Nhiều vấn đề nan giải đang cùng lúc đổ ập lên nền kinh tế Việt Nam chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, đe dọa nền kinh tế quốc gia có thể sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với dự kiến là khoảng 6,7-6,9% trong năm nay.

Muốn giảm nợ công, Việt Nam cần xiết chặt giám sát vốn vay ODA

Nhàn Đàm | 03/04/2016, 11:26

Nhiều vấn đề nan giải đang cùng lúc đổ ập lên nền kinh tế Việt Nam chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, đe dọa nền kinh tế quốc gia có thể sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với dự kiến là khoảng 6,7-6,9% trong năm nay.

Tuy nhiên, vấn đề nóng nhất vẫn là đang cân đối thu chi của ngân sách quốc gia, khi chúng ta đang rơi vào tình trạng thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ. Theo thống kê, mức chi trả các khoản nợ trong năm 2016 sẽ lên đến 26% tổng thu ngân sách quốc gia, và đang đẩy Việt Nam vào tình cảnh “nợ ngập đầu”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng một trong những lý do hàng đầu là sự tích tụ trong nhiều năm của việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài thiếu hiệu quả. Vì thế, để giảm nợ công, Việt Nam cũng sẽ phải đi tìm lời giải cho vấn đề hiệu quả sử dụng vốn vay, đặc biệt là ODA. Và để làm được điều đó, khi Việt Nam đã ở sát chân tường, thì chỉ tăng sự ràng buộc không thôi vẫn là chưa đủ, mà điều cần làm nhất là phải xiết chặt việc giám sát sử dụng vốn vay. Thậm chí, càng chặt càng tốt.

Ở thời điểm hiện tại, dù vẫn chưa có thống kê được công bố chính thức về mức độ hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, đặc biệt là ODA, thì vẫn có thể hiểu rằng chính việc sử dụng nguồn vốn vay này lãng phí và hiệu quả thấp đã dẫn đến tình trạng nợ công kịch trần và tỷ trọng trả nợ trong tổng thu ngân sách quốc gia ngày càng lớn.

Theo thống kê, tổng số vốn ODA mà Việt Nam đã vay trong giai đoạn 10 năm từ 2005-2014 là khoảng gần 50 tỷ USD, một con số lớn, và kể cả khi đây hầu hết là các khoản vay ưu đãi có lãi suất thấp 0,7-1% và thời hạn trả nợ khá dài 30-40 năm, thì tích tụ lại vẫn sẽ là một khoản tiền không hề nhỏ. Con số trên 200.000 tỷ đồng mà theo dự kiến Việt Nam sẽ phải chi trả trong năm 2016 là sự tích tụ của tất cả các khoản vay lãi suất ưu đãi và thời hạn trả nợ có thể xem là khá dễ thở này.

Vì thế, lý do dẫn đến tình trạng “nợ ngập đầu” mà Việt Nam phải đối mặt hiện nay về thực chất không phải là tổng số tiền chi trả hàng năm quá lớn, vì nó đã được tính toán và được dự kiến từ trước. Mà nguyên nhân hàng đầu là việc sử dụng nguồn vốn vay quá lãng phí và kém hiệu quả, dẫn đến lợi ích kinh tế thu được từ các dự án sử dụng vốn vay ODA quá thấp, thu không đủ bù chi và dẫn đến nguy cơ không đủ khả năng trả nợ. Tình trạng sử dụng vốn vay ODA thiếu hiệu quả ở Việt Nam diễn ra trên cả 2 cấp độ là: đầu tư cấp quốc gia, và đầu tư cấp địa phương. Cụ thể, khoảng 1/3 nguồn vốn vay ODA được Chính phủ thực hiện sẽ được dành cho ngân sách phát triển của các địa phương.

Để giải quyết tình trạng nợ công đang ở mức “ngập đầu” của Việt Nam hiện nay, giải pháp vì thế là cần phải cải thiện mạnh mẽ hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ODA, nói cách khác hiệu quả kinh tế của các dự án sử dụng vốn vay phải lớn không những đủ để bù chi mà còn phải có lãi để hỗ trợ việc trả nợ cho quốc gia. Ở cấp độ quốc gia, Luật đầu tư công được dự kiến sẽ xiết chặt kiểm soát hiệu quả sử dụng nguồn vốn tại các dự án do Chính phủ thực hiện. Tuy nhiên, ở cấp độ địa phương thì vẫn chưa có một giải pháp nào thực sự khả thi. Luật đầu tư công không cho phép Chính phủ có thể kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn vay tại địa phương có hiệu quả hay không. Và đây mới được xem là vấn đề nan giải nhất trong bài toán sử dụng vốn vay mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Hai phương án được nhắc tới nhiều nhất trong thời gian gần đây là: nguồn vốn vay ODA sẽ được Chính phủ chuyển cho địa phương theo hình thức vay có tính lãi thay vì theo cơ chế cấp phát như trước, và gắn trách nhiệm sử dụng nguồn vốn vay với những cá nhân có trách nhiệm trong từng dự án. Cả hai phương án này được kỳ vọng sẽ khiến cho hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay tại địa phương tăng lên, do nguồn giờ đây không còn được luân chuyển theo kiểu cấp phát mà thay vào đó là có tính lãi, và điều này được kỳ vọng sẽ khiến các địa phương phải cân nhắc tính hiệu quả của từng dự án trước khi tiến hành thay vì tràn lan như trước. Việc gắn trách nhiệm (có thể ở mức hình sự) với các cá nhân có trách nhiệm trong việc quyết định các dự án, cũng được kỳ vọng sẽ khiến tình trạng tham nhũng lãng phí trong việc sử dụng vốn vay giảm đi.

