Kể từ khi Nga bắt đầu tiến quân vào Ukraine vào ngày 24.2, các quan chức Kosovo đã kêu gọi cho họ gia nhập khẩn cấp vào NATO.
Kosovo tranh thủ tình hình tại Ukraine
Theo truyền thông phương Tây, Mỹ hoan nghênh nguyện vọng trở thành thành viên NATO của Kosovo nhưng nhắc lại rằng đây là một quá trình phức tạp đòi hỏi một cách tiếp cận thận trọng và lâu dài. “Cách tốt nhất để Kosovo thể hiện sự sẵn sàng đối với các trách nhiệm của tư cách thành viên NATO là tiếp tục tích cực thực hiện quá trình chuyển đổi lâu dài của Lực lượng An ninh Kosovo (KSF) và không đi chệch hướng”.
Thông điệp này của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra sau khi người đứng đầu Kosovo, Vjosa Osmani gửi thư cho Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong thư, bà Osmani yêu cầu ông Biden "sử dụng khả năng lãnh đạo và ảnh hưởng, để hỗ trợ và tích cực thúc đẩy quá trình trở thành thành viên NATO của Kosovo". Đồng thời thư viết: "Vì chúng ta chia sẻ mục tiêu chung về an ninh toàn cầu, nên tư cách thành viên của Kosovo trong NATO đã trở nên cần thiết".
Bà Osmani đánh giá rằng vào thời điểm mà mọi con mắt của thế giới đều đổ dồn vào Ukraine, thì "chúng ta không được quên tình hình mong manh" mà khu vực đang phải đối mặt. Bà Osmani nói thêm rằng Kosovo bị phơi bày trước những nỗ lực không ngừng của Nga nhằm gây bất ổn cho đất nước và toàn bộ khu vực Tây Balkan.
Kể từ khi Nga bắt đầu tiến quân vào Ukraine vào ngày 24.2, các quan chức Kosovo đã kêu gọi cho họ gia nhập khẩn cấp vào NATO. Vào đầu tháng 3, chính quyền Kosovo đã quyết định thành lập một nhóm làm việc liên thể chế cho tư cách thành viên NATO của Kosovo.
Người đứng đầu nội các Kosovo, Albin Kurti, nói rằng mục tiêu chính của nhóm này sẽ là cải thiện quá trình hội nhập NATO, tăng cường sự hiện diện của Kosovo trong các tổ chức và cơ chế khu vực, an ninh quốc tế, cũng như hợp tác với các đồng minh quốc tế chiến lược. Người đứng đầu cơ quan đối ngoại Kosovo, Donika Gervala, đánh giá rằng tư cách thành viên của Kosovo trong NATO là một "vấn đề cấp bách", do hành động quân sự của Nga vào Ukraine.
Đặc phái viên Mỹ về Tây Balkan Gabriel Escobar tin rằng vào thời điểm khủng hoảng, công việc tìm kiếm một “giải pháp lâu dài cho các tranh chấp chưa được giải quyết ở Tây Balkan” cần được thực hiện.
Ông Escobar nói: “Chúng ta hãy sử dụng cuộc khủng hoảng này để đảm bảo rằng các thế hệ tương lai ở Tây Balkan được sống trong hòa bình và các quốc gia liên kết với EU. Chúng tôi phải nỗ lực gấp đôi để đạt được thỏa thuận thỏa hiệp giữa Kosovo và Serbia, cũng như ngăn chặn các hành động đe dọa sự ổn định ở Bosnia và Herzegovina”.
Những trở ngại đối với tư cách thành viên NATO của Kosovo là gì?
Thỏa thuận thành lập NATO ngụ ý rằng bất kỳ quốc gia châu Âu nào đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết đều có thể trở thành thành viên trong tổ chức này. Quyết định về việc mở rộng tổ chức được thực hiện nhất trí. Các tiêu chí thành viên có trong Điều 10 mà Hiệp ước Washington đưa ra bảy bước khi nói đến chính quá trình gia nhập. Nó nêu rõ rằng “các quốc gia thành viên có thể mời bất kỳ quốc gia châu Âu nào có vị trí trong Hiệp ước này và đóng góp vào an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương gia nhập Hiệp ước”.
Trong trường hợp một trong các quốc gia thành viên NATO quyết định đề xuất Kosovo làm thành viên mới, thì triển vọng thành công ở hiện tại là không thể. Trở ngại chính đối với tư cách thành viên của Kosovo nằm ở chỗ bốn nước NATO (Hy Lạp, Tây Ban Nha, Slovakia và Romania) vẫn chưa công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập. Theo quy định, chỉ cần một thành viên không đồng ý thì Kosovo sẽ không được gia nhập khối. Chắc chắn Tây Ban Nha sẽ bỏ phiếu chống vì họ không muốn khuyến khích các phong trào ly khai sẽ tạo tiền lệ cho xứ Basque hay Catalan vin cớ.
Ngoài ra, mặc dù cam kết rõ ràng với NATO, nhưng tại thời điểm này Kosovo không đáp ứng các tiêu chí khác. Ví dụ, Kosovo không có quân đội trong khi Lực lượng An ninh Kosovo không đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO.
Chính quyền Kosovo đã thể hiện thiện chí chính trị sâu rộng trong việc tăng cường hợp tác với NATO để nâng cấp quan hệ, nhưng cho đến nay, có rất ít tiến bộ trong vấn đề này. Vào ngày 11.7.2012, người đứng đầu nội các Kosovo Hashim Thaçi đã đệ trình đề nghị Kosovo tham gia chương trình Đối tác vì Hòa bình (PfP) ở Pristina, chương trình này sẽ thiết lập quan hệ đối tác chính thức giữa Kosovo và NATO.
NATO đã có mặt ở Kosovo hơn 20 năm. Vào tháng 6.1999, sau một chiến dịch không kích chống lại Nam Tư, NATO đã thành lập Lực lượng Kosovo (KFOR). KFOR ở Kosovo được đại diện bởi các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế do NATP lãnh đạo, nhằm duy trì trật tự và hòa bình, tạo ra an ninh ở Kosovo sau các cuộc xung đột và sự rút lui của các lực lượng Nam Tư. NATO giải thích nhiệm vụ của họ xuất phát từ nghị quyết 1244 (1999) của Hội đồng bảo an LHQ và Hiệp định quân sự-kỹ thuật giữa NATO, Cộng hòa Liên bang Nam Tư và Serbia.
Chiến tranh Ukraine đã làm sống lại khát vọng của Kosovo về việc trở thành thành viên của một số tổ chức khác, chẳng hạn như Hội đồng châu Âu, cũng như để đạt được vị thế ứng cử viên của Liên minh Châu Âu.