Nvidia cho biết có thể buộc phải chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi các quốc gia nằm trong tầm kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sau khi chính quyền Biden hôm 17.10 mở rộng các hạn chế với xuất khẩu một số công nghệ cao cấp.

Nvidia có thể rời khỏi nhiều nước sau các biện pháp mới hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ

Sơn Vân | 18/10/2023, 08:07

Nvidia cho biết có thể buộc phải chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi các quốc gia nằm trong tầm kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sau khi chính quyền Biden hôm 17.10 mở rộng các hạn chế với xuất khẩu một số công nghệ cao cấp.

Nvidia (nhà sản xuất chip giá trị nhất thế giới) cũng thông báo rằng các quy định mới có thể ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành việc phát triển một số sản phẩm nhất định kịp thời, hỗ trợ khách hàng hiện tại về những sản phẩm đó hoặc cung cấp cho khách hàng những sản phẩm này bên ngoài các khu vực bị hạn chế.

Theo các biện pháp mở rộng sẽ có hiệu lực sau 30 ngày, Mỹ hiện đã hạn chế một lượng lớn chip tiên tiến và công cụ sản xuất chip với nhiều quốc gia hơn, gồm cả Iran và Nga, đồng thời đưa các nhà thiết kế chip Trung Quốc như Moore Threads và Biren vào danh sách đen thương mại.

Chính quyền Biden có kế hoạch tạm dừng vận chuyển các chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến hơn do Nvidia và các công ty khác thiết kế đến Trung Quốc, một phần trong loạt biện pháp được công bố hôm 17.10 nhằm tìm cách ngăn quốc gia châu Á tiếp nhận các công nghệ tiên tiến của Mỹ để tăng cường quân đội.

Gina Raimondo - Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ nói với các phóng viên vào cuối ngày 16.10 rằng các biện pháp mới này sẽ lấp đầy những lỗ hổng trong các quy định được ban hành vào tháng 10.2022 và có thể sẽ được cập nhật “ít nhất là hàng năm”.

Bà nói mục tiêu là hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với “các chất bán dẫn tiên tiến có thể tạo ra những đột phá về AI và các máy tính phức tạp vốn rất quan trọng với các ứng dụng quân sự (Trung Quốc)”, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền Biden không tìm cách làm tổn thương Trung Quốc về mặt kinh tế.

Gina Raimondo cho biết Trung Quốc vẫn sẽ nhập khẩu chất bán dẫn trị giá hàng trăm tỉ USD của Mỹ.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết nước này “kiên quyết phản đối” các hạn chế mới, đồng thời nói thêm rằng: “Việc tự ý đặt ra các biện pháp kiềm chế hoặc buộc phải tìm cách tách rời để phục vụ chương trình nghị sự chính trị  là vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng, làm suy yếu trật tự kinh tế và thương mại quốc tế”.

Các biện pháp mới chứng tỏ chính quyền Biden đang nỗ lực làm chậm dòng chip và công cụ sản xuất chip vào Trung Quốc, khi ngày càng có nhiều lo ngại về vai trò của công nghệ Mỹ trong việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Reuters đưa tin vào tháng 6 rằng những chip AI bị cấm theo các quy định trước đó có thể được mua từ các nhà cung cấp ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc.

Trong một báo cáo tháng 6.2022, Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown (Mỹ) cho biết trong số 97 chip AI riêng lẻ được mua thông qua các cuộc đấu thầu của quân đội Trung Quốc trong khoảng thời gian 8 tháng vào năm 2020, gần như tất cả chúng đều được thiết kế bởi các công ty Mỹ là Nvidia, Xilinx, Intel và Microsemi.

Theo các quy định được công bố hôm 17.10, khả năng AI, được hỗ trợ bởi siêu máy tính và chip tiên tiến, sẽ cải thiện tốc độ và độ chính xác của việc ra quyết định, lập kế hoạch và hậu cần quân sự.

“Các chip chỉ dành cho Trung Quốc”

Nvidia (nhà thiết kế chip AI hàng đầu của Mỹ) cho biết sẽ tuân thủ các quy định mới từ Mỹ và không cho rằng có tác động đáng kể với kết quả ngắn hạn.

Hoạt động kinh doanh của Nvidia đã phát triển kể từ khi Mỹ áp dụng các quy định vào tháng 10.2022 vì các chip chỉ dành cho Trung Quốc của hãng vẫn tốt hơn các lựa chọn thay thế. Nvidia đang bán hầu hết chip AI khi nhu cầu trên toàn thế giới vượt xa nguồn cung, nhưng sẽ bị tổn hại về lâu dài khi các hãng chip Trung Quốc tìm kiếm nơi khác để lấp đầy khoảng trống mà các công ty Mỹ để lại.

Nvidia từng sản xuất chip AI như A800 và H800 tuân theo các quy tắc trước đó để tiếp tục bán sang Trung Quốc và AMD (cũng bị ảnh hưởng bởi các quy tắc mới từ Mỹ) cho biết có kế hoạch thực hiện chiến lược tương tự.

Cổ phiếu Nvidia giảm 3,7%, trong khi cổ phiếu AMD và một nhà sản xuất chip AI khác là Intel lần lượt giảm 0,6% và 1%.

