Bộ Thương mại Mỹ hôm 9.8 thông báo hơn 460 công ty thể hiện sự quan tâm có được nguồn tài trợ từ chính phủ để sản xuất chất bán dẫn, nhằm nâng cao sự cạnh tranh của nước này trước những nỗ lực về khoa học và công nghệ từ Trung Quốc.

Mỹ: Hơn 460 công ty muốn tìm nguồn tài trợ từ đạo luật Chips trị giá 52,7 tỉ USD

Sơn Vân | 09/08/2023, 17:45

Bộ Thương mại Mỹ hôm 9.8 thông báo hơn 460 công ty thể hiện sự quan tâm có được nguồn tài trợ từ chính phủ để sản xuất chất bán dẫn, nhằm nâng cao sự cạnh tranh của nước này trước những nỗ lực về khoa học và công nghệ từ Trung Quốc.

Hôm 9.8, Nhà Trắng sẽ đánh dấu kỷ niệm một năm kể từ ngày Tổng thống Joe Biden ký đạo luật Chips and Science (Chips for America) mang tính bước ngoặt, cung cấp 52,7 tỉ USD trợ cấp cho cho sản xuất, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động trong lĩnh vực chất bán dẫn của Mỹ.

Ông Biden cho biết các công ty đã thông báo đầu tư tổng cộng 166 tỉ USD vào ngành sản xuất chất bán dẫn và thiết bị điện tử trong năm qua. Theo ông Biden, đạo luật này sẽ "đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu trong việc sản xuất chất bán dẫn và giảm sự phụ thuộc vào các nước khác với chuỗi cung ứng thiết bị điện tử hoặc năng lượng sạch".

Vào tháng 6, Bộ Thương mại Mỹ đã bắt đầu nhận đơn đăng ký cho chương trình trợ cấp trị giá 39 tỉ USD cho ngành sản xuất chất bán dẫn của Mỹ cũng như thiết bị và vật liệu để sản xuất chip, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định tài trợ cho công ty nào.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo nói với các phóng viên: “Cuối cùng chúng tôi cũng đang thực hiện các khoản đầu tư đã bị trì hoãn một thời gian dài để đảm bảo an ninh kinh tế và quốc gia của chúng tôi. Chúng ta cần hành động nhanh chóng nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta làm đúng”.

Một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ nói rằng Bộ này đang tiến hành nhanh chóng: "Chúng tôi đang tích cực đối thoại với các ứng viên và hy vọng sẽ công bố tiến bộ lớn trong những tháng tới".

Đạo luật Chips and Science cũng bao gồm cả khoản tín dụng thuế đầu tư 25% để xây dựng các nhà máy chip, ước tính trị giá 24 tỉ USD.

Theo Reuters, Pat Gelsinger - Giám đốc điều hành Intel bình luận: "Các chính phủ trên khắp thế giới đang làm việc với tốc độ lịch sử để hồi sinh ngành sản xuất chất bán dẫn và đảm bảo chuỗi cung ứng mạnh mẽ, linh hoạt. Tại Mỹ, tiến bộ là không thể phủ nhận".

Bộ Thương mại Mỹ đã dành cả năm ngoái để xây dựng một nhóm gồm hơn 140 người và viết các quy tắc để chấp nhận, đánh giá các đơn đăng ký.

Ngoài ra, Bộ Thương mại cũng đang tìm cách đảm bảo Trung Quốc sẽ không được hưởng lợi từ tài trợ của Mỹ và yêu cầu các công ty xin tài trợ lớn cung cấp quyền truy cập vào dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng cao, đồng thời chia sẻ bất kỳ lợi nhuận dư thừa nào.

Trước đây, Bộ Thương mại Mỹ cho biết các khoản tài trợ trực tiếp dự kiến sẽ nằm trong khoảng từ 5 - 15% tổng vốn đầu tư cho dự án và số tiền tài trợ thường không vượt quá 35% tổng vốn đầu tư cho dự án.

Bà Gina Raimondo nói vào tháng 2: "Chúng tôi sẽ thực hiện quá trình kiểm tra cẩn thận. Chúng tôi sẽ không viết những tấm séc trắng cho bất kỳ công ty nào yêu cầu".

Sau khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định về các dự án xứng đáng, các quan chức phải quyết định số tiền tài trợ trong quỹ của chính phủ.

Đạo luật Chips and Science cũng dành 11 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Điểm tập trung chính sẽ là Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa các Bộ Thương mại, Quốc phòng, Năng lượng và Quỹ Khoa học Quốc gia để thành lập trung tâm "nhằm tích hợp tốt hơn các nỗ lực nghiên cứu và phát triển cùng lực lượng lao động trong hệ sinh thái bán dẫn".

my-hon-460-cong-ty-tim-nguon-tai-tro-tu-dao-luat-chips.jpg
Bộ Thương mại Mỹ cho biết hơn 460 công ty thể hiện sự quan tâm việc giành được nguồn tài trợ từ chính phủ để sản xuất chất bán dẫn - Ảnh: Reuters

Samsung, SK Hynix, TSMC lo ngại về tiêu chí trợ cấp từ đạo luật Chips của Mỹ

TSMC đã liên lạc với chính quyền Biden về hướng dẫn cho đạo luật Chips and Science, làm dấy lên lo ngại về các tiêu chí trợ cấp.

TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.

Các điều kiện để được trợ cấp bao gồm cả chia sẻ lợi nhuận vượt mức với chính phủ Mỹ và những nguồn tin trong ngành cho biết bản thân quy trình đăng ký có thể làm lộ chiến lược bí mật của công ty.

Tổng thống Hàn Quốc - Yoon Suk Yeol cũng nói các tiêu chí này khiến những công ty như Samsung Electronics và SK Hynix lo lắng.

