Kền kền khoang cổ, còn được gọi là ”Thần ưng vùng núi Andes” ở Nam Mỹ, đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì một dự án xây trại điện gió ở phía nam Argentina.
Vào một sáng đẹp trời, 200 người Mapuche, cộng đồng bản địa lớn nhất tại vùng núi Patagonia, đã leo lên một ngọn đồi với chỉ một nhiệm vụ: trả tự do cho hai con kền kền khoang cổ từng bị bắt sau khi chào đời để đưa về nuôi dưỡng.
Trong lúc các thành viên Mapuche chơi các nhạc cụ dân gian, một sự im lặng đầy tính sợ sệt vẫn ngự trị vùng núi thuộc huyện Sierra Paileman của tỉnh Rio Negro, khi các nhà nghiên cứu mở hai chiếc cũi nhốt hai hậu duệ của loài chim bay lớn nhất thế giới.
Khi hai con chim vừa được thả vào bầu trời, trẻ con Mapuche tung những chiếc lông kền kền lên cao, là biểu tượng chúc lành cho hai con vật mang tên Huasi và Yastay, trong thổ ngữ Quechua có nghĩa là “Nhà” và “Thần bảo vệ các loài chim”.
Khi lồng vừa mở, Huasi vươn hai cánh và bay ngay lập tức, nhưng Yastay cẩn trọng trước bầu trời cao rộng sau hai năm được nhốt nuôi, và phải mất 60 phút nó mới cất cánh.
Nỗ lực bảo tồn và tái phát triển bị đe dọa
Trong khi người dân bản địa ôm nhau chúc mừng, các nhà nghiên cứu khởi động khâu giám sát hai con vật. Đó là một phần của nhiệm vụ duy trì và mở rộng đàn chim kền kền khoang cổ của Chương trình Bảo tồn Kền kền núi Andes (PCCA).
Cảm xúc vừa sung sướng vừa đớn đau cũng dâng trào nơi nhóm nghiên cứu-bảo tồn vì Argentina đang có các kế hoạch sơ bộ mở một trại điện gió lớn ở cao nguyên Somuncura nhằm thực hiện một dự án năng lượng xanh xuất khẩu qua châu Âu.
Kế hoạch này đe dọa nỗ lực 30 năm tái phát triển một loài chim có nguy cơ bị tuyệt chủng, theo đánh giá của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN).
Nhóm bảo tồn lo sợ Thần ưng núi Andes sẽ va đập vào các cánh quạt của turbine gió và bị chém chết.
Bên nước láng giềng Chile, một nghiên cứu đánh giá tác động môi trường cho kế hoạch xây một trại điện gió với 65 turbine điện gió đã kết luận: mỗi năm có khoảng 4 con kền kền khoang cỏ va đập vào các turbine. Vì thế, cơ quan bảo vệ môi trường Chile hồi năm 2021 đã quyết hủy bỏ kế hoạch này.
Kế hoạch lấy trứng của kền kền bị trì hoãn
Vanesa Astore, giám đốc điều hành PCCA, cho biết thường thì trả tự do cho nhiều kền kền, và nay cần thả hai con Huasi và Yastay sớm, vì chúng chỉ có thể hòa nhập vào thế giới bên ngoài nếu chúng được thả trước khi chúng sang tuổi đời thứ ba.
Và nếu không được thả sớm, thì Thần ưng núi Andes sẽ phải chịu cảnh nuôi giữ suốt phần đời còn lại của chúng. Tuổi thọ của loài chim hiếm này vào khoảng 70-80 năm.
Vì tương lai của dự án trại điện gió ở Argentina chưa rõ ràng, nhóm bảo tồn không chỉ bị đặt trong tình trạng báo động, mà còn phải giảm tốc độ sinh sản và trả tự do cho loài kền kền khoang cổ.
Astore nói: “Hiện tại, chúng tôi giống như đang ở chế độ bảo tồn cấp thấp”.
Kền kền nổi tiếng đẻ chậm, lúc 9 tuổi mới trưởng thành và mỗi ba năm chỉ đẻ một trứng. Nhưng các nhà nghiên cứu đã có thể tăng tốc quá trình sinh nở, bằng cách lấy trứng của cặp chim được nuôi giữ và cho ấp trứng nhân tạo.
Khi trứng được lấy, cặp chim sẽ tạo ra một trứng khác trong vòng một tháng và chúng sẽ nuôi đứa con này, trong khi đứa con thứ nhất do người nuôi với sự hỗ trợ của đôi chim búp bê bằng nhựa giả làm cha mẹ của nó, cũng như để giúp chúng nhận biết các thành viên đồng loài.
