Cổ phiếu Tesla giảm xuống mức thấp nhất 1 năm qua sau khi Giám đốc điều hành Elon Musk thông báo sa thải 10% nhân viên toàn cầu, làm gia tăng lo ngại về nhu cầu ô tô điện suy giảm.
Các công ty thường thấy giá cổ phiếu của mình tăng vọt sau khi tuyên bố cắt giảm lực lượng lao động, vì Phố Wall ủng hộ triển vọng về việc cải thiện hiệu quả và lợi nhuận. Thế nhưng, đó không phải là cách các nhà đầu tư phản ứng với tin tức mới về Tesla.
Cổ phiếu Tesla đã giảm gần 6% hôm 15.4 và giảm tiếp 2,71% vào ngày 16.4, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4.2023 là 157,11 USD, sau khi Elon Musk thông báo rằng công ty đang sa thải hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu, tức hơn 14.000 người.
“Khi chúng tôi chuẩn bị cho Tesla trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, điều cực kỳ quan trọng là phải xem xét mọi khía cạnh của công ty để giảm chi phí và tăng năng suất. Là một phần của nỗ lực này, chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng tổ chức và đưa ra quyết định khó khăn là giảm hơn 10% số lượng nhân viên trên toàn cầu. Không có gì tôi ghét hơn, nhưng điều này phải được thực hiện”, Elon Musk viết trong một bản ghi nhớ.
Cổ phiếu Tesla đã lao dốc kể từ đầu năm 2024, giảm 29% trong quý 1, giai đoạn tồi tệ nhất kể từ cuối 2022 và là lần giảm mạnh thứ ba kể từ khi công ty chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng từ 2010. Giá cổ phiếu Tesla hiện thấp hơn 60% so với mức đỉnh đạt được vào tháng 11.2021.
Những đợt sa thải trước đây không gây ra sự bi quan như vậy trên thị trường. Năm 2018, khi Tesla cắt giảm 9% nhân sự, cổ phiếu hãng sản xuất ô tô điện Mỹ đã tăng hơn 3%. Năm 2022, cổ phiếu Tesla giảm 9% do các báo cáo ban đầu về việc sa thải nhân viên nhưng đã phục hồi sau khi Elon Musk đưa ra bình luận đính chính vài ngày sau đó.
Tesla ngày nay đang rơi vào một tình thế khó khăn khác.
Đầu tháng 4, Tesla đã báo cáo doanh số ô tô điện giảm trong quý 1/2024, mức giảm hàng quý đầu tiên kể từ năm 2020 khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn sản xuất. Tại Trung Quốc, Tesla đã phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất ô tô điện trong nước, gồm cả công ty hàng đầu BYD và Xiaomi mới gia nhập thị trường. BYD từng vượt Tesla để trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới trong quý 4/2023.
Vào tháng 1, Elon Musk đã nói với các nhà phân tích rằng các đối thủ Trung Quốc, đáng ngại nhất là BYD và Geely, sẽ đánh bại hầu hết công ty ô tô khác trên thế giới khi họ tăng doanh số ô tô điện trên toàn cầu với mức giá rẻ hơn nhiều những gì Tesla hiện có thể cung cấp.
Nỗi lo ngại của Elon Musk đã trở thành sự thật khi Tesla công bố lượng giao ô tô điện quý 1/2024 giảm 8,5% xuống còn 386.810 xe.
Việc Xiaomi vừa gia nhập vào thị trường ô tô điện Trung Quốc chắc chắn khiến Elon Musk càng lo lắng thêm về sự cạnh tranh ở quốc gia này.
Xiaomi, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc thường gắn liền với việc sản xuất smartphone, đã ra mắt chiếc ô tô điện đầu tiên của mình tại một sự kiện sang trọng ở thủ đô Bắc Kinh cuối tháng 3. Chiếc sedan Speed Ultra 7 (SU7) của Xiaomi có giá khởi điểm 30.000 USD (tương đương 215.900 nhân dân tệ).