Về lý thuyết, cả hai phương án này đều có thể giúp nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án sử dụng nguồn vốn ODA tại các địa phương. Nhưng trên thực tế, chúng vẫn có mức độ may rủi khá cao. Về bản chất, muốn tăng hiệu quả của một dự án đầu tư thì giải pháp tăng cường trách nhiệm nếu xảy ra sai sót chỉ là một cách làm mang tính phòng hờ.

Trên thực tế, hai giải pháp là chuyển vốn ODA về địa phương theo hình thức cho vay tính lãi và quy trách nhiệm cho người có trách nhiệm chỉ giải quyết được việc dự án đó sẽ ít rơi vào tình trạng lãng phí hơn, chứ không có tác dụng thúc đẩy địa phương nâng cao hiệu quả kinh tế của các dự án đó lên mức cao nhất có thể. Mà trong bối cảnh đang “nợ ngập đầu” của Việt Nam hiện nay, thì điều cần thiết nhất là phải đẩy hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA lên mức cao nhất có thể, để không chỉ thu bù được chi, mà còn phải có hiệu quả kinh tế lớn hơn thế để giảm gánh nặng trả nợ trên vai ngân sách quốc gia.

Đó là chưa kể, hai giải pháp tăng cường trách nhiệm của các địa phương trên cũng có nhiều lỗ hổng, do Việt Nam hiện nay vẫn thiếu những cơ chế để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Trước hết, việc buộc các địa phương phải tiến hành vay các nguồn vốn ODA có tính lãi thay vì cấp phát như trước đây đang ẩn chứa khá nhiều rủi ro. Đầu tiên là thiếu chế tài xử lý nếu xảy ra tình trạng địa phương tiếp tục sử dụng vốn vay lãng phí thiếu hiệu quả và không có tiền trả nợ.

Nói cách khác, nếu địa phương tiếp tục sử dụng vốn vay thiếu hiệu quả, thì cũng chẳng có gì xảy ra vì trung ương vẫn chưa có cơ chế xử lý. Về cơ bản, trung ương không thể xiết nợ địa phương hay các biện pháp tương tự để có tiền trả nợ được. Việc quy trách nhiệm cho người có trách nhiệm trong sử dụng vốn vay cũng tương tự. Nói cách khác, hai giải pháp trên mang tính chất hù dọa là chính, chứ không có nhiều ý nghĩa trong thực tế.

Giải pháp khả dĩ nhất có thể cho Việt Nam ở thời điểm hiện tại trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ODA, là xiết chặt việc giám sát sử dụng nguốn vay này ở cả hai cấp trung ương và địa phương. Thậm chí, càng chặt càng tốt. Để thực hiện điều này, Việt Nam cần một cơ chế có đủ khả năng giám sát các dự án sử dụng vốn vay ODA từ trung ương đến địa phương, và cơ chế này phải có trách nhiệm đề ra những giải pháp sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả kinh tế cao nhất có thể.

Trong ngắn hạn, có thể chuyển giao một phần trách nhiệm cho các đơn vị có khả năng giám sát hiệu quả, như các ngân hàng thương mại, bằng cách giao quyền chi phối nguồn vốn trong các dự án. Nhưng về lâu dài, Việt Nam vẫn cần một cơ chế giám sát riêng được tổ chức chặt chẽ và quy củ để điều hành tốt nhất việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn vay ODA từ trung ương cho đến địa phương.

Chỉ khi làm được điều này thì gánh nặng “nợ ngập đầu” của Việt Nam hiện nay mới được tháo gỡ, và nền kinh tế mới có thể vận hành hiệu quả. Còn nếu không, núi nợ sẽ tiếp tục cao lên và chắc chắn sẽ chôn vùi cả nền kinh tế và tương lai đất nước.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan
Đề nghị Nhật Bản dùng vốn ODA hỗ trợ Việt Nam một số dự án quan trọng
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Nhật Bản xem xét, hỗ trợ Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA thế hệ mới với một số dự án quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
8 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muốn giảm nợ công, Việt Nam cần xiết chặt giám sát vốn vay ODA