Các quy định mới sẽ miễn trừ hầu hết chip tiêu dùng được sử dụng trong laptop, smartphone và chơi game, dù một số sẽ phải tuân theo các yêu cầu về cấp phép và thông báo của các quan chức Mỹ.

nvidia-co-the-roi-khoi-nhieu-nuoc.jpg
Nvidia cho biết có thể buộc phải chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi các quốc gia nằm trong tầm kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sau khi chính quyền Biden hôm 17.10 mở rộng các hạn chế với xuất khẩu một số công nghệ cao cấp - Ảnh: Reuters

Sử dụng công nghệ chiplet

Các quy tắc trước đây áp đặt một thử nghiệm hai hướng nhằm đo cả hiệu suất tính toán của chip và khả năng giao tiếp với các chip khác, một biện pháp quan trọng trong siêu máy tính AI, nơi hàng ngàn chip giao tiếp với nhau để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ.

Nvidia và Intel đã tạo ra những chip đặc biệt cho thị trường Trung Quốc, giữ lại khả năng tính toán mạnh mẽ nhưng hạn chế tốc độ liên lạc để tuân thủ các quy tắc trước đó của Mỹ.

Các quy định mới áp đặt các giới hạn về sức mạnh tính toán mà chip đóng gói ở một kích thước nhất định, biện pháp được thiết kế để ngăn chặn các giải pháp sử dụng công nghệ chiplet mới mà Trung Quốc cho rằng sẽ là trọng tâm trong tương lai của ngành bán dẫn.

Biren và Moore Threads đều là công ty khởi nghiệp do cựu nhân viên Nvidia thành lập nhằm mục đích cạnh tranh với gã khổng lồ chip AI của Mỹ. Những nhà cung cấp ở Mỹ hiện sẽ phải đối mặt với yêu cầu cấp phép khó khăn trước khi vận chuyển sản phẩm cho Biren và Moore Threads.

Biren cho biết kiên quyết phản đối việc bị đưa vào danh sách đen thương mại và sẽ kháng cáo để chính phủ Mỹ xem xét lại quyết định này. Moore Threads nói hoàn toàn không đồng ý với việc thêm công ty vào danh sách đen thương mại.

Giấy phép mở rộng

Các biện pháp mới cũng mở rộng yêu cầu cấp phép xuất khẩu chip tiên tiến tới hơn 40 quốc gia khác có nguy cơ chuyển hướng sang Trung Quốc và chịu lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ.

Biện pháp đó dường như được xây dựng dựa trên lá thư mà Nvidia nhận được vào tháng 8 mà hãng mô tả là hạn chế vận chuyển chip A100 và H100 ra ngoài Trung Quốc đến các khu vực khác, bao gồm cả một số quốc gia ở Trung Đông.

Chip sẽ bị cấm gửi đến đơn vị của các công ty ở bất kỳ đâu trên thế giới nếu công ty mẹ của họ có trụ sở chính tại Trung Quốc, Ma Cao và các quốc gia bị cấm vận vũ khí khác.

Chính quyền Biden cũng áp đặt yêu cầu cấp phép cho 21 quốc gia bên ngoài Trung Quốc với các công cụ sản xuất chip vì lo ngại thiết bị này có thể được chuyển hướng sang Trung Quốc và các lo ngại về an ninh quốc gia khác.

Mỹ cũng bổ sung vào danh sách thiết bị bị hạn chế đến Trung Quốc một số hệ thống in thạch bản tia cực tím sâu (DUV), vượt xa các quy định gần đây của Hà Lan để ngăn ASML gửi các mẫu DUV cũ hơn và phụ tùng thay thế cho những nhà máy sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.

DUV là thiết bị sản xuất chip kém tiên tiến hơn so với máy in thạch bản cực tím (EUV) hiện đại, vốn đã bị cấm xuất khẩu đến Trung Quốc, nhưng có thể tạo ra những chip gần như tiên tiến với chi phí cao hơn.

ASML cho biết các biện pháp mới từ Mỹ có thể sẽ tác động đến “sự phân chia doanh số bán hàng ở hệ thống của chúng tôi theo khu vực” trong trung và dài hạn, nhưng công ty không cho rằng sẽ thấy tác động lớn đến triển vọng tài chính của mình vào năm 2023 hoặc dài hạn hơn.

Các quan chức Mỹ cho biết những người đồng cấp Trung Quốc đã được Bộ trưởng Bộ Thương mại Gina Raimondo, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo về việc chính quyền Biden đưa ra các quy định mới.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (Mỹ) đang “đánh giá tác động” của các quy định mới và kêu gọi chính quyền Biden hợp tác với đồng minh: “Các biện pháp kiểm soát đơn phương, quá rộng có nguy cơ gây tổn hại cho hệ sinh thái bán dẫn của Mỹ mà không tăng cường an ninh quốc gia”.

Bài liên quan
Đài Loan mong Mỹ gia hạn miễn trừ để TSMC đưa thiết bị chip đến nhà máy ở Trung Quốc
Bà Wang Mei-hua, người đứng đầu Cơ quan kinh tế Đài Loan, hôm 12.10 cho biết đang chờ đợi quyết định của chính phủ Mỹ về việc liệu các nhà sản xuất chip Đài Loan có được phép gia hạn miễn trừ để cung cấp thiết bị chip Mỹ cho các nhà máy của họ ở Trung Quốc hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nvidia có thể rời khỏi nhiều nước sau các biện pháp mới hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