Người phát ngôn của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh cho biết các quan chức y tế Mỹ, sau cuộc họp với nhà sản xuất vắc xin Pfizer, đã nói rằng những người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ không cần phải tiêm nhắc lại.

Mỹ bác đề nghị của Pfizer về tiêm liều vắc xin thứ 3 để tăng mức kháng thể 5-10 lần

Nhân Hoàng | 13/07/2021, 08:51

Người phát ngôn của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh cho biết các quan chức y tế Mỹ, sau cuộc họp với nhà sản xuất vắc xin Pfizer, đã nói rằng những người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ không cần phải tiêm nhắc lại.

Tuần trước, Pfizer cho biết đã lên kế hoạch đề nghị các cơ quan quản lý Mỹ cho phép tiêm liều tăng cường vắc xin COVID-19 của mình, dựa trên bằng chứng về nguy cơ nhiễm trùng cao hơn 6 tháng sau khi tiêm hai liều và sự lây lan nhanh của biến thể Delta.

Các quan chức Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) đã có một cuộc họp ngắn với Pfizer hôm 12.7 liên quan đến dữ liệu sơ bộ mới nhất của họ về việc tiêm chủng, sẽ tiếp tục thảo luận về thời điểm và nếu các mũi tiêm nhắc lại sẽ cần thiết trong tương lai.

Pfizer cho biết có kế hoạch xuất bản "dữ liệu rõ ràng hơn" trên một tạp chí được bình duyệt.

Người phát ngôn của Pfizer - Sharon Castillo nói: “Cả Pfizer và chính phủ Mỹ đều có chung cảm giác cấp bách trong việc đón đầu vi rút gây ra COVID-19 và chúng tôi cũng đồng ý rằng dữ liệu khoa học sẽ chỉ định các bước tiếp theo trong quy trình quản lý nghiêm ngặt mà chúng tôi luôn tuân thủ”.

Sự lây lan của biến thể Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ và hiện là dạng lây nhiễm chiếm đa số ở nhiều quốc gia, đã làm dấy lên lo ngại về việc liệu các loại vắc xin hiện có đủ khả năng bảo vệ hay không. Một số chuyên gia nói rằng một mũi tiêm nhắc lại sẽ tăng cường khả năng bảo vệ nếu có sự gia tăng đáng kể số ca nhập viện hoặc tử vong ở những người được tiêm chủng.

Về phần mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng các nước giàu không nên đặt hàng các mũi tiêm nhắc lại cho những người dân đã được tiêm chủng của họ trong khi các nước khác vẫn chưa nhận được vắc xin COVID-19.

Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca tử vong lại gia tăng do đại dịch COVID-19, biến thể Delta đang trở nên thống trị và nhiều quốc gia vẫn chưa nhận đủ liều vắc xin để bảo vệ nhân viên y tế của họ.

Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo: “Biến thể Delta đang tung hoành khắp thế giới với tốc độ chóng mặt, tạo ra một đợt tăng đột biến mới về số ca mắc COVID-19 và tử vong ở hơn 104 quốc gia”.

"Khoảng cách toàn cầu về nguồn cung vắc xin COVID-19 là rất không đồng đều và không công bằng. Một số quốc gia và khu vực đang thực sự đặt hàng hàng triệu liều tiêm nhắc lại, trước khi các nước khác có nguồn cung cấp để tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất", Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

who-goi-tiem-ket-hop-vac-xin-la-xu-huong-nguy-hiem12.jpg
Người dân chờ đợi sau khi nhận một liều vắc xin Pfizer-BioNTech trong chương trình tiêm chủng hàng loạt cho những người trên 18 tuổi ở thị trấn Praxedis G. Guerrero, Mexico ngày 10.7

Tổng giám đốc WHO chỉ ra Pfizer và Moderna là những nhà sản xuất vắc xin COVID-19 đang hướng tới việc cung cấp các mũi tiêm nhắc lại ở những quốc gia đã có mức độ tiêm chủng cao. Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết thay vào đó, họ nên hướng liều lượng của mình vào COVAX, chương trình chia sẻ vắc xin chủ yếu dành cho các nước có thu nhập trung bình và nghèo hơn.

Nhà khoa học trưởng của WHO, Soumya Swaminathan, nói WHO đến nay vẫn chưa thấy bằng chứng cho thấy việc tiêm phòng nhắc lại là cần thiết với những người đã tiêm đủ liều vắc xin. Dù tiêm vắc xin tăng cường có thể cần thiết vào một ngày nào đó, nhưng vẫn chưa có bằng chứng nào về việc chúng cần thiết.

Bà Soumya Swaminathan nói: “Nó phải dựa trên cơ sở khoa học và dữ liệu, chứ không phải dựa trên các công ty riêng lẻ tuyên bố rằng vắc xin của họ cần được sử dụng như một liều tăng cường”.

