Nghiên cứu ở Anh phát hiện ra rằng mũi vắc xin tăng cường của Pfizer và Moderna giúp chống nhiễm Omicron có triệu chứng trong khoảng 10 tuần.
Theo dữ liệu mới được tìm thấy trong thế giới thực, khả năng bảo vệ chống lại bệnh có triệu chứng do biến thể Omicron gây ra đã giảm tới 25% trong vòng 10 tuần.
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết khả năng bảo vệ chống lại nhiễm Omicron có triệu chứng giảm từ 70% xuống 45% trong vòng 10 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin tăng cường Pfizer-BioNTech cho những người ban đầu nhận hai liều vắc xin này.
Trong cùng một phân tích được công bố mới đây, UKHSA phát hiện ra hiệu quả của mũi vắc xin Moderna tăng cường kết hợp với hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech ban đầu giữ mức chống nhiễm Omicron có triệu chứng từ 70% đến 75% trong tối đa 9 tuần, dù không có nhiều người trong nghiên cứu tiêm ba mũi vắc xin kiểu này. Điều này có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của phát hiện.
Với những người ban đầu nhận hai liều vắc xin AstraZeneca, hiệu quả mũi tăng cường giảm từ 60% xuống 35% với Pfizer và xuống 45% với Moderna sau 10 tuần, UKHSA cho biết.
Eric Topol, Giám đốc của Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps (Anh), cho biết những phát hiện của Anh giống những gì xảy ra ở Israel.
Hôm 22.12, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên công bố ý định tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ tư để cố gắng tăng cường khả năng miễn dịch chống lại Omicron cho những người có nguy cơ cao nhất, bao gồm những người trên 60 tuổi và nhân viên y tế.
Thế nhưng, các quốc gia khác, chẳng hạn Anh, đang tìm hiểu để có thêm dữ liệu về cách thức hoạt động của các phác đồ tiêm vắc xin hiện tại cũng như tính an toàn và hiệu quả của liều bổ sung.
Ở Mỹ, hầu hết người suy giảm miễn dịch có thể tiêm mũi vắc xin thứ tư từ 6 tháng sau liều thứ ba, trước khi biến thể Omicron xuất hiện. Theo hướng dẫn từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), những người đã tiêm vắc xin một liều của Johnson & Johnson ban đầu không được khuyến cáo nhiều hơn hai liều.
Tiến sĩ Mary Ramsay, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng tại UKHSA, nói với tờ The Independent rằng Anh sẽ không vội vàng thay đổi chính sách về tiêm vắc xin COVID-19 cho đến khi có sự rõ ràng về việc liệu khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng có bị ảnh hưởng bởi Omicron hay không.
UKHSA nói sẽ mất vài tuần trước khi ước tính khả năng bảo vệ của mũi vắc xin tăng cường chống lại bệnh nghiêm trọng do Omicron gây ra. "Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm với các biến thể trước đó, con số này có khả năng cao hơn đáng kể so với ước tính bệnh có triệu chứng", UKHSA cho hay.
Adam Finn, thành viên của nhóm chuyên gia tư vấn cho chính phủ Anh, nói với đài LBC hôm 24.12 rằng ủy ban sẽ đưa ra các khuyến nghị vào một thời điểm nào đó trong năm mới.
"Chúng ta cần xem mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào trong làn sóng dịch này và hơn thế nữa. Tôi nghĩ có thể có những người đã sớm nhận mũi vắc xin tăng cường (nhóm tuổi già hơn, dễ bị tổn thương hơn) có thể cần thêm một liều nữa - điều đó vẫn chưa được quyết định", ông nói.
Để có được các số liệu, các nhà nghiên cứu Anh đã so sánh tỷ lệ tiêm vắc xin ở những người nhiễm Omicron với những ai có kết quả âm tính trong khoảng thời gian từ ngày 27.11 (khi các ca nhiễm Omicron đầu tiên được phát hiện ở Anh) đến 17.12. Những người đi du lịch nước ngoài bị loại khỏi phân tích.
Trong khi đó, các chuyên gia cho biết ưu tiên để đối phó với Omicron vẫn là tiêm vắc xin COVID-19 cho những người chưa làm điều này và tiêm mũi tăng cường cho càng nhiều người càng tốt.
Israel đang xem xét liệu có nên phê duyệt liều vắc xin COVID-19 thứ 4 cho những người dễ bị tổn thương để đối phó với biến thể Omicron hay không, bất chấp cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học và thiếu bằng chứng ủng hộ hoặc chống lại một mũi tăng cường khác.
Thủ tướng Israel - Naftali Bennett nhiệt liệt hoan nghênh khuyến nghị của ban cố vấn về liều vắc xin thứ tư trong tuần này khi nói: “Công dân Israel là những người đầu tiên trên thế giới được tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba và chúng tôi đang tiếp tục dẫn đầu với liều thứ tư”.
Hội đồng chuyên gia tư vấn cho chính phủ Israel về đại dịch hôm 21.12 khuyến nghị triển khai tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ tư, kết luận rằng lợi ích tiềm năng lớn hơn rủi ro. Họ chỉ ra các dấu hiệu suy giảm khả năng miễn dịch vài tháng sau khi tiêm mũi vắc xin thứ ba và nói rằng bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc tiêm liều bổ sung có thể là quá muộn để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất.
Thế nhưng, một số nhà khoa học cảnh báo rằng kế hoạch này có thể phản tác dụng, vì quá nhiều mũi tiêm có thể gây ra một loại mệt mỏi hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng chống lại vi rút SARS-CoV-2 của cơ thể.
Ngoài lo ngại rằng tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ tư trong vòng chưa đầy 1 năm có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch, một số chuyên gia cho biết chính phủ Israel vẫn chưa tận dụng tối đa các lựa chọn khác, chẳng hạn như tiêm vắc xin nhiều hơn cho những người chưa chủng ngừa COVID-19 hoặc tiêm mũi thứ ba cho khoảng 1 triệu dân đủ điều kiện nhưng chưa nhận được.
Cùng với kiến thức chung về Omicron, tác dụng của liều vắc xin thứ tư chống lại biến thể này chưa được biết rõ. Thế nhưng, các chuyên gia y tế của Israel chỉ ra rằng khả năng miễn dịch suy giảm ở những người 60 tuổi trở lên, đối tượng đầu tiên được tiêm mũi vắc xin thứ ba bắt đầu từ tháng 8.2021.
Hôm 23.12, Bộ trưởng Y tế Đức - Karl Lauterbach cho biết rằng ông dự kiến người Đức sẽ được tiêm một liều vắc xin tăng cường khác (mũi thứ tư) trong năm 2022 nhắm vào Omicron, tùy thuộc vào thời gian bảo vệ mũi tiêm thứ ba kéo dài bao lâu.
Trước đó, ông Karl Lauterbach nói Omicron sẽ trở thành chủng vi rút thống trị Đức trong vòng 3 tuần tới và nước này đã đặt hàng 80 triệu liều vắc xin BioNTech đặc trị Omicron để giao vào tháng 4 hoặc tháng 5.
Ông nói: “Một chiến dịch tiêm vắc xin tăng cường là nền tảng quan trọng nhất của chúng tôi trong cuộc chiến chống lại Omicron. Mức độ bảo vệ khỏi các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 sau khi tiêm nhắc lại là rất cao. Tôi ước tính nó tốt hơn 90%".