Caleb Larson là một nhà báo chuyên viết về quân sự tại Berlin. Ông vừa có bài viết trên Newsweek phân tích về kho vũ khí 2 bên trong cuộc chiến ở Ukrain
Trong 96 ngày ở Ukraine, tôi đã tường thuật trên thực địa từ hầu hết mọi thành phố lớn của đất nước này và chứng kiến cuộc chiến lớn đầu tiên ở châu Âu sau hơn 80 năm - và sự khốc liệt đáng kinh ngạc mà cỗ máy quân sự Nga hoạt động.
Từ cuộc xung đột đó, tôi tin rằng Mỹ không chuẩn bị sẵn sàng để giành chiến thắng trong cuộc chiến lớn tiếp theo chống lại kẻ thù ngang cơ.
Cuộc chiến ở Ukraine đã đặt ra những gì cần thiết để giành chiến thắng trên chiến trường ngày nay về các mặt: vũ khí tinh vi, chính xác và tầm xa, cũng như khả năng duy trì cung cấp đủ vũ khí đó cho binh lính trên chiến trường để bù đắp tổn thất trong chiến đấu.
Ukraine đặt hy vọng vào các loại pháo thông thường như M777 của Mỹ, cũng như Hệ thống tên lửa cơ động cao của Mỹ (HIMARS) và Hệ thống tên lửa phóng nhiều lần M270 (MLRS) của Anh và Mỹ để cản bước tiến dù chậm nhưng chắc của Nga ở miền Đông Ukraine. Nếu được cung cấp nhanh chóng và với số lượng đủ lớn, những vũ khí tầm xa này có thể giúp làm giảm ưu thế mà người Nga đã đạt được ở đó.
Ukraine đã nhận được vũ khí hiện đại từ Mỹ và các đồng minh NATO khác với số lượng lớn. Theo một số ước tính, Mỹ đã tặng một phần ba kho dự trữ tên lửa chống tăng Javelin của mình cho Kyiv và mang lại hiệu quả đáng kể.
Những tổn thất mà Nga phải gánh chịu trong cuộc xung đột này là không thể tin được. Oryx, một nhóm chuyên theo dõi tổn thất thiết bị của Nga bằng cách kết hợp các thông tin công khai, đánh giá mức tiêu hao phương tiện của Nga là 4.424. Tuy nhiên, con số này chỉ phản ánh các khoản thiệt hại được xác nhận trực quan và do đó, đây là một ước tính có phần thận trọng. Tuy nhiên, theo một số ước tính (không kiểm chứng), Nga có thể đã mất tới 1/4 tổng số phương tiện hiện có chỉ trong hơn 3 tháng giao tranh.
Joseph Stalin, nhà lãnh đạo sắt đá đã thúc đẩy Hồng quân chống lại Đức Quốc xã, được cho là đã từng nhận xét về khả năng của Liên Xô trong việc chấp nhận tổn thất và tiêu hao binh lực cũng như thiết bị như thế này: "số lượng có chất lượng riêng của nó".
Câu trích dẫn này có thể chỉ là “fake news” nhưng nhấn mạnh hướng đi mà Thế chiến thứ hai, cũng như cuộc xung đột hiện tại ở châu Âu, đang hướng tới: một cuộc chiến tranh tiêu hao lâu dài, loại xung đột thưởng cho các quốc gia sở hữu dây chuyền sản xuất mạnh mẽ để duy trì nhiều lượng thiết bị dự trữ và đạn dược. Mỹ lại không chiến đấu kiểu này trong hơn 80 năm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài phát biểu gần đây rằng Nga đã phóng 2.606 tên lửa các loại vào Ukraine kể từ đầu cuộc xung đột này, tấn công các mục tiêu trên khắp quốc gia lớn thứ hai châu Âu. Gần đây, hơn ba tháng sau cuộc xung đột, một loạt tên lửa tấn công Kyiv và phá vỡ cảm giác yên bình tương đối vốn có trên thủ đô Ukraine sau khi Nga từ bỏ việc tấn công Kyiv rồi rút lui trở lại Nga và Belarus.
Không rõ Nga có thể duy trì loại vũ khí này trong bao lâu. Họ đang cố gắng tìm kiếm nguồn chip máy tính, huyết mạch của vũ khí hiện đại, và bổ sung các khoản sử dụng và tổn thất tích lũy trên chiến trường. Nhờ các lệnh trừng phạt công nghệ do Mỹ khởi xướng, Nga đang đứng trước cuộc khủng hoảng chip máy tính. Sự thiếu hụt của Moscow trầm trọng đến mức họ lấy luôn chất bán dẫn từ máy giặt và máy rửa bát để duy trì nhịp độ cuộc chiến.
