Các nhà phân tích cho biết những biện pháp của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến sang Trung Quốc có thể khiến Nvidia phải rút lui và tạo cơ hội cho Huawei mở rộng tại thị trường trong nước trị giá 7 tỉ USD.

Mỹ hạn chế xuất khẩu chip AI, Huawei có cơ hội lấp đầy khoảng trống của Nvidia ở Trung Quốc

Sơn Vân | 20/10/2023, 20:10

Các nhà phân tích cho biết những biện pháp của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến sang Trung Quốc có thể khiến Nvidia phải rút lui và tạo cơ hội cho Huawei mở rộng tại thị trường trong nước trị giá 7 tỉ USD.

Dù Nvidia là nhà cung cấp chip AI hàng đầu tại Trung Quốc với thị phần vượt quá 90%, các công ty Trung Quốc, gồm cả Huawei, cũng đang phát triển phiên bản riêng tương tự chip bán chạy nhất của Nvidia như bộ xử lý đồ họa (GPU) A100 và H100.

Các nhà phân tích và một số công ty AI như iFlyTek (Trung Quốc) nói chip AI Ascend của Huawei có thể so sánh với chip Nvidia về sức mạnh tính toán cơ bản, nhưng vẫn tụt hậu về hiệu suất.

Jiang Yifan, Giám đốc phân tích thị trường tại hãng Guotai Junan Securities, cho biết một yếu tố hạn chế chính khác với các công ty Trung Quốc là sự phụ thuộc của hầu hết dự án vào chip và hệ sinh thái phần mềm Nvidia, nhưng điều đó có thể thay đổi sau các hạn chế từ Mỹ.

Theo tôi, động thái này từ Mỹ thực sự đang mang lại cho chip Ascend của Huawei một món quà lớn”, Jiang Yifan đề cập trong một bài đăng trên tài khoản mạng xã hội Weibo của mình. Tuy nhiên, cơ hội này đi kèm với một số thách thức.

Nhiều dự án AI tiên tiến được xây dựng bằng CUDA, kiến trúc lập trình phổ biến mà Nvidia đã đi tiên phong, từ đó tạo ra hệ sinh thái toàn cầu rộng lớn có khả năng đào tạo các mô hình AI với độ phức tạp cao như GPT-4 của OpenAI.

Phiên bản riêng của Huawei mang tên CANN. Các nhà phân tích nói CANN có nhiều hạn chế hơn về khả năng đào tạo các mô hình AI, đồng nghĩa là chip của Huawei còn xa lắm mới thay thế được cho Nvidia.

Theo Woz Ahmed, cựu giám đốc thiết kế chip nay là cố vấn, để giành được khách hàng Trung Quốc từ Nvidia, Huawei phải tái tạo hệ sinh thái mà Nvidia từng tạo được, gồm cả hỗ trợ khách hàng chuyển dữ liệu và mô hình của họ sang nền tảng riêng của Huawei.

Woz Ahmed cho biết quyền sở hữu trí tuệ cũng là một vấn đề vì nhiều công ty Mỹ đã nắm giữ các bằng sáng chế quan trọng về GPU.

Ông nói thêm: “Để đạt được một điều gì đó gần giống như vậy, có thể cần 5 hoặc 10 năm”.

Huawei và Nvidia đã không trả lời ngay lập tức câu hỏi của hãng tin Reuters.

my-han-che-xuat-khau-chip-huawei-co-co-hoi-lap-day-khoang-trong-cua-nvidia-o-trung-quoc.jpg
Những biện pháp của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu chip AI tiên tiến sang Trung Quốc có thể khiến Nvidia phải rút lui và tạo cơ hội cho Huawei mở rộng tại thị trường quê nhà - Ảnh: Internet

Khả năng tính toán

Nếu giành được thị phần của Nvidia, Huawei có thể đạt được một chiến thắng khác trước Mỹ, quốc gia trừng phạt công ty này bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu kể từ năm 2019.

Huawei đã tung ra GPU Ascend đầu tiên vào năm 2019 và đây là một trong số nhiều sản phẩm, chẳng hạn hệ điều hành Harmony, mà công ty Trung Quốc cho biết là hoàn toàn tự sản xuất.

Năm qua, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã thể hiện dấu hiệu chống lại các biện pháp kiềm chế từ Mỹ bằng cách trình làng một loại chip smartphone tiên tiến (Kirin 9000s trong Mate 60 Pro) và đưa ra tuyên bố về những đột phá trong các công cụ thiết kế chip.

Huawei cũng đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp sức mạnh tính toán chính cho AI. Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính Huawei, nói vào tháng trước rằng hãng muốn xây dựng cơ sở điện toán cho Trung Quốc và cung cấp cho thế giới một “lựa chọn thứ hai”, ám chỉ tới các công ty Mỹ đang thống trị trị trường.

Đến nay, các đối tác của Huawei tại Trung Quốc, gồm cả iFlyTek (công ty phần mềm AI hàng đầu quốc gia châu Á này), đang sử dụng Ascend 910 để đào tạo các mô hình AI của mình. iFlyTek cũng bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại vào năm 2019.

Hôm 19.10, trong cuộc họp báo thu nhập của iFlyTek, Phó chủ tịch cấp cao Jiang Tao cho biết khả năng của Ascend 910B “có thể so sánh với Nvidia A100” và thông báo rằng họ đang phát triển cơ sở hạ tầng AI cho mục đích chung ở Trung Quốc cùng với Huawei.

