Các mảnh vỡ tên lửa của Trung Quốc đã được tìm thấy ở Indonesia và Malaysia. Hiện chưa có báo cáo nào về thương tích hay thiệt hại do những mảnh vỡ gây ra.

Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc được tìm thấy ở Indonesia và Malaysia

Long Hải | 02/08/2022, 10:36

Các mảnh vỡ tên lửa của Trung Quốc đã được tìm thấy ở Indonesia và Malaysia. Hiện chưa có báo cáo nào về thương tích hay thiệt hại do những mảnh vỡ gây ra.

ten-lua.jpg
Tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc phóng module Vấn Thiên lên quỹ đạo Trái đất vào ngày 24.7

Phần lõi 23 tấn của tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi trở lại Trái đất một cách mất kiểm soát vào hôm 30.7. Các chuyên gia cho rằng phần lớn khối rác không gian này đã bị bầu khí quyển đốt cháy nhưng một phần đáng kể (khoảng 20-40% trọng lượng) vẫn rơi trở lại Trái đất.

Trang Space cho biết các mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc đã rơi xuống Ấn Độ Dương nhưng một vài mảnh nhỏ hơn bắt đầu xuất hiện trên đất liền ở Đông Nam Á. Người dân các địa phương ở Indonesia và Malaysia đã nhặt được các mảnh được cho là của Trường Chinh 5B dọc theo quỹ đạo mà nó bay qua bầu khí quyển trước khi đáp xuống biển.

Theo nhà vật lý thiên văn và theo dõi vệ tinh Jonathan McDowell từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, các mảnh vỡ được tìm thấy ở Kalimantan, Indonesia và Sarawak, Malaysia. Một trong số đó đủ lớn để gây thương tích hoặc thiệt hại nghiêm trọng nếu rơi xuống một ngôi làng hoặc thành phố. Hiện không có báo cáo thương vong hoặc thiệt hại về tài sản, nhưng các mảnh vỡ nằm cách các ngôi làng chỉ vài trăm mét.

Video quá trình phóng module Vấn Thiên vào quỹ đạo

Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng vào ngày 24.7 từ Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, mang theo module Vấn Thiên hoạt động bằng năng lượng mặt trời lên trạm vũ trụ Thiên Cung. Tầng lõi của tên lửa đã đạt đến quỹ đạo cùng với module Vấn Thiên, sau đó được kéo trở lại Trái đất bằng lực cản của khí quyển trong 6 ngày tiếp theo.

Chiến lược loại bỏ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc không thể kiểm soát và khó dự đoán quỹ đạo rơi. Các tầng đẩy của tên lửa Mỹ thường được thiết kế để rơi xuống biển, các khu vực dân cư thưa thớt hoặc thực hiện hạ cánh thẳng đứng, ví dụ như tên lửa Falcon 9 hay Falcon Heavy của SpaceX.

Nhiều chuyên gia trong cộng đồng không gian đã chỉ trích các quan chức vũ trụ Trung Quốc vì để các lõi tên lửa Trường Chinh 5B trở thành một đống rác không gian lớn, điều đã xảy ra trong cả 3 sứ mệnh của tên lửa này cho đến nay.

Darren McKnight, chuyên gia kỹ thuật cấp cao của công ty theo dõi vệ tinh LeoLabs có trụ sở tại California, cho biết: “Điều thực sự cần thiết là trên tàu phải còn một ít nhiên liệu để phần lõi rơi trở lại Trái đất một cách có kiểm soát. Đó là trách nhiệm phải có của các cơ quan vũ trụ”.

Năm ngoái, một sự việc tương tự đã diễn ra khi một tầng lõi của tên lửa Trường Chinh 5B rơi xuống Ấn Độ Dương. Trước đó vào năm 2020, các mảnh vỡ bao gồm phần ống dài hơn 12 m của tên lửa rơi xuống hai ngôi làng ở Bờ Biển Ngà, phá hủy một số tòa nhà. Thiên Cung 1, phòng thí nghiệm nguyên mẫu mở đường cho trạm vũ trụ Thiên Cung, cũng đã rơi trở lại Trái đất trên Thái Bình Dương vào tháng 4.2018.

“Các quốc gia du hành vũ trụ phải giảm thiểu rủi ro đối với con người và tài sản trên Trái đất khi tái sử dụng các vật thể không gian. Trung Quốc đã không đáp ứng các tiêu chuẩn có trách nhiệm liên quan đến các mảnh vỡ không gian. Họ cần chia sẻ những thông tin có thể giúp đưa ra dự đoán đáng tin cậy về nguy cơ tác động của mảnh vỡ, đặc biệt là đối với các phương tiện hạng nặng như Trường Chinh 5B”, Giám đốc NASA Bill Nelson nói vào năm ngoái.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc được tìm thấy ở Indonesia và Malaysia