Dù Speed Ultra 7 bước vào một thị trường đông đối thủ cạnh tranh, việc Xiaomi ra mắt mẫu ô tô điện rẻ hơn mẫu rẻ nhất của Tesla, chỉ ba năm sau khi Giám đốc điều hành Lôi Quân công bố kế hoạch xe điện, đã thu hút được sự chú ý đặc biệt, với gần 90.000 đơn đặt hàng trong 24 giờ đầu tiên.
Trước khi sa thải 10% nhân viên toàn cầu, Tesla đã giảm giá ô tô điện và đưa ra các ưu đãi khác cho người mua, dẫn đến khả năng giảm biên lợi nhuận. Tuần trước, công ty Mỹ cho biết đang giảm giá đăng ký hệ thống hỗ trợ lái xe cao cấp Full Self-Driving (FSD) xuống một nửa cho khách hàng ở Mỹ. FSD không giúp ô tô điện Tesla tự lái và yêu cầu tài xế phải tập trung mọi lúc.
Theo dữ liệu gần đây nhất có được từ hãng Kelley Blue Book, giá ô tô điện trên toàn thị trường vào tháng 3 thấp hơn 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ “các gói ưu đãi mạnh mẽ”. Riêng giá ô tô điện Tesla chạm đáy vào tháng 1 nhưng đã tăng cao hơn trong tháng 3.
Đợt bán tháo cổ phiếu Tesla hôm 15.4 không chỉ liên quan đến việc sa thải nhân viên quy mô lớn, mà còn do nhà quản lý Drew Baglino và Rohan Patel tuyên bố sẽ rời công ty. Drew Baglino đã làm việc với Tesla từ những năm đầu thành lập, bắt đầu với tư cách kỹ sư điện và firmware hồi năm 2006. Rohan Patel gia nhập Tesla vào năm 2016 sau khi làm cố vấn cấp cao cho cựu Tổng thống Barack Obama về khí hậu và các vấn đề khác.
Firmware là một loại phần mềm chạy trên các thiết bị điện tử, thường được lập trình vào bộ nhớ không thể xóa được (ROM - Read-Only Memory) hoặc bộ nhớ flash của thiết bị đó.
Firmware giúp điều khiển và quản lý hoạt động của các thành phần phần cứng trong thiết bị, như việc khởi động, điều khiển giao diện người dùng và các tính năng khác. Firmware thường được cập nhật để cải thiện hiệu suất, sửa lỗi hoặc thêm các tính năng mới cho thiết bị. Trong trường hợp của Tesla, việc sử dụng firmware có thể liên quan đến việc cập nhật phần mềm trên các bộ điều khiển ô tô điện để cải thiện hoạt động và tính năng của chúng.
Elon Musk viết trong bản ghi nhớ sa thải nhân viên rằng “điều cực kỳ quan trọng là phải xem xét mọi khía cạnh của công ty để giảm chi phí và tăng năng suất”. Tuy nhiên, các nhà phân tích và nhà đầu tư nhận thấy đây là vấn đề về nhu cầu ô tô điện giảm.
Theo FactSet, 18 nhà phân tích đã hạ mục tiêu giá của họ với cổ phiếu Tesla trong tháng 4 này, trong khi không có nhà phân tích nào lạc quan hơn. FactSet là công ty cung cấp dữ liệu tài chính và phần mềm cho các chuyên gia đầu tư chuyên nghiệp.
Doug Clinton, thành viên quản lý tại hãng Deepwater Asset Management, nói trên chương trình Squawk Box của kênh CNBC: “Ngay khi bạn nghĩ rằng tin tức không thể tồi tệ hơn nữa với Tesla thì chúng ta lại đặt ra các câu hỏi về nhu cầu ô tô điện trong vài quý vừa qua. Bây giờ chúng ta có câu hỏi về việc liệu Tesla có sản xuất Model 2 giá thấp và giảm giá FSD hay không”.
Reuters gần đây đưa tin Tesla đã hủy bỏ phát triển ô tô điện giá thấp (Model 2) từng hứa hẹn từ lâu mà các nhà đầu tư trông cậy để thúc đẩy tăng trưởng cho công ty trên thị trường đại chúng. Elon Musk phủ nhận báo cáo này, nhưng không xác định bất kỳ điểm thiếu chính xác cụ thể nào.
