Dữ liệu từ các công ty theo dõi độc lập cho thấy quyết định chặn các liên kết tin tức ở Canada của Meta Platforms hầu như không có tác động gì đến việc sử dụng Facebook của người dân nước này.
Trước đó, Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook và Instagram) phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ chính phủ Canada về hành động này, theo hãng tin Reuters.
Theo dữ liệu được chia sẻ bởi Sameweb, công ty phân tích kỹ thuật số theo dõi lưu lượng truy cập trên các trang web và ứng dụng, người dùng Facebook hoạt động hàng ngày và thời gian sử dụng ứng dụng này ở Canada gần như không thay đổi kể từ khi Meta Platforms bắt đầu chặn tin tức ở đây vào đầu tháng 8.
Data.ai, một công ty phân tích khác, cũng nói với Reuters rằng không có bất kỳ thay đổi đáng kể nào với việc sử dụng Facebook ở Canada vào tháng 8.
Các thông kê này dù còn sớm nhưng dường như ủng hộ quan điểm của Meta Platforms rằng tin tức ít có giá trị với công ty, khi họ vẫn đang rơi vào tình trạng bế tắc căng thẳng ở Canada về luật mới yêu cầu các gã khổng lồ internet phải trả tiền cho các nhà xuất bản bài viết tin tức được chia sẻ trên nền tảng của họ.
Meta Platforms từ chối bình luận về các thống kê của Sameweb và Data.ai.
Đạo luật Tin tức Trực tuyến được Quốc hội Canada thông qua vào tháng 6, buộc các nền tảng như Meta Platforms và Alphabet (công ty mẹ của Google) phải đàm phán các thỏa thuận thương mại với các nhà xuất bản tin tức Canada để sử dụng nội dung của họ.
Theo tính toán của Canda, đạo luật mới (sẽ có hiệu lực trước cuối năm nay) có thể giúp các cơ quan truyền thông Canada thu được khoảng 330 triệu CAD (250 triệu USD) mỗi năm từ các nền tảng số, trong bối cảnh ngành truyền thông nước này lâm vào tình trạng khó khăn khi hàng trăm ấn phẩm phải dừng phát hành trong thập niên qua.
Cả Meta Platforms và Google đều cho biết luật này không thể áp dụng được với hoạt động kinh doanh của họ. Đặc biệt, Meta Platforms cho biết các liên kết đến các bài báo chỉ chiếm chưa đến 3% nội dung trên nguồn cấp dữ liệu Facebook và không có giá trị kinh tế với công ty.
Meta Platforms đang cố gắng giảm sự phổ biến của tin tức và nội dung dân sự khác trên các nền tảng của mình những năm gần đây khi công ty phải đối mặt với áp lực pháp lý tại các thị trường trọng điểm trên thế giới. Thay vào đó, Meta Platforms đang hướng đến việc thúc đẩy các chủ đề nhẹ nhàng như thời trang, giải trí và thể thao.
Theo báo cáo gần đây của Reuters và Trung tâm Nghiên cứu Pew, sự thay đổi này đã dẫn đến việc giảm đáng kể lượng tiêu thụ tin tức qua mạng xã hội ở Canada.
Theo Sameweb, ngay cả trước khi Meta Platforms ngừng cung cấp các liên kết tin tức ở Canada, số lượt giới thiệu của Facebook đến một số trang tin phổ biến ở Canada đã giảm khoảng 35% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7 và giảm khoảng 74% so với năm 2020. Tuy nhiên, báo cáo minh bạch của chính Meta Platforms cho thấy tin tức vẫn là một trong những nội dung phổ biến nhất trên Facebook khi có mặt ở Canada, ít nhất là ở Mỹ - quốc gia duy nhất mà Meta Platforms tiết lộ nội dung được xem thường xuyên nhất.
Theo báo cáo gần đây nhất, các trang web tin tức chiếm 13 trong số 20 tên miền được xem nhiều nhất trên Facebook tại Mỹ trong quý 1/2023, trong khi 18 trong số 20 liên kết riêng lẻ hàng đầu là các bài viết tin tức.
