Trả 60 triệu bảng cho Mason Mount, tốn 85 triệu bảng vì Antony, tiêu 80 triệu bảng để có Harry Maguire và "quay xe" với David de Gea, Man United bị chê là một trong những CLB đàm phán chuyển nhượng tệ nhất thế giới.

Man United bị chê là CLB đàm phán chuyển nhượng tệ nhất thế giới

Sơn Vân | 11/07/2023, 20:40

Trả 60 triệu bảng cho Mason Mount, tốn 85 triệu bảng vì Antony, tiêu 80 triệu bảng để có Harry Maguire và "quay xe" với David de Gea, Man United bị chê là một trong những CLB đàm phán chuyển nhượng tệ nhất thế giới.

HLV Erik ten Hag giúp Manchester United tiến bộ trên sân cỏ với chức vô địch Carabao Cup, vị trí thứ 3 Premier League và á quân FA Cup mùa trước, nhưng CLB chủ sân Old Trafford vẫn vụng về trong chuyện thỏa thuận chuyển nhượng cầu thủ.

Mùa hè năm ngoái, Man City kiếm được nhiều tiền từ chuyển nhượng hơn Man United. Đội chủ sân Etihad thu về 143 triệu bảng (183 triệu USD) từ việc bán Raheem Sterling, Oleksandr Zinchenko, Gabriel Jesus cùng những người khác, để thu về lợi nhuận cao, dù chi tổng cộng 95 triệu bảng (121 triệu USD) để chiêu mộ Erling Haaland và Kalvin Phillips.

Ở phía bên kia thành Manchester, Quỷ đỏ chỉ kiếm được tổng cộng 11 triệu bảng Anh (14 triệu USD), phần lớn trong số đó nhờ bán Andreas Pereira (tiền vệ 27 tuổi, người Brazil) cho Fulham. Cũng trong hè này, đội chủ sân Old Trafford chi 208 triệu bảng Anh (266 triệu USD) để mua cầu thủ, riêng Antony chiếm đến 85 triệu bảng Anh (109 triệu USD).

Sau khi MU bị bán, Andreas Pereira đã trở thành một trong những cầu thủ có ảnh hưởng nhất Fulham trong mùa giải đầu tiên trở lại Ngoại hạng Anh khi có 10 lần đóng góp vào bàn thắng trong mua giải. Trong khi đó, Antony chỉ đóng góp vào 6 bàn thắng (4 bàn và 2 pha kiến tạo) cho Man United ở Premier League, ghi 1 bàn trong khoảng thời gian từ tháng 11.2022 đến tháng 5.2023 và không có pha kiến tạo nào cho đến tháng 4.2023. Tiền vệ cánh người Brazil kết thúc mùa giải trước không mấy ấn tượng và số pha kiến tạo ở Premier League cho Quỷ đỏ bằng cho Ajax tại Eredivisie.

Có lẽ không công bằng khi so sánh giá trị hai cầu thủ khác nhau về tuổi tác, vị trí và sự phát triển sự nghiệp. Song dựa trên những gì họ thể hiện trong mùa giải trước, có người cho rằng Manchester United đã bán Pereira với giá thấp hơn thực tế và trả quá nhiều tiền cho Antony.

Dù hầu hết CLB đều mắc sai lầm trên thị trường chuyển nhượng, MU bị coi là một trong những CLB đàm phán chuyển nhượng tệ nhất thế giới, trong cả việc mua và bán cầu thủ. Hiện chưa thấy dấu hiệu cải thiện trong cách Manchester United thực hiện các giao dịch, khi gần đây họ đồng ý trả tới 60 triệu bảng cho Mason Mount dù tiền vệ 24 tuổi người Anh chỉ còn 1 năm hợp đồng với Chelsea. Chưa hết, Quỷ đỏ đã rút lại đề nghị hợp đồng mới cho David de Gea sau khi thủ môn người Tây Ban Nha 32 tuổi đồng ý với các điều khoản, dẫn đến việc anh rời sân Old Trafford trong cay đắng.