Chiến lược này cho phép các nhà nghiên cứu “tăng sản lượng sinh đẻ trong tình trạng nuôi giữ lên 6 lần”, theo lời Luis Jacome, lãnh đạo PCCA.
Nhưng nỗ lực này đang phải tạm ngưng, không thể nhân rộng bầy đàn kền kền khoang cổ, vì “tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp”, bà Astore nói.
Trong khi háo hức với thành công của chương trình, các nhà bảo tồn vẫn lo ngại loài kền kền khoang cổ sẽ bị xóa sổ hoàn toàn.
Ông Jacome nói: “Với những con chim mà chúng tôi vừa thả, chúng có thể bị các cánh quạt điện gió chém chết. Nên loài kền kền lại có thể bị tuyệt chủng ở ven Đại Tây Dương”.
Từ khi PCCA được lập hồi 30 năm trước, 81 con kền kền đã chào đời trong tình trạng được nuôi giữ, 370 con được tập quay lại cuộc sống bình thường và 230 con được thả vào vùng trời Nam Mỹ gồm Venezuela, Colombia, Ecuador, Chile và Bolivia.
Trong số này có 66 con kền kền khoang cổ được thả dọc theo ven biển Đại Tây dương ở vùng núi Patagonia, nơi loài chim này chưa được khi nhận kể từ đầu thế kỷ 21, dù Charles Darwin hồi đầu những năm 1800 đã từng viết về sự hiện hữu của loài chim lớn này tại khu vực.
Thần ưng núi Andes nay đã quay lại, mang đến một ý nghĩa tâm linh cho nhiều người dân Mapuche.
Bà Doris Canumil, 59 tuổi, là một trong 200 người tham dự lễ thả hai con Huasi và Yastay. Bà nói: “Thần ưng bay rất cao, và tổ tiên chúng tôi từng nói kền kền có thể đem tin nhắn đến những người không còn ở đây”.
Tuy nhiên, vì vẫn còn khả năng dự án điện gió của Fortescue sẽ được thực hiện, bà nói thêm: “Patagonia nay lại là vùng đất của sự hy sinh. Năng lượng sạch sẽ không được sử dụng ở Argentina mà sẽ qua châu Âu, còn chúng tôi sẽ là bãi thải của những thứ bị bỏ lại”.
Các đối tác chưa tiến hành đánh giá tác động môi trường
Hồi năm ngoái, công ty Fortescue Future Industries (Úc) công bố kế hoạch đầu tư 8,4 tỉ USD trong 10 năm vào dự án sản xuất nhiên liệu hydrogen để xuất khẩu.
Nhằm đạt tiêu chuẩn năng lượng xanh, hydrogen phải được sản xuất bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, và phương án lập trại điện gió ra đời để tận dụng các luồng gió mạnh của vùng cao nguyên Patagonia.
Chính phủ Tổng thống Argentina Alberto Fernandez ca ngợi đây là quả đầu tư lớn nhất vào nước họ kể từ 20 năm qua, và dự án này sẽ tạo ra 15.000 việc làm trực tiếp cùng từ 40.000 đến 50.000 việc làm gián tiếp.
Tuy nhiên, Fortescue và chính quyền tỉnh Rio Negro đều không thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường trước khi công bố dự án.
Lãnh đạo PCCA nói cho đến nay, “thứ duy nhất xanh là những tờ đô-la” kết nối vào dự án.
Ông Jacome nói thêm: “Chúng tôi đang đặt cỗ xe trước đầu đoàn ngựa kéo. Chúng tôi cần có các nghiên cứu đánh giá tác động môi trường thể hiện được việc gì sẽ làm, sử dụng bao nhiêu turbine gió và nơi đặt chúng”.
Fortescue đồng ý, nói họ “cam kết đã đánh giá tác động môi trường, xã hội và kinh tế trước khi cam kết thực hiện bất kỳ dự án nào”.
Công ty cũng ra tuyên bố, hứa sẽ lấy ý kiến của các tổ chức địa phương “nhằm bảo đảm sự bảo vệ các loài của địa phương như Thần ưng núi Andes”.
Tiếp sau những thắc mắc về dự án điện gió, Fortescue quyết định không đo luồng gió ở cao nguyên Somuncura, chờ cho đến khi chính quyền tỉnh hoàn tất kế hoạch bảo vệ môi trường.
Ngày 11.10, chính quyền tỉnh Rio Negro nói Fortescue đã bỏ ra 12 tháng nghiên cứu tác động môi trường và xã hội của dự án điện gió.