Hai sản phẩm chủ lực của Meta Platforms là Facebook và Instagram sẽ có diện mạo mới trong tương lai gần.
Meta Platforms của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg học hỏi từ X (trước đây gọi là Twitter) của Elon Musk.
Tờ New York Times đưa tin Meta Platforms đang xem xét tạo ra phiên bản mới của Facebook và Instagram cho phép người dùng trả tiền để tránh xem quảng cáo.
Theo ba người quen thuộc với vấn đề, sự thay đổi đó sẽ nhắm mục tiêu đến người dùng ở Liên minh châu Âu (EU), làm nổi bật sự khác biệt trong cách mọi người ở các quốc gia khác nhau có thể tương tác với Facebook và Instagram.
Trong thời đại mà người dùng ngày càng quan tâm đến cách dữ liệu của họ được truy cập và sử dụng, những gói đăng ký không có quảng cáo này sẽ mang lại cho người ở EU một lựa chọn để tăng cường quyền riêng tư và thay đổi trải nghiệm mạng xã hội.
Meta Platforms sẽ tiếp tục cung cấp các phiên bản Facebook và Instagram miễn phí chứa đầy quảng cáo cho công dân EU, theo New York Times.
Vẫn chưa rõ những gói đăng ký này sẽ có giá bao nhiêu hoặc bắt đầu được triển khai khi nào.
Người phát ngôn Meta Platforms từ chối bình luận về vấn đề này.
Một trong những tính năng mới đầu tiên mà Elon Musk triển khai khi tiếp quản Twitter (nay là X) là Blue. Đây là dịch vụ đăng ký tính phí người dùng khoảng 8 USD/tháng và cung cấp cho họ một loạt tính năng độc quyền, trong đó có khả năng đăng video dạng dài hơn, xếp hạng thuật toán cao hơn cho các tweet và cam kết giảm 50% quảng cáo.
Elon Musk đã nhiều lần nói rằng cách duy nhất để chống lại các bot tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội là đặt mọi thứ đằng sau một bức tường phí.
Tất nhiên, Twitter có lý do thứ yếu để muốn tăng doanh thu đăng ký. Doanh thu quảng cáo và tiền quảng cáo của Twitter giảm mạnh kể từ khi Elon Musk tiếp quản công ty.
Meta Plaforms có một lý do khác để tạo ra phiên bản tính phí cho Facebook và Instagram để tránh xem quảng cáo. Vào tháng 7, EU đã cấm Meta Plaforms kết hợp dữ liệu mà họ thu thập trên các nền tảng của mình, trừ khi nhận được sự đồng ý rõ ràng từ người dùng để làm như vậy.
Hôm 22.5, Meta Platforms bị các cơ quan quản lý quyền riêng tư của EU phạt 1,2 tỉ euro (1,3 tỉ USD) vì gửi dữ liệu người dùng đến Mỹ, theo tờ Wall Street Journal.
Trong hồ sơ vi phạm quyền riêng tư của EU, Meta Platforms bị phạt 1,3 tỉ USD vì vấn đề xử lý dữ liệu người dùng, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland công bố.
Theo quyết định của Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland, việc gã khổng lồ mạng xã hội tiếp tục chuyển dữ liệu sang Mỹ đã không giải quyết được “những rủi ro với các quyền và tự do cơ bản” của những người có dữ liệu được chuyển qua Đại Tây Dương.
Ngoài tiền phạt kỷ lục này, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland đưa ra thời hạn 5 tháng để Meta Platforms “tạm dừng mọi hoạt động chuyển dữ liệu cá nhân sang Mỹ trong tương lai” và 6 tháng để dừng "việc xử lý bất hợp pháp dữ liệu cá nhân chuyển từ EU, bao gồm cả lưu trữ tại Mỹ".
Theo trang Insider, phán quyết chỉ áp dụng với Facebook chứ không cho các nền tảng khác của Meta Platforms như Instagram và WhatsApp.