Vì vậy, khi Manchester United cố gắng thỏa thuận với Inter Milan để chiêu mộ thủ môn Andre Onana và Atalanta để có tiền đạo Rasmus Hojlund, hai đại diện Serie A hiểu rằng có thể ép giá Quỷ đỏ.

Trả quá nhiều tiền cho Antony

Một trong những lý do khiến Manchester United thường trả giá cao cho cầu thủ là vì thường chỉ tập trung vào một thương vụ và quyết tâm chiêu mộ mục tiêu đó. Kết quả là Quỷ đỏ phải trả giá đắt cho cầu thủ mà họ muốn, điển hình là việc họ cố gắng chiêu mộ Antony từ Ajax mùa hè năm ngoái.

Ajax không muốn bán cầu thủ người Brazil và nhận ra rằng Quỷ đỏ rất muốn có được anh. Edwin van der Sar, Giám đốc điều hành Ajax khi đó và từng là thủ môn Man United, thừa nhận Ajax có quyền lực trên bàn đàm phán.

Edwin van der Sar nói với tờ The Athletic: "Chúng tôi muốn giữ Antony ở lại thêm một năm nữa, không cần thiết phải bán anh ấy, vì có tiền trong ngân hàng. Thế nhưng, giá Antony đã tăng lên quá cao. Chúng tôi đã thách thức United tiến xa nhất có thể".

man-united-dam-phan-chuyen-nhuong-cuc-te1.jpg
Đắt giá nhưng Antony chưa thể hiện phong độ xuất sắc như Manchester United mong đợi - Ảnh: Getty Images

Còn nhớ vào đầu mùa hè năm ngoái, Man United tuyên bố sẽ không trả quá 60 triệu bảng (51 triệu USD) cho Antony. Cuối cùng, Quỷ đỏ phải trả đến 85 triệu bảng (109 triệu USD) khiến CLB không còn nhiều tiền để mua sắm cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng tháng 1.

Liverpool chiêu mộ Cody Gakpo (tiền đạo từng là mục tiêu của Man United) với giá 37 triệu bảng kèm phụ phí, còn Erik ten Hag chỉ có Wout Weghorst và Marcel Sabitzer dưới dạng cho mượn sau khi mất Cristiano Ronaldo vào tháng 11.2022.

Đấu giá với Man City để có Harry Maguire

Điều tương tự đã xảy ra với Harry Maguire. Trung vệ người Anh là mục tiêu số một của HLV Jose Mourinho vào năm 2018 sau kỳ World Cup xuất sắc và có giá 60 triệu bảng. Thế nhưng, ban lãnh đạo Quỷ đỏ khi đó không sẵn lòng mua Harry Maguire để hỗ trợ HLV người Bồ Đào Nha.

Mùa hè năm sau, khi Maguire trở nên nổi tiếng hơn nữa, Man City  cũng đã thể hiện quan tâm đến trung vệ này khiến Leicester City hét giá anh đến 100 triệu bảng. Man xanh bị Leicester City từ chối khi đưa ra mức giá 70 triệu bảng, trong khi Man đỏ đồng ý mua Maguire với giá đến 80 triệu bảng.

4 năm trôi qua, Maguire xếp thứ 5 trong số các trung vệ của MU, chỉ đá chính 8 trận ở Premier League mùa trước và thậm chí mất vị trí trong một số trận vào tay hậu vệ trái Luke Shaw.