Instagram, nền tảng xã hội lớn khác của Meta Platforms, ít hiện diện hơn trong môi trường tin tức vì không cho phép chèn liên kết trong các bài đăng của người dùng.
Meta Platforms đã chấm dứt việc chia sẻ tin tức ở Canada trên các dịch vụ của mình vào đầu tháng 8, trong khi Google cho biết có kế hoạch chặn tin tức khỏi kết quả tìm kiếm ở Canada sau khi luật có hiệu lực.
Các quan chức chính phủ Canada đã cáo buộc Meta Platforms dùng chiêu trò trong việc loại bỏ tin tức trên Facebook vào thời điểm người dân ở Canada cần đến chúng, khi cháy rừng buộc hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa, ngay cả khi các cuộc đàm phán thầm lặng về những quy tắc đó vẫn tiếp tục diễn ra ở hậu trường.
Các quy tắc cụ thể đề cập đến cách thực thi luật sẽ được Canada ban hành vào cuối tháng 12. Sau thời điểm đó, các nền tảng internet dự kiến sẽ hoàn tất các thỏa thuận với các nhà xuất bản tin tức.
Pascale St-Onge, tân Bộ trưởng Di sản của Canada, đã nói chuyện với cả Facebook và Google kể từ khi nhậm chức sau cuộc thay đổi nội các vào cuối tháng 7. Văn phòng của bà tiết lộ thông tin này với Reuters. Người phát ngôn của Meta Plaforms đã xác nhận có các cuộc đàm phán với bà Pascale St-Onge.
Cơ quan quản lý Canada chịu trách nhiệm thực thi luật tin tức trực tuyến của nước này cho biết sẽ bắt đầu thiết lập khuôn khổ đàm phán giữa các tổ chức tin tức và các gã khổng lồ internet vào mùa thu này, với mục tiêu bắt đầu thương lượng bắt buộc vào đầu năm 2025.
Đạo luật Tin tức Trực tuyến là một phần trong xu hướng toàn cầu rộng lớn của các chính phủ nhằm buộc các tập đoàn công nghệ lớn trả tiền cho việc sử dụng tin tức. Vào năm 2021, Úc là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố bộ quy tắc thương lượng truyền thông buộc Google và Facebook trả tiền cho việc sử dụng tin tức trên các nền tảng của họ. Khi đó, cả Google và Facebook đã phản ứng bằng cách đe dọa cắt giảm các dịch vụ tại Úc. Tuy nhiên, vụ việc đã được giải quyết êm thấm sau khi các bên đạt được thỏa thuận và Úc đồng ý sửa đổi bộ quy tắc nói trên.
Đầu tháng 8, Meta Plaforms cho rằng Đạo luật Tin tức trực tuyến của Canada còn nhiều thiếu sót và dựa trên “giả thuyết không chính xác về việc công ty được hưởng lợi không công bằng từ nội dung tin tức được chia sẻ trên nền tảng”. Theo Meta Plaforms, chính các hãng tin Canada mới là đối tượng hưởng lợi từ việc chia sẻ tin tức trên Facebook và Instagram, bởi họ có thể thu hút độc giả, gia tăng lợi nhuận.
“Các hãng tin tự nguyện chia sẻ nội dung trên Facebook và Instagram để mở rộng đối tượng và giúp gia tăng lợi nhuận cho họ... Chúng tôi biết rõ rằng mọi người sử dụng Facebook và Instagram không phải chỉ để đọc tin tức”, bà Rachel Curran, người đứng đầu bộ phận chính sách công của Meta Plaforms tại Canada, nói với Reuters.
Phản ứng trước việc Meta Plaforms chặn tin tức trên Facebook và Instagram ở Canada, Bộ trưởng Pascale St-Onge từng chỉ trích động thái này là vô trách nhiệm: “Meta thà chặn người dùng truy cập tin tức trong nước thay vì trả thù lao xứng đáng cho các đơn vị sản xuất tin tức. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững lập trường. Nếu chính phủ Canada không đứng ra bảo vệ người dân của mình chống lại sự lạm dụng của những gã khổng lồ công nghệ thì ai sẽ làm điều đó?”.