Tập đoàn Uralvagonzavod và Nhà máy Máy kéo Chelyabinsk - hai trong số các nhà sản xuất xe quân sự lớn nhất của Nga - đã cắt giảm sản xuất vì thiếu các bộ phận công nghệ cao từ châu Á và phương Tây. Ở những vị trí phía sau chiến tuyến ở Ukraine, Nga đã đưa các thiết bị cũ vào biên chế: xe tăng và các phương tiện khác từ thời tiền máy tính và thay thế các thiết bị số sang thiết bị “tương tự” (analog)
Ukraine cũng đã hứng chịu những tổn thất to lớn trong cuộc xung đột lớn đầu tiên của thế kỷ 21. Nhưng, được thúc đẩy bởi viện trợ quân sự và tài chính từ Mỹ và các nước phương Tây khác, họ đang tiếp tục chiến đấu.
Trong ghi nhận của tôi trên khắp Ukraine, lời cầu xin được nghe nhiều nhất từ các lực lượng vũ trang Ukraine là đạn pháo thông thường - nhưng cũng xin cả tên lửa chống tăng Javelin và nhờ sự hỗ trợ của các loại vũ khí phòng không phương Tây, Ukraine có đồ để đối phó với chiến đấu cơ và máy bay trực thăng của Nga.
Nhưng tương lai của chiến tranh nghiêng về chip máy tính chứ không thể khác. Hãy xem xét tên lửa chống tăng Javelin. Mỗi đơn vị Javelin gồm hơn 200 chất bán dẫn, một con số khó có thể cắt giảm khi vũ khí tầm xa, tiên tiến hơn sẽ sớm được đưa vào phục vụ Bộ Quốc phòng.
Mỹ đã thực hiện tốt lời hứa trở thành "kho vũ khí của nền dân chủ" và duy trì cho người Ukraine được cung cấp vũ khí chống tăng và phòng không hiệu quả nhất thế giới, nhưng ngay cả Mỹ cũng có giới hạn.
Sau nhiều thập kỷ chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ ở Trung Đông chống lại những kẻ thù ô hợp thiếu lực lượng thiết giáp và máy bay chiến đấu, dây chuyền sản xuất vũ khí tinh vi như tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger đã bị bỏ quên, với các bộ phận quan trọng không còn được sản xuất tại Mỹ.
Giống như Nga, Mỹ phụ thuộc sâu vào chất bán dẫn từ các nhà cung cấp nước ngoài - chip cao cấp sản xuất tại Đài Loan và Hàn Quốc - hiện đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung do gián đoạn sản xuất bởi đại dịch COVID-19 toàn cầu. Mặc dù chính quyền hiện tại muốn thông qua Đạo luật khuyến khích hữu ích để sản xuất chất bán dẫn (CHIPS) cho Mỹ - một dự luật sẽ thúc đẩy tài trợ vào việc tạo ra các xưởng đúc bán dẫn trên đất Mỹ - nhưng phải mất nhiều năm nữa mới có bất kỳ sự thay đổi nào.
Như một số nhà phân tích dự đoán, nếu cuộc xung đột lớn tiếp theo mà Mỹ phải đối mặt với Trung Quốc, nó sẽ khiến Mỹ cần đáng kể với các chất bán dẫn ở Đài Loan và Hàn Quốc và có thể dẫn đến các kiểu “dùng đại” các loại chip như kiểu thiết bị của Nga đã dùng ở Ukraine.
Điều cần thiết là cơ sở công nghiệp của Mỹ có thể nhanh chóng bổ sung các loại vũ khí này thông qua các chuỗi cung ứng bán dẫn an toàn. Nếu những điều kiện này không thể được đáp ứng, thì cuộc chiến tiếp theo sẽ diễn ra kèm theo những tổn thất sớm hơn nhiều so với dự đoán của bất kỳ ai.
Tổng thống Franklin Delano Roosevelt nói về việc Mỹ tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai như thế này: "Chúng tôi có những người đàn ông, có kỹ thuật, sự giàu có và trên hết là ý chí". Trong thế kỷ 21, Mỹ chắc chắn vẫn sở hữu những kỹ thuật và sự giàu có để giành chiến thắng trong cuộc chiến tiếp theo của mình. Nhưng họ có ý chí không?