Một số chuyên gia quân sự cảnh báo đội tàu hàng và tàu cá khổng lồ của Trung Quốc nếu trang bị tên lửa giấu trong container có thể trở thành tàu chiến.

Mỹ lo ngại nguy cơ Trung Quốc giấu tên lửa trên tàu hàng

Cẩm Bình | 09/12/2021, 10:15

Một số chuyên gia quân sự cảnh báo đội tàu hàng và tàu cá khổng lồ của Trung Quốc nếu trang bị tên lửa giấu trong container có thể trở thành tàu chiến.

Container chứa tên lửa được lén lút đưa lên tàu cùng hàng trăm container thông thường khác. Số lượng tàu hàng quá lớn giúp chúng khó bị phát hiện hơn tàu chiến khi chiến tranh nổ ra.

Giống như con ngựa thành Troy, tàu hàng trang bị tên lửa sẽ đi vào hoặc di chuyển gần cảng biển của kẻ địch rồi tiến hành tấn công bất ngờ.

Nhà phân tích Rick Fisher thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá quốc tế (IASC) cho biết dù chưa hề chính thức xác nhận, nhưng dường như Trung Quốc có vũ khí như vậy.

Trước đây, cựu đại tá tình báo Jim Fanell từng nhắc nhở tên lửa chống hạm giấu trong container sẽ đem lại mối đe dọa đáng kể cho hải quân Mỹ.

Vũ khí vi phạm luật quốc tế

Mô hình mô phỏng tên lửa giấu trong container xuất hiện lần đầu tiên tại một triển lãm vũ khí năm 2016, từ đó làm dấy lên đồn đoán về khả năng quân đội Trung Quốc nay đã sở hữu loại vũ khí này.

ch01.jpg
Mô hình tên lửa giấu trong container tại một triển lãm năm 2016 - Ảnh: The Sun

Nhà phân tích Fisher tin rằng tên lửa nói trên phù hợp với chiến lược quân sự của Bắc Kinh, có thể được trang bị trên các tàu nhỏ chẳng có gì đáng nghi để thực hiện nhiệm vụ tấn công bất ngờ hệ thống phòng thủ bờ biển, hỗ trợ lực lượng đổ bộ theo sau.

Chúng cũng có thể lén lút nằm trên tàu chờ nhập cảng hay nằm trong cảng hàng năm trời, đặt loạt căn cứ Mỹ trong tầm ngắm, rồi được lấy ra sử dụng lúc cần thiết.

Theo nhà phân tích Fisher, tên lửa giấu trong container đem lại cho giới lãnh đạo Trung Quốc nhiều lựa chọn sử dụng: đặt trên tàu hàng lớn, hoặc trên hàng nghìn tàu cá, hoặc trong container ở cảng, dùng chúng trong nhiệm vụ quân sự hoặc gieo rắc hỗn loạn.

Lấy ví dụ tên lửa giấu trong container được cất giữ tại cảng Seattle. Một tên lửa mang đầu đạn xung điện từ (EMP) đủ sức vô hiệu hóa thiết bị điện tử trên các tàu ngầm neo đậu ở một căn cứ gần đó, không cần phóng tên lửa từ Trung Quốc.

“Mỹ sẽ rơi vào hỗn loạn, không biết đáp trả ai, và có lẽ Trung Quốc sẽ lợi dụng tình hình để triển khai hoạt động thực sự: tấn công quân sự Đài Loan”, theo nhà phân tích Fisher.

Giới chức Mỹ xác định tên lửa giấu trong container của Trung Quốc là loại tên lửa chống hạm YJ-18C – một phiên bản của Club-K Nga. Chúng đặt vừa container tiêu chuẩn rộng 2,4 mét - cao 2,6 mét - dài 6 hoặc 7 mét.

ch00.jpg
Rất khó phát hiện container mang tên lửa trong số rất nhiều container - Ảnh: The Sun

Theo một ảnh động đăng tải trên mạng, lúc cần sử dụng phần trên container mở ra để lộ bệ phóng Club-K, phần phía trước cũng mở cho phép hệ thống dẫn đường hoạt động.

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) xác định vận tốc của Club-K lên đến Mach 3 – nhanh gấp 3 lần vận tốc âm thanh, vào khoảng 3.700 km/giờ.

Thông tin về tên lửa giấu trong container rất ít. Cho đến nay chỉ mới có hình ảnh về một vụ thử do Israel thực hiện.

Loạt cảng biển ở bờ đông và bờ tây nước Mỹ đón rất nhiều tàu hàng Trung Quốc. Cựu đại tác Fanell cho rằng nếu thông tin đối thủ châu Á sở hữu tên lửa giấu trong container được xác thực, Mỹ cần lập nên cơ chế kiểm tra tàu hàng mới đối với tất cả tàu cắm cờ Trung Quốc cập cảng Mỹ.

Theo Trung tâm Luật quốc tế Stockton, lén lút đưa vũ khí lên tàu dân sự có thể là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đem lại nguy hiểm cho thuyền viên trên tàu dân sự và lẫn cho tất cả tàu dân sự hoạt động trong khu vực nổ ra xung đột.

Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ lo ngại nguy cơ Trung Quốc giấu tên lửa trên tàu hàng