Ngày 8.3, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu khí Nga nhằm cắt nguồn thu nước ngoài quan trọng của Moscow.
“Hôm nay tôi thông báo Mỹ nhắm mục tiêu vào huyết mạch chính của nền kinh tế Nga. Chúng tôi cấm tất cả hoạt động nhập khẩu dầu khí và năng lượng Nga. Điều này có nghĩa dầu Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ, người dân Mỹ giáng một đòn mạnh nữa vào cỗ máy chiến tranh của Tổng thống Vladimir Putin”, Tổng thống Biden phát biểu tại Nhà Trắng.
Trước đó chính quyền Tổng thống Biden dường như không ủng hộ biện pháp này. Nhưng vào ngày 8.3, ông cho biết biện pháp cấm nhập khẩu dầu Nga nhận được ủng hộ của cả 2 đảng tại Quốc hội Mỹ.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, dầu Nga chiếm khoảng 3% tổng lượng dầu thô xuất sang Mỹ trong năm ngoái. Nhìn chung dầu mỏ và sản phẩm từ dầu của Nga chiếm khoảng 8% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ.
Các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào dầu khí Nga nhiều hơn nên không thể áp đặt lệnh cấm tương tự. Tuy nhiên Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố kế hoạch cắt giảm 66% nhập khẩu khí đốt Nga trong năm nay cũng như theo đuổi mục tiêu phá bỏ thế phụ thuộc năng lượng Nga trước năm 2030. Nước Anh cũng thực hiện lộ trình loại bỏ dần dầu mỏ và sản phẩm từ dầu của Nga trước cuối năm 2022 đồng thời cân nhắc cấm nhập khẩu khí đốt Nga.
40% khí đốt, 27% dầu nhập khẩu cùng 46% than nhập khẩu của EU là đến từ Nga. Lượng hàng này đem lại hàng chục tỉ USD mỗi năm cho Moscow.
Nga chưa nói hay phản ứng gì trước loạt diễn biến nêu trên. Tuy nhiên Phó thủ tướng Nga Alexander Novak từng cảnh báo giá dầu có thể vọt lên 300 USD/thùng và Moscow có thể đóng đường ống khí đốt Nord Stream tới Đức nếu phương Tây triển khai biện pháp cấm nhập khẩu dầu.
Giá dầu tăng sốc sau khi Tổng thống Biden công bố lệnh cấm. Dầu WTI (thị trường Mỹ) trong phiên giao dịch ngày 8.3 tăng 3,6% lên 123,70 USD/thùng. Dầu Brent tăng 4,3% lên 123,21 USD/thùng.