Ông trùm truyền thông ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông - Jimmy Lai lĩnh án 14 tháng tù giam sau khi bị kết tội tụ tập trái phép.
Ông Jimmy Lai (năm nay 73 tuổi, nhà sáng lập tờ Apple Daily, chủ tập đoàn truyền thông NextDigital) là một trong số các nhà hoạt động bị kết tội liên quan đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2019.
Tỷ phú truyền thông Jimmy Lai liên tục vận động ủng hộ nền dân chủ ở Hồng Kông, là người chỉ trích Trung Quốc dữ dội, bị bắt tại nhà riêng hồi tháng 8.2020 và giam giữ đợt đến phiên xét xử vào tháng 4.2021.
Ngày 11.12.2020, truyền thông Hồng Kông cho biết ông Jimmy Lai bị buộc tội vi phạm luật an ninh quốc gia với cáo buộc thông đồng với lực lượng nước ngoài và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Ông Jimmy Lai và một số nhà hoạt động khác đã bị kết án hôm 16.4.2021 vì tham gia hai cuộc biểu tình, vào 18.8 và 31.8.2019.
Ngoài ông Jimmy Lai còn có nhà vận động kỳ cựu Martin Lee (82 tuổi) và luật sư Margaret Ng (73 tuổi), những người bị án tù treo.
Phán quyết này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng đàn áp các quyền và tự do của Hồng Kông.
Đầu tuần này, tờ Apple Daily của Jimmy Lai đã đăng một bức thư viết tay của ông, được gửi từ nhà tù, có nội dung: "Trách nhiệm của chúng tôi là các nhà báo đi tìm công lý. Miễn là chúng tôi không bị những cám dỗ bất chính làm mờ mắt, miễn là chúng tôi làm không để cái ác xâm nhập chúng ta, chúng ta đang hoàn thành trách nhiệm của mình".
Cựu nghị sĩ Lee Cheuk-yan cũng bị bỏ tù vì hai cuộc biểu tình.
Ông Jimmy Lai phải đối mặt với 6 tội danh khác - 2 trong số đó được áp đặt theo Luật An ninh quốc gia của Hồng Kông, có thể chịu mức án tù tối đa là chung thân. Các công tố viên có thể buộc tội thêm với nhà sáng lập tờ Apple Daily.
Luật an ninh quốc gia do Trung Quốc áp dụng ở Hồng Kông từ cuối tháng 6.2020 đã hình sự hóa sự ly khai và lật đổ. Đầu tháng này, Trung Quốc đã đại tu các quy tắc bầu cử của Hồng Kông để đảm bảo lòng trung thành hơn với đại lục.
Một số nhà hoạt động lâu năm và nổi tiếng nhất đã có mặt tại tòa. Ngoại trừ Jimmy Lai, tất cả họ đều từng được bầu làm nhà lập pháp.
Ở tuổi 82, ông Martin Lee là bị cáo lớn tuổi nhất. Thường được gọi là "cha đẻ của nền dân chủ" ở Hồng Kông, ông Martin Lee cũng là luật sư cao cấp nhất trong thành phố.
Tòa án chật kín gia đình, bạn bè và những người ủng hộ họ. Trước khi bắt đầu phiên điều trần, một số người đã đứng dậy, vẫy tay chào các bị cáo và giơ ngón tay cái.
Jimmy Lai tỏ ra bình tĩnh trong khi bị tuyên án, dù hôm nay ông bị buộc thêm hai tội danh bổ sung.
Một trong những phần nổi bật nhất của phiên điều trần là bài phát biểu của Margaret Ng, nữ luật sư từng là nhà lập pháp đại diện cho nghề luật trong gần hai thập kỷ.
Dựa theo một câu nói của Thomas More, người đã bị xử tử bởi Vua Henry VIII, Margaret Ng nói: "Tôi tôn trọng người phục vụ tốt cho luật pháp nhưng trước hết là của nhân dân. Vì luật pháp phải phục vụ nhân dân, chứ không phải vì nhân dân mà làm luật".
Có một tràng pháo tay từ người dự phiên tòa sau bài phát biểu của bà.
Trong khi tuyên án, thẩm phán nói: "Hành động có hậu quả cho tất cả mọi người bất kể họ là ai".
5 bị cáo phải ngồi tù vì họ không được hưởng án treo. Khi họ rời tòa, nhiều người đã vẫy tay và hô: "Hãy mạnh mẽ lên!".
Họ đã bị kết án vì điều gì?
Bản án là một phần của một loạt các phiên tòa liên quan đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quy mô lớn 2 năm trước.
Vào năm 2019, các cuộc biểu tình đã lên đến đỉnh điểm với làn sóng biểu tình căng thẳng nhất trong nhiều năm, thường kết thúc bằng bạo lực lan rộng giữa cảnh sát và các nhà hoạt động.
Các nhà vận động ủng hộ dân chủ đã bị kết tội tổ chức hội họp trái phép vào đầu tháng này.
Nhóm bảo vệ của họ đã lập luận rằng quyền tự do hội họp được bảo vệ theo hiến pháp của Hồng Kông và các nhà chức trách đã chấp thuận cuộc tuần hành mà sau đó đã trở thành biểu tình trái phép.
Bên công tố lập luận rằng quyền tự do hội họp - mặc dù được quy định trong hiến pháp - không phải là tuyệt đối ở Hồng Kông.
Mỹ lên án việc bỏ tù ông Jimmy Lai và các nhà hoạt động Hồng Kông
Mỹ đã lên án việc kết án ông trùm truyền thông Jimmy Lai và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ khác, gọi đó là “cáo buộc có động cơ chính trị”.
Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken cho biết: "Chính quyền Bắc Kinh và Hồng Kông đang nhắm vào người Hồng Kông khi họ không làm gì khác hơn là thực hiện các quyền được bảo vệ và các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do hội họp hòa bình và tự do ngôn luận".
"Các bản án là một ví dụ khác về cách Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông làm suy yếu các quyền được bảo vệ và các quyền tự do cơ bản được đảm bảo bởi Luật Cơ bản và Tuyên bố chung Trung-Anh trong nỗ lực loại bỏ mọi hình thức bất đồng", ông Antony Blinken nói thêm.