Đại diện thương mại Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin chuẩn bị bay sang Thượng Hải hội kiến Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong hai ngày 30 - 31.7.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết hai bên dự kiến thảo luận hàng loạt vấn đề, bao gồm sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, hàng rào phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, thâm hụt thương mại.
Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận thông tin trên. Đây sẽ là lần làm việc trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí nối lại đàm phán.
Thông tin tổ chức cuộc gặp Thượng Hải xuất hiện sau khi giới chức Bắc Kinh vào tuần trước công bố kế hoạch tăng nhập đậu nành. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong hôm 19.7 cho biết“một số công ty Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục mua nông sản Mỹ. Họ đã hỏi giá và sẽ sớm ký hợp đồng. Hoạt động mua bán do chính các công ty quyết định theo quy luật thị trường”.
Chọn Thượng Hải làm địa điểm đàm phán được Bộ trưởng Mnuchin đánh giá là một quyết định mang tính biểu tượng. Tại thành phố này vào năm 1972, Mỹ - Trung ra thông cáo chung khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ song phương.
Chuyên gia kinh tế Thẩm Kiến Quang thuộc tập đoàn JD nhận định, thông qua động thái đổi từ Bắc Kinh sang Thượng Hải, Trung Quốc muốn tập trung vào vấn đề kỹ thuật như tăng nhập hàng Mỹ hay nới lỏng cấm vận đối với Huawei thay vì vấn đề chính trị khó thương lượng hơn.
“Cuộc gặp Thượng Hải sẽ chỉ đem lại bước tiến nhỏ”, theo chuyên gia Thẩm.
Nhà phân tích Thường Kiến thuộc Ngân hàng Barclays xem sự lựa chọn Thượng Hải như dấu hiệu cho thấy lần làm việc sắp diễn ra hướng đến mục tiêu nhỏ, đạt thỏa thuận về chuyện xuất nhập khẩu chứ không phải vấn đề thay đổi mô hình kinh tế Trung Quốc. Ông nhấn mạnh: “Rõ ràng Trung Quốc chuẩn bị cho kịch bản đàm phán kéo dài”.
Cẩm Bình (theo Reuters, SCMP)