Jiang Tao nói: “Sự hợp tác của chúng tôi hiện nhằm mục đích cho phép các mô hình ngôn ngữ lớn phát triển trong nước được xây dựng bằng cả công nghệ phần cứng và phần mềm trong nước”.

Các đối tác khác của Huawei gồm công ty phần mềm nhà nước Tsinghua Tongfang và Digital China. Tại hội nghị vào tháng 7, Huawei cho biết chip AI của họ hiện giúp cung cấp sức mạnh cho hơn 30 mô hình ngôn ngữ lớn ở Trung Quốc, quốc gia đang trải qua cơn sốt generative AI và hiện có hơn 130 mô hình ngôn ngữ lớn.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Charlie Chai, nhà phân tích của hãng 86Research, nói sự thống trị của hệ sinh thái Nvidia không phải là "trở ngại không thể vượt qua nếu các công ty trong nước có đủ thời gian và lượng khách hàng lớn".

Nỗ lực tự cung tự cấp của Trung Quốc, vốn được Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ, có thể sẽ hỗ trợ điều này. Charlie Chai nói thêm: “Nói tóm lại, đây là sự gián đoạn nhỏ với nguồn cung trong ngắn hạn nhưng lại là sự thúc đẩy lớn cho chương trình tự cung tự cấp dài hạn”.

Dù vậy, trong khi chặn Trung Quốc tiếp cận các chip AI quan trọng của Mỹ, các quy tắc mới sâu rộng được chính quyền Biden công bố hôm 17.10 cũng âm thầm trao cho Nvidia, Intel và AMD huyết mạch tiềm năng để bảo vệ cơ hội kinh doanh sinh lợi tại một trong những thị trường chip lớn nhất thế giới.

Nằm sâu trong hơn 400 trang quy tắc được ban hành hôm 17.10, các quan chức tại Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) cho biết họ sẵn sàng đón nhận ý kiến đóng góp của ngành bán dẫn để tìm cách tiếp tục xuất khẩu chip AI đến Trung Quốc cho các hệ thống nhỏ và trung bình.

Các quan chức nói những quy tắc mới này được thiết kế để hạn chế khả năng Trung Quốc khai thác chip Mỹ để chế tạo các siêu máy tính khổng lồ, có thể được sử dụng để tạo ra các công nghệ tương tự như ChatGPT của OpenAI và sử dụng trong mục đích quân sự.

Thomas Krueger, cựu quan chức kiểm soát xuất khẩu của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói: “Nguyên tắc cơ bản đằng sau tất cả các quy tắc này là khiến chúng tập trung vào những khả năng có thể hỗ trợ các hệ thống quân sự của Trung Quốc. Họ không quan tâm đến việc theo đuổi các ứng dụng rộng rãi cho người tiêu dùng. Họ thực sự đang cố gắng để làm điều đó một cách khôn khéo".

Các quan chức Mỹ đã yêu cầu đóng góp ý kiến để tìm ra cách "bất biến" nhằm ngăn chặn việc kết hợp các hệ thống có thể chứa tới 256 chip AI được kết hợp với nhau thành một siêu máy tính.

Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ viết: “Bước tiếp cận này có thể hạn chế (các chip AI được kiểm soát) khỏi việc sử dụng để đào tạo các mô hình AI đa dụng lớn có khả năng đáng lo ngại, trong khi cho phép khả năng đào tạo AI ở quy mô nhỏ hoặc trung bình”.

Nvidia, Intel và AMD từ chối bình luận.

Món quà quan trọng khác mà các quan chức Mỹ tặng cho Nvidia, Intel và AMD là gây khó khăn cho các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc có năng lực nhất của họ là Moore Threads và Biren. Cả hai công ty Trung Quốc này đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại. Những nhà cung cấp ở Mỹ hiện sẽ phải đối mặt với yêu cầu cấp phép khó khăn trước khi vận chuyển sản phẩm cho Biren và Moore Threads, hai công ty khởi nghiệp Trung Quốc được tài trợ tốt do các cựu nhân viên Nvidia thành lập.

Các quy định mới sẽ khiến Moore Threads và Biren gần như không thể tạo ra thiết kế của họ bằng công nghệ sản xuất chip tiên tiến. Điều đó đồng nghĩa bất cứ chip gì Nvidia bán cho Trung Quốc có thể sẽ là lựa chọn hợp pháp tốt nhất cho người mua ở quốc gia châu Á.

Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Piper Sandler viết trong một lưu ý cho khách hàng: “Giả định của chúng tôi là Nvidia sẽ nhanh chóng thiết kế lại một chip để đáp ứng các tiêu chuẩn mới với những gián đoạn tương đối không đáng kể trong triển vọng kinh doanh hiện tại”.

Bài liên quan
Mỹ khắc phục những sơ hở trong việc hạn chế xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc
Mỹ sẽ thực hiện các bước để ngăn chặn những công ty nước này bán chip cho Trung Quốc nhằm lách các hạn chế của chính phủ, như một phần trong các hành động sắp tới để ngăn chặn xuất khẩu chip AI nhiều hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ hạn chế xuất khẩu chip AI, Huawei có cơ hội lấp đầy khoảng trống của Nvidia ở Trung Quốc