Trong hai ngày 27, 28.8 tại Lầu Năm Góc, các quan chức quân sự Mỹ -Trung Quốc (TQ) sẽ nói chuyện về quy tắc ứng xử, sau khi Mỹ tố cáo chiến đấu cơ TQ bay sát gây nguy hiểm cho một máy bay tuần tra của hải quân Mỹ.  

Mỹ - Trung tìm cách tránh đụng độ trên không trung

Một Thế Giới | 26/08/2014, 13:13

Trong hai ngày 27, 28.8 tại Lầu Năm Góc, các quan chức quân sự Mỹ -Trung Quốc (TQ) sẽ nói chuyện về quy tắc ứng xử, sau khi Mỹ tố cáo chiến đấu cơ TQ bay sát gây nguy hiểm cho một máy bay tuần tra của hải quân Mỹ.  

Một quan chức quân sự Mỹ giấu tên cho Reuters biết, trong cuộc họp Mỹ - Trung có một nhóm làm việc, sẽ bàn luận về những tiêu chuẩn ứng xử đa phương hiện có về các hoạt động hàng hải và hàng không.  
Theo quan chức này, cuộc họp Mỹ - Trung từ ngày mai đã được lên kế hoạch từ trước các vụ bay sát của chiến đấu cơ TQ trong các tháng 3, 4 và 5. 
Nhưng chúng vẫn khiến Mỹ quan ngại về hành vi quân sự của TQ, rằng một sự khiêu khích từ phía TQ có thể bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng rộng hơn, nếu như có một tính toán quân sự sai lầm trên vùng biển Đông đang có tranh chấp.

TQ đang đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ biển Đông nhiều dầu khí và hải sản, trong khi Việt Nam, Philippines, Brunei, Đài Loan và Malaysia cũng tuyên bố có phần chủ quyền trên vùng biển này.

Ngày 19.8, chiến đấu cơ J-11 của TQ bay “nhào lộn” ngay trước mũi chiếc máy bay do thám-chống ngầm P-8 Poseidon của Mỹ trên không phận quốc tế vùng biển Đông, cách 220 km  về phía đông đảo Hải Nam (TQ) theo Lầu Năm Góc. Có lúc chiếc J-11 bay chỉ cách chiếc P-8 khoảng 9m.

Theo Tân Hoa xã, Bộ Quốc phòng TQ bác bỏ cáo buộc của Mỹ là “không có cơ sở”, đồng thời khẳng định chiếc J-11 “giám sát ở khoảng cách an toàn” và tố cáo “chiến dịch do thám quy mô lớn của Mỹ là nguồn gốc của các tai nạn đe dọa an ninh hàng không và hàng hải”.

Bộ ngoại giao TQ nói “Các vụ do thám quy mô lớn và rất thường xuyên chống TQ của Mỹ là nguyên nhân các tai nạn cho an ninh quân sự trên biển và trên không giữa TQ và Mỹ”.

Nhưng bà Jen Psaki, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói Mỹ “hoạt động minh bạch” và “Chúng tôi muốn các nước khác, gồm TQ, phải cảnh giác về các kế hoạch của chúng tôi”.

Quân đội Mỹ-Trung đã tăng cường liên lạc trong vài năm qua, vào lúc TQ muốn mở rộng quyền lợi kinh tế nên sẽ muốn giữ một vai trò an ninh lớn hơn trên thế giới, và tương tác nhiều hơn với quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, các vụ bay sát cho thấy những mối quan hệ tăng cường chưa làm giảm được sự bất đồng giữa hai bên.

Có nhiều khả năng những cuộc đụng độ tương tự sẽ tái diễn và lần tới, rất có thể một cú va chạm như năm 2001 lặp lại và căng thẳng sẽ bùng lên.

Tháng 4.2001, một chiến đấu cơ F-8 của TQ bay sát  chiếc máy bay do thám EP-3E của Mỹ trên bầu trời biển Đông. Cú va chạm khiến một phi công TQ thiệt mạng và chiếc máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.

Bắc Kinh giam giữ 24 thành viên phi hành đoàn Mỹ 11 ngày cho đến khi Washington phải xin lỗi. Vụ này làm quan hệ Mỹ - Trung mang vị chua trong những ngày đầu của chính phủ Tổng thống Mỹ George Bush.

Tháng 3.2009, tàu thăm dò Impeccable của hải quân Mỹ tới hoạt động nơi được cho là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của TQ trên biển Đông. Khi đó năm tàu chiến TQ bao vây chiếc Impeccable để ép tàu Mỹ phải rời khỏi khu vực trên. Họ còn thả nhiều thanh gỗ lớn xuống biển để phá hoại tàu Impeccable.

Sau đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh triển khai tàu khu trục tên lửa Chung-Hoon tới biển Đông bảo vệ tàu Impeccable.

Hồi tháng 12.2013, một tàu đổ bộ của hải quân TQ áp sát tàu khu trục tên lửa Cowpens của Mỹ, khi nó đang quan sát một cuộc tập trận của TQ trên hải phận quốc tế ở biển Đông. Tàu Cowpens đã phải né để tránh va chạm.

Gần đây hơn, cuộc tập trận RIMPAC 2014 diễn ra ở Hawaii hồi tháng 7, TQ cử một tàu do thám lớp Dongdiao tới gần Hawaii để theo dõi mọi hoạt động của hải quân các nước.

Khi đó, đô đốc Samuel Locklear - tư lệnh chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM) - tuyên bố hoan nghênh sự hiện diện của tàu do thám TQ. “Đây là một quyền cơ bản của các nước - đô đốc Locklear nhấn mạnh. Bắc Kinh khẳng định hoạt động của tàu do thám này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Báo cáo tháng 6.2013 của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung (USCC) khẳng định quân đội TQ cũng thường xuyên do thám, thu thập thông tin tình báo ở EEZ các quốc gia khác: “Sự hiện diện của hải quân Trung Quốc tại EEZ nước ngoài chắc chắn sẽ leo thang khi quân đội nước này tiếp tục hiện đại hóa lực lượng và cải thiện năng lực hoạt động tầm xa”.

Theo báo Yomiuri Shimbun (Nhật Bản), vụ bay sát ngày 19.8 là cách phô trương không lực TQ, nhấn mạnh quyết tâm khẳng định sự thống trị không phận khu vực của chính phủ Chủ tịch TQ Tập Cận Bình.

Báo này nêu hồi tháng 5 và 6, chiến đấu cơ TQ cũng bay nguy hiểm trước máy bay Cục phòng vệ Nhật (SDF) trên biển Hoa Đông. Và một nguồn tin thân cận giới quân sự TQ cho Yomiuri Shimbun biết: “Tôi chưa bao giờ nghe có phi công nào bị kỷ luật” sau khi họ thực hiện các vụ khiêu khích này.

Nguồn tin nói không thể cản được sự khiêu khích, vì Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng sức mạnh không quân để có thể so kè với sức mạnh không quân Mỹ. 
Trần Trí (theo Reuters, Yomiuri Shimbun)
Bài liên quan
Cựu CEO Google từng định mua TikTok, nêu 4 lý do khiến Trung Quốc đi sau Mỹ về AI
Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Google, cho biết ông từng cân nhắc khả năng mua TikTok nhưng hiện đã từ bỏ ý định sở hữu ứng dụng chia sẻ video ngắn nổi tiếng của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phát triển đồng bằng sông Hồng: Phải thoát tư duy cũ, chú trọng đổi mới sáng tạo
một phút trước Nhịp đập khoa học
Phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của vùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ - Trung tìm cách tránh đụng độ trên không trung