Samsung Electronics và SK Hynix là hai hãng sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới.

TSMC đang đầu tư 40 tỉ USD vào một nhà máy mới ở bang Arizona (Mỹ), hỗ trợ cho các kế hoạch sản xuất chip tại quê hương của chính quyền Biden. Chi tiết về các khoản trợ cấp dự kiến cho nhà máy này chưa được tiết lộ.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ bảo vệ thông tin kinh doanh bí mật và hy vọng rằng yêu cầu chia sẻ lợi nhuận vượt mức sẽ chỉ xảy ra khi các dự án vượt quá đáng kể dòng tiền dự kiến.

Theo các nhà phân tích, Một số nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, gồm cả TSMC và Samsung Electronics, sẽ bị cản trở trong việc mở rộng cơ sở của họ ở Trung Quốc theo đề xuất của Mỹ với các công ty nhận tài trợ để sản xuất chất bán dẫn.

Các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia được Mỹ đề xuất cấm các công ty nhận một phần trong số 52,7 tỉ USD trợ cấp liên bang sử dụng tiền cho các dự án ở "các quốc gia nước ngoài đáng lo ngại", cụ thể là Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên.

Chính quyền Biden sẽ cấm người nhận tài trợ tạo thêm dây chuyền sản xuất mới, hoặc mở rộng năng lực sản xuất của cơ sở cũ hiện tại vượt quá 10%. Mỹ cũng cấm họ thực hiện các giao dịch quan trọng liên quan đến việc mở rộng cơ sở vật chất cho các chip tiên tiến ở các quốc gia đó trong 10 năm kể từ khi nhận được tài trợ.

Những rào cản này cho thấy chính quyền Biden đang tiếp tục gây áp lực như thế nào với tham vọng phát triển chất bán dẫn của Trung Quốc, sau hiệp ước Mỹ - Hà Lan - Nhật Bản nhằm hạn chế xuất khẩu một số máy sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.

Với TSMC, việc thực hiện các quy định mới theo đạo luật Chips and Science có thể dẫn đến việc đình chỉ chương trình mở rộng tại cơ sở sản xuất chip của họ ở Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Arisa Liu, nhà nghiên cứu chất bán dẫn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, chia sẻ với trang SCMP: “Cơ hội để TSMC tiếp tục mở rộng sản xuất ở Trung Quốc là thấp do cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung và mối quan hệ căng thẳng giữa hai bờ eo biển với Đài Loan. Dự kiến TSMC sẽ giảm tốc độ đầu tư vào Trung Quốc và tập trung xây dựng năng lực sản xuất ở Mỹ, Nhật Bản và thậm chí cả châu Âu trong tương lai, với Đài Loan vẫn là trung tâm sản xuất”.

Vào năm 2021, TSMC đã đầu tư 2,89 tỉ USD để mở rộng năng lực sản xuất tại nhà máy chế tạo wafer (đĩa bán dẫn) 28 nanomet ở Nam Kinh nhằm đáp ứng nhu cầu chip ngày càng tăng trong ngành công nghiệp ô tô. Nhà máy này chủ yếu sản xuất các mạch tích hợp tiên tiến sử dụng công nghệ xử lý 12 nanomet và 16 nanomet.

Theo Lucy Chen, Phó chủ tịch của công ty Isaiah Research (Đài Loan), TSMC đã thực hiện các bước chủ động trong việc điều chỉnh năng lực sản xuất của mình để tránh bị hạn chế bởi các lệnh cấm tương tự.

TSMC đang hợp tác với Sony Group Corp và nhà sản xuất phụ tùng ô tô Denso Corp xây dựng một nhà máy trị giá 8,6 tỉ USD ở miền nam Nhật Bản. Công ty Đài Loan cũng đang xây dựng cơ sở trị giá 12 tỉ USD ở thành phố Phoenix (bang Arizona, Mỹ) như một phần của khoản đầu tư tổng thể 40 tỉ USD để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến hơn ở đây.

Theo Arisa Liu, yêu cầu từ Mỹ để nhận trợ cấp dự kiến sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn với các nhà sản xuất chip lớn Hàn Quốc có cơ sở sản xuất hiện tại ở Trung Quốc.

Arisa Liu cho biết: “Các công ty như Samsung Electronics và SK Hynix đầu tư một tỷ lệ cao khả năng sản xuất của họ tại Trung Quốc. Nếu không thể nâng cấp quy trình sản xuất hoặc mở rộng công suất, hoạt động kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Samsung Electronics vận hành một nhà máy sản xuất chip ở Tây An (thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), nơi sản xuất hơn 40% tổng số chip nhớ flash NAND của công ty.

SK Hynix điều hành nhà máy ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, đóng vai trò là trung tâm sản xuất ở khu vực, nơi sản xuất khoảng một nửa sản lượng chip DRAM của công ty.

Samsung Electronics đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở bang Texas (Mỹ) có thể tiêu tốn hơn 25 tỉ USD. Trong khi SK Group, công ty mẹ của SK Hynix, công bố kế hoạch đầu tư 15 tỉ USD vào ngành công nghiệp chip Mỹ hồi năm ngoái.

Bài liên quan
Samsung và Intel nói dư thừa chip bắt đầu giảm, phục hồi nhu cầu ngoài ngành AI vẫn ảm đạm
Từ Intel đến Samsung Electronics, các nhà sản xuất chip toàn cầu đang vui mừng khi bắt đầu kết thúc tình trạng dư thừa lượng chip, nhưng triển vọng phục hồi nhu cầu từ khách hàng bên ngoài ngành trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn ảm đạm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ: Hơn 460 công ty muốn tìm nguồn tài trợ từ đạo luật Chips trị giá 52,7 tỉ USD