Dù phù hợp với phong cách bóng đá mà Mourinho hay Ole Gunnar Solskjaer áp dụng và vẫn là cầu thủ quan trọng của HLV Gareth Southgate ở đội tuyển Anh, nhưng Maguire lại gặp khó khăn trong lối chơi kiểm soát bóng và để hàng phòng ngự dâng cao dưới thời Erik ten Hag.

man-united-dam-phan-chuyen-nhuong-cuc-te11.jpg
Harry Maguire từng là trung vệ đắt giá nhất Premier League vào năm 2019 - Ảnh: Getty Images

Man đỏ sẵn sàng bán Maguire vào mùa hè này nhưng ra giá 40 triệu bảng (bằng một nửa chi phí từng bỏ ra để mua anh từ Leicester City). Điều đó khiến các CLB quan tâm trung vệ 30 tuổi e ngại và có thể dẫn đến việc giá thực tế của anh giảm thêm do chỉ còn hai năm hợp đồng với Man United. Do cố gắng đạt được mức giá tốt nhất cho Maguire, Quỷ đỏ lại gặp khó khăn hơn trong tương lai.

Sự khác biệt của Manchester City với Manchester United

Một điều khiến Manchester City khác biệt với Manchester United trong các cuộc đàm phán là sẵn sàng từ bỏ một thương vụ nếu giá quá cao. Mùa hè năm ngoái, đội chủ sân Etihad muốn chiêu mộ Marc Cucurella của Brighton nhưng giảm bớt sự quan tâm khi được báo giá 45 triệu bảng. Thay vào đó, Man xanh mang về Sergio Gomez từ Borussia Dortmund với giá 15 triệu bảng. Sau đó, Marc Cucurella chuyển đến Chelsea với giá 55 triệu bảng và có một mùa giải ra mắt tệ hại.

Sergio Gomez cũng chơi không tốt cho Manchester City, khi chỉ được thi đấu 340 phút ở Ngoại hạng Anh và đá chính 2 trận. Song dù sao, HLV Pep Guardiola đã tránh mua phải món hàng hớ với giá cao.

Đôi khi Manchester City chiêu mộ cầu thủ khác vị trí so với mục tiêu từng theo đuổi. Sau khi rút khỏi thương vụ Maguire vào năm 2019, Man xanh quyết định không cần một trung vệ mới mà sử dụng Eric Garcia từ học viện, rồi chi tiền mua Rodri (59 triệu bảng) và Joao Cancelo (55 triệu bảng).

Manchester City cũng từ bỏ thương vụ Kalidou Koulibaly, Jorginho sau khi ngần ngại về mức giá mà Napoli đưa ra và cũng làm điều tương tự với Declan Rice hè này sau khi West Ham từ chối lời đề nghị 90 triệu bảng. Cuối cùng, Arsenal phải trả đến 100 triệu bảng + 5 triệu bảng phụ phí để có tiền vệ người Anh 24 tuổi.

Trả những gì Chelsea muốn vì Mount

Manchester United có cơ hội đạt được thỏa thuận tốt hơn với Chelsea đối với Mount khi tiền vệ này bước vào năm cuối hợp đồng và trở thành cầu thủ tự do vào tháng 7.2024. Điều đó giải thích cho mức giá mở đầu của Quỷ đỏ chỉ là 40 triệu bảng, nhưng bị Chelsea từ chối.

Man United có thêm lợi thế do The Blues cần bán Mount trước 30.6, ngày kết thúc năm tài chính, để cải thiện tài khoản cho mùa giải mới và tuân thủ các quy tắc của Premier League về lợi nhuận và tính bền vững.

Thế nhưng, đội chủ sân Old Trafford rốt cuộc đã đồng ý trả trước 55 triệu bảng + 5 triệu bảng tiền thưởng liên quan đến số lần ra sân và thành tích của Mount. Đó là một khoản phí quá lớn với một cầu thủ không thi đấu tốt ở Stamford Bridge mùa trước và chỉ có 3 bàn thắng.

man-united-dam-phan-chuyen-nhuong-cuc-te111.jpg
Manchester United trả cho Chelsea mức giá quá cao để có Mount - Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, là CLB đàm phán khôn ngoan, Manchester City đã mua Mateo Kovacic, tiền vệ cũng hết hợp đồng với Chelsea vào năm 2024, với giá chỉ 25 triệu bảng.

Hai sai lầm trong hợp đồng với David De Gea

Sự thiếu can đảm của Man United trong các cuộc đàm phán chiêu mộ Mount bị lu mờ bởi cách đối xử tồi tệ với David De Gea.