Mike Ryan, người đứng đầu chương trình các trường hợp khẩn cấp của WHO, cho biết: “Ngay bây giờ, chúng tôi đang nói về hàng trăm triệu người không có biện pháp bảo vệ. Chúng ta sẽ nhìn lại trong sự tức giận và sẽ nhìn lại trong sự xấu hổ, nếu các quốc gia sử dụng liều vắc xin quý giá để tiêm nhắc lại, vào thời điểm những người dễ bị tổn thương vẫn đang chết mà không có vắc xin ở những nơi khácĐây là những người muốn có bánh của họ và ăn nó, sau đó muốn kiếm thêm một số bánh và ăn nó nữa".

Hôm 8.7, Giám đốc Khoa học của hãng Pfizer (Mỹ) - Mikael Dolsten cho biết sự sụt giảm hiệu quả của vắc xin được báo cáo gần đây ở Israel chủ yếu là do nhiễm trùng ở những người đã được tiêm vắc xin vào tháng 1 hoặc tháng 2. Bộ Y tế Pfizer cho biết hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa cả nhiễm trùng và bệnh có triệu chứng đã giảm xuống còn 64% vào tháng 6.

Mikael Dolsten nói trong một cuộc phỏng vấn: “Vắc xin Pfizer có hoạt tính cao chống lại biến thể Delta, nhưng sau 6 tháng có thể có nguy cơ tái nhiễm khi các kháng thể suy yếu như dự đoán".

Pfizer đã không công bố toàn bộ dữ liệu của Israel vào 8.7, nhưng cho biết sẽ sớm làm vậy.

Mikael Dolsten cho hay: “Đó là một tập dữ liệu nhỏ, nhưng tôi nghĩ xu hướng là chính xác: 6 tháng, do Delta là biến thể dễ lây lan nhất mà chúng tôi từng thấy, nó có thể gây nhiễm trùng và bệnh nhẹ”.

Theo Mikael Dolsten, dữ liệu của chính Pfizer từ Mỹ cho thấy hiệu quả của vắc xin đã bị sụt giảm còn 80% sau 6 tháng so với các biến thể đã được lưu hành ở đó vào mùa xuân.

Ông nhấn mạnh rằng dữ liệu từ Israel và Anh cho thấy rằng ngay cả khi mức độ kháng thể suy yếu, vắc xin vẫn đạt hiệu quả ngăn ngừa 95% ca bệnh nặng.

Được phát triển với đối tác BioNTech SE (Đức), vắc xin của Pfizer cho thấy hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng trong một thử nghiệm lâm sàng mà các công ty đã thực hiện vào năm ngoái.

Mikael Dolsten nói rằng dữ liệu ban đầu từ các nghiên cứu của chính công ty cho thấy liều tăng cường thứ ba tạo ra mức kháng thể cao hơn từ 5 - 10 lần so với sau liều thứ hai. Qua đó chứng tỏ tiêm liều thứ ba sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ đầy hứa hẹn.

Ông cho biết nhiều quốc gia ở châu Âu cùng các nơi khác đã tiếp cận Pfizer để thảo luận về liều tăng cường và một số có thể bắt đầu sử dụng chúng trước khi có sự cho phép từ Mỹ.

Mikael Dolsten tin rằng tiêm liều tăng cường đặc biệt quan trọng ở những nhóm tuổi lớn hơn.

Pfizer đã đặt mục tiêu sản xuất 3 tỉ liều trong năm nay và 4 tỉ liều vào năm sau. Mikael Dolsten từ chối đưa ra dự đoán chính xác công ty có thể bổ sung thêm bao nhiêu liều lượng nữa, nhưng cho biết "chúng tôi có thể tăng thêm hàng tỉ tỉ vào năm 2022".

Pfizer trước đây đã cho biết mọi người có thể sẽ cần một liều tăng cường, nhưng một số nhà khoa học đặt câu hỏi khi nào hoặc liệu chúng có cần thiết hay không. Xem chi tiết tại đây.

Mikael Dolsten cũng cho biết Pfizer và BioNTech đang thiết kế một phiên bản vắc xin mới nhắm vào Delta, nhưng nói các công ty không tin rằng phiên bản hiện tại sẽ cần phải được thay thế để chống lại biến thể này.

Bài liên quan
Nghiên cứu ở quân đội Mỹ: Tình trạng viêm cơ tim khi tiêm vắc xin Pfizer, Moderna cao hơn dự kiến
Từ các thành viên của quân đội Mỹ đã tiêm vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA, có thể thấy tỷ lệ viêm cơ tim cao hơn dự kiến dù tình trạng này vẫn cực kỳ hiếm, theo nghiên cứu được công bố hôm 29.6.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ bác đề nghị của Pfizer về tiêm liều vắc xin thứ 3 để tăng mức kháng thể 5-10 lần