Reuters dẫn nguồn tin cho biết Liên bang Micronesia sẽ nhận tài trợ Mỹ để xây dựng một tuyến cáp viễn thông ngầm, sau khi từ chối để cho một đơn vị Trung Quốc bị giới chức Mỹ xác định là mối đe dọa an ninh nhận thầu lắp đặt.

Mỹ tài trợ cho 1 tuyến cáp ngầm tại Thái Bình Dương trước mối lo về Trung Quốc

Cẩm Bình | 03/09/2021, 15:18

Reuters dẫn nguồn tin cho biết Liên bang Micronesia sẽ nhận tài trợ Mỹ để xây dựng một tuyến cáp viễn thông ngầm, sau khi từ chối để cho một đơn vị Trung Quốc bị giới chức Mỹ xác định là mối đe dọa an ninh nhận thầu lắp đặt.

Tuyến cáp nối giữa 2 bang Kosrae và Pohnpei dự kiến nhận 14 triệu USD từ Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ (ARP) – gói tài chính do Tổng thống Joe Biden lập ra nhằm triển khai nỗ lực giảm thiểu tác động về kinh tế lẫn y tế của đại dịch COVID-19 ở trong lẫn ngoài nước.

Micronesia không xác nhận thông tin Mỹ tài trợ lắp cáp, nhưng cho biết trước đó đã cam kết cung cấp dịch vụ cáp quang cho bang Kosrae và xa hơn nữa là kết nối với 2 đảo quốc Nauru, Kiribati. Phía Bộ Ngoại giao Mỹ cũng từ chối bình luận.

ak_ps_030921.jpg
Cáp ngầm là mặt trận cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc vài năm gần đây - Ảnh: Reuters

Tuyến cáp Kosrae - Pohnpei vốn là một phần trong dự án East Micronesia Cable trị giá gần 73 triệu USD do Ngân hàng Thế giới (WB) cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ trước đây.

East Micronesia Cable dự kiến kết nối 3 đảo quốc Thái Bình Dương Micronesia, Nauru, Kiribati. Nhưng vào tháng 6, dự án nhận phải phản đối kịch liệt từ Mỹ do hợp đồng được trao cho đơn vị Trung Quốc Huawei Marine.

Huawei Marine có tên trong Entity List - danh sách đối tượng mà Washington xác định có liên quan hoặc có khả năng tham gia hoạt động đi ngược lại lợi ích, an ninh quốc gia Mỹ.

Trong suốt quá trình đấu thầu năm ngoái, Washington đã trình bày chi tiết những lo ngại của mình trong một công hàm gửi tới Micronesia – đảo quốc có thỏa thuận phòng thủ quân sự hàng thập kỷ với Mỹ.

Mỹ lưu ý rằng công ty Trung Quốc đem lại mối đe dọa an ninh vì họ có thể bị yêu cầu hợp tác với an ninh và tình báo của Bắc Kinh. Hơn nữa dự án được thiết kế để liên kết cùng tuyến cáp ngầm HANTRU-1 Mỹ sử dụng liên lạc với Guam.

Cáp ngầm trở thành mặt trận mới và nhạy cảm bậc nhất trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung tại Thái Bình Dương vài năm gần đây.

Hệ thống đường dây đặt dưới biển có dung lượng dữ liệu lớn hơn vệ tinh nên sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng thông tin liên lạc giữa loạt đảo quốc trong khu vực. Washington vì vậy đặc biệt lo ngại nguy cơ Bắc Kinh lợi dụng cáp ngầm tiến hành hoạt động do thám.

Bài liên quan
Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua năng lượng xanh với giá lắp đặt tua-bin gió bằng 1/5 so với Mỹ
Điện gió đang phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc với giá lắp đặt tua-bin gió giảm gần 45% nhờ những tiến bộ công nghệ và lợi thế về quy mô, theo các tài liệu đấu thầu của chính phủ nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ tài trợ cho 1 tuyến cáp ngầm tại Thái Bình Dương trước mối lo về Trung Quốc