CLB chủ sân Old Trafford được cho là đã đồng ý bản hợp đồng mới với David De Gea và thủ môn người Tây Ban Nha 32 tuổi dự kiến ​​sẽ trở lại tập luyện trước mùa giải vào tháng 7. Sau đó, anh bị sốc khi Quỷ đỏ bị rút lại lời đề nghị.

man-united-dam-phan-chuyen-nhuong-cuc-te1111.jpg
Giành giải Găng tay vàng ở Premier League mùa trước nhưng David De Gea phải rời sân Old Trafford trong cay đắng sau khi bị Manchester United "quay xe" - Ảnh: Getty Images

Chia tay De Gea và ký hợp đồng với một thủ môn hiện đại, có tư duy cầu tiến, tự tin với trái bóng trong chân như Andre Onana có thể là bước đi đúng đắn của Erik ten Hag. Thế nhưng, điều đó lại khiến MU trông có vẻ vụng về và thiếu quyết đoán, đồng thời có thể khiến các mục tiêu tiềm năng cũng như người đại diện của họ ngại giao dịch với CLB này.

Việc bất ngờ “quay xe” với David de Gea không phải là động thái tồi tệ nhất mà Man United từng thực hiện trong chính sách đàm phán chuyển nhượng. Trước đó, Quỷ đỏ đã đồng ý trao cho thủ thành người Tây Ban Nha hợp đồng trị giá 375.000 bảng/tuần vào năm 2019, khiến anh trở thành cầu thủ được trả lương cao nhất tại Ngoại hạng Anh thời điểm đó. Ngoài việc tốn tiền chi lương, hợp đồng đó của Man đỏ làm giảm đáng kể cơ hội bán David De Gea trong tương lai, dẫn đến việc anh rời CLB theo dạng cầu thủ tự do sau 12 năm gắn bó.

Lên kế hoạch chuyển nhượng tệ

De Gea không phải là cầu thủ nổi tiếng duy nhất rời sân Old Trafford những năm gần đây khiến CLB không kiếm được xu nào. Những tiền lệ như: Paul Pogba, Juan Mata, Ander Herrera, Nemanja Matic và Jesse Lingard đều ra đi khi hết hạn hợp đồng với Quỷ đỏ.

Theo nhà phân tích tài chính bóng đá Kieran Maguire, việc Man United không có khả năng đàm phán về kế hoạch ra đi của các cầu thủ là lý do giải thích tại sao họ xếp cuối danh sách Big Six của Premier League về doanh số bán cầu thủ từ năm 2013 đến 2023 (chỉ kiếm được 133 triệu bảng). Chelsea đứng đầu danh sách này với 706 triệu bảng. Đội chủ sân Stamford Bridge vừa kiếm được 190 triệu bảng mùa hè này từ việc bán Mount, Kovacic và Kai Havertz.

Kế hoạch chuyển nhượng tồi tệ trong quá khứ khiến Manchester United cần bán cầu thủ vào hè này để tăng cường quỹ mua tiền đạo, sau khi chi gần hết tiền 120 triệu bảng mà họ được phép sử dụng nếu có thêm Andre Onana, do quy định về lợi nhuận và tính bền vững của Premier League.

Man đỏ cần khẩn trương thay đổi để trở thành CLB đàm phán cứng rắn hơn trên thị trường chuyển nhượng hoặc mở rộng phạm vi mục tiêu. Nếu không, Erik ten Hag đối mặt với nguy cơ phải lùng sục trên thị trường để mượn về một Wout Weghorst tiếp theo.

Bài liên quan
Rio Ferdinand cảnh báo về Onana, Hojlund đồng ý điều khoản cá nhân với Man United
Viễn cảnh David de Gea rời sân Old Trafford sau 12 năm gắn bó với Manchester United đang đến gần.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Man United bị chê là CLB đàm phán chuyển nhượng tệ nhất thế giới