Việc cấm chuyển dữ liệu với Meta Platforms đã được dự đoán trước và từng khiến công ty Mỹ đe dọa rút hoàn toàn khỏi EU. Thế nhưng, tác động của nó đã bị giảm bớt bởi giai đoạn chuyển giao được đưa ra trong quyết định và triển vọng của một thỏa thuận về luồng dữ liệu EU - Mỹ mới có thể được áp dụng từ giữa năm nay.
Meta Platforms trước đây bị EU cảnh báo về việc chuyển dữ liệu người dùng Facebook sang máy chủ của Mỹ. EU nói rằng dữ liệu này không được bảo vệ đầy đủ khỏi các cơ quan gián điệp của Mỹ.
Các công ty rơi vào tình trạng mơ hồ về quy định bảo vệ dữ liệu kể từ năm 2020, khi EU cấm một hiệp định quy định việc chuyển dữ liệu qua Đại Tây Dương. Lý do của việc cấm đó do lo ngại rằng dữ liệu không an toàn trước các dịch vụ an ninh sau khi được lưu trữ tại Mỹ, bắt đầu từ năm 2013 khi Edward Snowden tiết lộ quy mô của việc giám sát từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, theo hãng tin Bloomberg.
Tháng 10.2022, Tổng thống Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp hạn chế khả năng các cơ quan Mỹ truy cập thông tin cá nhân của mọi người. Thế nhưng, hiệp ước đó vẫn cần sự chấp thuận của các nhà làm luật EU.
Trong một tuyên bố, Meta Platforms cho biết "rất thất vọng khi bị nhắm đến dù sử dụng cơ chế pháp lý giống như hàng ngàn công ty khác đang cung cấp dịch vụ tại châu Âu".
"Quyết định này là thiếu sót, không có cơ sở và tạo ra tiền lệ nguy hiểm với vô số các công ty khác đang chuyển dữ liệu giữa EU và Mỹ", công ty mẹ Facebook nói thêm.
Quyết định hôm 22.5 là vòng mới nhất trong câu chuyện dài đằng đẵng mà cuối cùng đã chứng kiến Facebook và hàng ngàn công ty khác rơi vào hố pháp lý. Năm 2020, tòa án cấp cao nhất của EU đã hủy bỏ hiệp ước EU - Mỹ quy định việc chuyển dữ liệu xuyên Đại Tây Dương do lo ngại dữ liệu của công dân không an toàn khi đến các máy chủ ở Mỹ.
Dù các thẩm phán không bác bỏ một công cụ thay thế dựa trên các điều khoản hợp đồng, nhưng nghi ngờ của họ về việc bảo vệ dữ liệu của Mỹ đã nhanh chóng dẫn đến lệnh sơ bộ từ chính quyền Ireland yêu cầu Facebook cũng không thể chuyển dữ liệu sang Mỹ thông qua phương pháp khác nữa.
Tháng 12.2022, các cơ quan quản lý EU đã công bố các đề xuất thay thế hiệp ước Privacy Shield (Lá chắn quyền riêng tư) trước đó từng bị Tòa án Công lý của EU bác bỏ. Điều này diễn ra sau nhiều tháng đàm phán với Mỹ, dẫn đến một lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden và cam kết từ Mỹ đảm bảo rằng dữ liệu của công dân EU sẽ an toàn sau khi được chuyển qua Đại Tây Dương.
Kể từ tháng 5.2018, các cơ quan quản lý tại 27 quốc gia thuộc EU có quyền đưa ra mức phạt lên tới 4% doanh thu hàng năm của một công ty với những vi phạm nghiêm trọng nhất.
Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland nhanh chóng trở thành cơ quan quản lý quyền riêng tư hàng đầu với một số hãng công nghệ lớn nhất có cơ sở tại EU trong quốc gia này, chẳng hạn như Meta Platforms và Apple.
Vào tháng 1, Meta Plaforms bị Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland phạt 390 triệu euro (420 triệu USD) vì buộc người dùng chấp nhận điều kiện mới về quảng cáo được cá nhân hóa trên Facebook.
Theo những người trong cuộc tại Meta Platforms mà New York Times đã nói chuyện, việc tạo ra phiên bản tính phí Facebook và Instagram có thể giúp giải quyết một số lo ngại của các cơ quan quản lý EU, đơn giản hóa hoạt động của công ty trong khu vực này.