Sự ủng hộ ngoại giao mà Honduras dành cho Đài Loan đang bị đe dọa, và Mỹ quyết không khoanh tay đứng nhìn.
Tuần trước, nữ chính trị gia Xiomara Castro đã thắng cử Tổng thống Honduras. Trong chiến dịch tranh cử, bà từng cam kết thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nếu lên nắm quyền – động thái khiến số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan giảm xuống 14.
Một đối tác liên minh cùng một cố vấn của nữ chính trị gia Castro sau đó đã đổi ý không muốn “bỏ Đài theo Trung”, nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng Honduras cuối cùng sẽ ngả về phía Trung Quốc.
Cạnh tranh Mỹ - Trung trong tăng cường ảnh hưởng ở Trung Mỹ - khu vực vốn là “sân sau” của Washington - ảnh hưởng đến động thái chuyển dịch của Honduras. Giáo sư R.Evan Ellis thuộc Cao đẳng quân sự Lục quân Mỹ (USAWC) cho biết: “Sự chấm dứt thế giằng co ngoại giao giữa Trung Quốc và Đài Loan, nhu cầu tài chính của các chính phủ Trung Mỹ, tầm quan trọng về kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, ngoại giao vắc xin COVID-19 đẩy các nước trong khu vực rời xa Mỹ hướng đến Trung Quốc. Một lý do nữa là nhiều nhà lãnh đạo dân túy trỗi dậy”.
5 năm qua, Trung Quốc thành công trong việc khiến 3 quốc gia ở Trung Mỹ và Caribbean từ bỏ Đài Loan bao gồm El Salvador, Panama, Cộng hòa Dominica.
Nhưng kể từ khi El Salvador “bỏ Đài theo Trung” năm 2018, Mỹ đẩy mạnh nỗ lực “phản công”.
Washington triệu hồi Đại sứ tại El Salvador đồng thời đưa hàng loạt quan chức El Salvador mà họ cáo buộc có hành vi tham nhũng hoặc phi dân chủ vào danh sách trừng phạt. Giới phân tích nhận định Mỹ có thể làm bất cứ điều gì để ngăn Honduras xích lại gần Trung Quốc. Bởi, không chỉ vì Đài Loan, Honduras cũng rất quan trọng đối với Mỹ về mặt chiến lược. Nước này là nơi đặt căn cứ không quân của lực lượng Đặc nhiệm chung Bravo – đơn vị quân sự chủ chốt mà Mỹ dùng cho cuộc chiến chống mạng lưới ma túy tại Mỹ Latinh.
Theo giáo sư Antonio Yang, Đại học Quốc phòng quốc gia Honduras: “Mỹ sẽ không để Honduras đổi phe vì Honduras rất quan trọng với an ninh nội địa Mỹ”.
Ngay trước lúc bầu cử Tổng thống Honduras diễn ra, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề ở Tây bán cầu Brian Nichols đã bay sang gặp mặt nữ chính trị gia Castro, dường như nhằm mục đích ngăn bà ngả về Trung Quốc. Người phát ngôn của tân Tổng thống Honduras từ chối bình luận về cuộc gặp.
Tương quan Mỹ - Trung
Kinh tế Honduras luôn phải đối mặt với nạn buôn bán ma túy, tham nhũng và bạo lực băng đảng. Tăng trưởng năm ngoái là - 9%.
Mỹ vẫn là đối tác quan trọng và thị trường lớn nhất của Honduras: 1/4 GDP đất nước đến từ kiều hối – chủ yếu từ Mỹ, 1/3 xuất khẩu (trong đó có cà phê, chuối, đường) đi sang Mỹ.
Nhưng Trung Quốc cũng rất tích cực mở rộng ảnh hưởng kinh tế. Năm ngoái, các công ty quốc doanh Trung Quốc đã hoàn thành dự án xây dựng một đập thủy điện 105 megawatt ở Honduras. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy 4% nợ nước ngoài của Honduras là từ Trung Quốc, nợ từ Mỹ chỉ có 0,01%.
Nhà phân tích Margaret Myers, thuộc tổ chức nghiên cứu Đối thoại liên châu Mỹ cho biết "Trung Quốc thúc đẩy quan hệ ở cấp địa phương rất mạnh mẽ, chẳng hạn như xúc tiến thương mại hay tổ chức hoạt động giữa các thành phố kết nghĩa”.
Lúc tranh cử Tổng thống Honduras, nữ chính trị gia Castro nhấn mạnh thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đem lại cho Honduras nhiều cơ hội kinh tế, vắc xin COVID-19 và cả thuốc giá rẻ do Trung Quốc điều chế. Tuy nhiên, phần lớn giới doanh nghiệp của Honduras vẫn muốn duy trì quan hệ với Đài Loan, vì sợ mối quan hệ thiết yếu với Mỹ bị tổn hại.
Ông Luis Larach - người sở hữu vài doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, năng lượng, bất động sản - cho rằng Honduras nên tập trung thu hút doanh nghiệp Mỹ chuyển nhà máy từ châu Á đến nước này (tận dụng lợi thế khoảng cách địa lý gần) để phát triển kinh tế.
“Tiềm năng phát triển kinh tế lớn của chúng ta là với Mỹ. Quan hệ ngoại giao với Đài Loan có lợi cho chúng ta và khu vực, tôi nghĩ nên duy trì”, theo ông Larach.
Nhà phân tích Myers cũng nhắc nhở sự ủng hộ ngoại giao dành cho Đài Loan là đòn bẩy hữu ích để thu hút sự ủng hộ từ Mỹ hoặc ít nhất là ít bị Mỹ chỉ trích hơn. Hơn nữa, tầm quan trọng của Honduras đối với Trung Quốc sẽ giảm đi khi quan hệ ngoại giao được thiết lập.
“Đây là đòn bẩy duy nhất họ có. Một khi đã dùng thì sẽ không còn nữa”, theo nhà phân tích Myers.