gọi là dự án khí đốt Midcat cho đường ống nối Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, qua Pháp đến Đức.

Pháp coi việc này là quá tốn kém và không cần thiết vì nước này đã có đủ các bến cảng nhập khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

Bài liên quan
Nước cờ có thể quyết định thành bại: Nga kết thân UAE, Mỹ dọa nghỉ chơi với Ả Rập Saudi
Trong lúc Nga đang ra sức kết thân với các nước OPEC để cùng kiểm soát giá dầu bất chấp áp lực từ phương Tây thì Mỹ đang đẩy mạnh các biện pháp răn đe để hòng kéo các nước Ả Rập ngưng ủng hộ Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Đức – Pháp lại hục hặc nghiêm trọng trong lúc phương Tây cần đoàn kết trước Nga?