Tesla đang tìm cách tăng cường tỷ suất lợi nhuận vốn đã bị sụt giảm do giảm giá liên tục, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ địa phương.
Tesla ghi nhận tỷ suất lợi nhuận gộp là 17,6% trong quý 4/2023, mức thấp nhất hơn 4 năm.
Vào tháng 2.2023, Tesla đã sa thải 4% lực lượng lao động tại thành phố New York như một phần của chu trình đánh giá hiệu suất và trước khi chiến dịch công đoàn được nhân viên phát động.
Đầu năm nay, Tesla bắt đầu thừa nhận rằng mức tăng trưởng 2024 có thể “thấp hơn đáng kể” so với 2023. Công ty cho biết đang ở giữa hai làn sóng tăng trưởng ô tô điện nhưng từ chối đưa ra định hướng cho năm 2024.
Ngoài sự cạnh tranh ngày càng gia tăng và biến động của ngành công nghiệp ô tô điện, còn có yếu tố không lường trước đi kèm với Elon Musk.
Elon Musk phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ nhiều cơ quan quản lý về các giao dịch của tỷ phú này tại X (trước đây là Twitter) và những cổ đông bày tỏ lo ngại về việc liệu ông có dành đủ sự quan tâm cho Tesla hay không. Không chỉ sở hữu X, Elon Musk giữ chức Giám đốc điều hành hãng hàng không vũ trụ SpaceX, công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo xAI, hãng giao diện máy tính não Neuralink và liên doanh đào hầm The Boring Co.
Trong khi đó, Elon Musk nhiều lần chê bai những người nhập cư không có giấy tờ, chỉ trích các sáng kiến đa dạng hóa doanh nghiệp và đăng lại một số thuyết âm mưu sai lầm.
Trước đây, Elon Musk nói rằng ông chưa bỏ lỡ bất kỳ cuộc họp quan trọng nào tại Tesla và không “hoàn toàn vắng mặt trong hoạt động”.
"Ô tô điện giá rẻ mới có thể giải quyết các vấn đề của Tesla"
Theo hãng phân tích nổi tiếng Wedbush, chiếc robotaxi (taxi tự lái hoặc taxi không người lái) mà Elon Musk tiết lộ sẽ ra mắt tháng 8 tới không phải là điều mà công ty cần tập trung trong ngắn hạn. Thay vào đó, điều quan trọng là Tesla phải cung cấp một chiếc ô tô điện giá dưới 30.000 USD trong 18 tháng tới.
Theo các nhà phân tích của hãng Wedbush, dù việc tiết lộ robotaxi sắp ra mắt của Tesla là một thông báo thú vị nhưng phải đến năm 2030 thì xe mới có khả năng tự chủ hoàn toàn.
Nhà phân tích lưu ý: “Nếu robotaxi được coi là ‘mẫu xe ma thuật’ để thay thế Model 2, chúng tôi sẽ coi đây là điều tiêu cực với câu chuyện Tesla. Sẽ là một canh bạc mạo hiểm nếu Tesla từ bỏ Model 2 và chuyển thẳng sang robotaxi”.
Ghi chú của Wedbush xuất hiện sau khi Reuters đưa tin hôm 5.4 rằng Tesla hủy việc phát triển chiếc ô tô điện Model 2 giá 25.000 USD để dành nhiều nguồn lực hơn cho xe tự lái. Reuters trích dẫn các thông điệp nội bộ của Tesla và các nguồn quen thuộc với tình hình.
Phản hồi bản tin này, Elon Musk viết "Reuters lại nói dối (một lần nữa)" trong bài đăng trên mạng xã hội X. Sau đó, tỷ phú 52 tuổi người Mỹ viết trên X rằng Tesla sẽ ra mắt robotaxi vào ngày 8.8 tới.
Việc tiết lộ robotaxi diễn ra sau nhiều năm Elon Musk thảo luận về cách phần mềm tự lái của Tesla, hiện yêu cầu tài xế chú ý mọi lúc, có thể khiến ô tô điện của hãng trở nên giá trị hơn nếu chủ sở hữu kiếm được tiền bằng cách cung cấp dịch vụ đi xe hoàn toàn tự động cho người khác khi không mình sử dụng xe.