Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học Iran từ lâu bị phương Tây nghi ngờ là điều hành chương trình bom hạt nhân bí mật đã bị giết trong một cuộc phục kích gần Tehran hôm 27.11, có thể kích động cuộc đối đầu giữa Iran và chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp mãn nhiệm.
Truyền thông Iran cho biết những kẻ ám sát đã dùng súng bắn Mohsen Fakhrizadeh trong ô tô và ông đã chết ở bệnh viện sau đó. Vụ việc này sẽ làm phức tạp thêm bất kỳ nỗ lực nào của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden nhằm hồi sinh di sản trong nhiệm kỳ Barack Obama.
Iran chỉ tay về phía Israel, trong khi ám chỉ vụ giết người do sự ra đi của ông Trump.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran - Javad Zarif đã viết trên Twitter rằng “có những dấu hiệu nghiêm trọng về vai trò của Israel”.
Hossein Dehghan, cố vấn quân sự của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, thề sẽ "tấn công như sấm sét vào những kẻ giết người tử vì đạo bị áp bức này".
“Trong những ngày cuối cùng cuộc đời chính trị của... đồng minh họ (Trump), những người theo chủ nghĩa Zionists (Chủ nghĩa phục quốc Do Thái – ám chỉ Israel) tìm cách tăng cường áp lực lên Iran và tạo ra một cuộc chiến toàn diện", Hossein Dehghan viết trên Twitter.
Theo Reuters, các kênh của ứng dụng Telegram được cho là thân cận với Lực lượng Vệ binh Cách mạng ưu tú của Iran đã báo cáo rằng cơ quan an ninh hàng đầu, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao, đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các chỉ huy quân đội cấp cao.
Israel, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ, CIA và nhóm chuyển tiếp của Biden đều từ chối bình luận về chuyện này.
Các cơ quan tình báo phương Tây và Israel trong nhiều năm mô tả
Mohsen Fakhrizadeh là thủ lĩnh bí ẩn của chương trình bom nguyên tử bí mật bị tạm dừng vào năm 2003. Israel và Mỹ cáo buộc Iran đang cố gắng khôi phục chương trình này. Dù vậy, Iran từ lâu đã phủ nhận việc tìm cách vũ khí hóa năng lượng hạt nhân.
“Thật không may, nhóm y tế đã không thành công trong việc cứu sống Fakhrizadeh. Nhà quản lý và nhà khoa học này đã đạt được danh hiệu cao của người tử vì đạo sau nhiều năm nỗ lực và đấu tranh”, lực lượng vũ trang Iran cho biết.
Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim cho biết "những kẻ khủng bố đã cho nổ một chiếc ô tô khác" trước khi bắn vào chiếc xe chở Mohsen Fakhrizadeh và các vệ sĩ của ông trong một cuộc phục kích bên ngoài Thủ đô Tehran, Iran.
Các nhân chứng cho biết sau đó có sự hiện diện đông đảo của lực lượng an ninh chặn ô tô ở Tehran để tìm kiếm những kẻ giết người.
Sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20.1.2021, ông Trump đã rút Mỹ khỏi một thỏa thuận hạt nhân với Iran đạt được dưới thời Obama. Obama từng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.
Biden nói rằng ông sẽ đặt mục tiêu khôi phục thỏa thuận đó, dù nhiều nhà phân tích cho rằng đây sẽ là mục tiêu đầy thách thức.
Robert Malley, người từng là cố vấn về Iran cho Obama và cố vấn không chính thức cho nhóm chuyển tiếp của Biden, nói việc giết Mohsen Fakhrizadeh nằm trong số một loạt các động thái đã xảy ra trong những tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ của Trump dường như nhằm mục đích khiến Biden khó tái tương tác với Iran hơn.
“Một mục đích đơn giản là gây thiệt hại nhiều nhất cho Iran về mặt kinh tế và chương trình hạt nhân trong khi họ có thể. Mục đích khác có thể làm phức tạp khả năng của Tổng thống đắc cử Biden trong việc nối lại ngoại giao và nối lại thỏa thuận hạt nhân”, Robert Malley nói và cho biết thêm rằng ông sẽ không suy đoán xem ai đứng sau vụ giết Mohsen Fakhrizadeh.
Một quan chức Mỹ xác nhận trong tháng này rằng ông Trump đã yêu cầu các trợ lý quân sự lên kế hoạch cho cuộc tấn công có thể xảy ra vào Iran. Dù vậy, các trợ lý đã khuyên ông Trump từ bỏ việc này để tránh cuộc xung đột với Trung Đông sâu lớn hơn.
Vào tháng 1.2020, ông Trump đã ra lệnh cho cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Baghdad, giết chết tướng Qassem Soleimani, chỉ huy quân sự quyền lực nhất Iran.
Iran trả đũa bằng cách bắn tên lửa vào căn cứ của Mỹ ở Iraq sau đó.
Thượng nghị sĩ Mỹ - Chris Murphy, thành viên đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, viết trên Twitter: “Vụ ám sát này không làm cho nước Mỹ, Israel hay thế giới an toàn hơn”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - Antonio Guterres kêu gọi kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng, phát ngôn viên của ông cho biết.
Đặc phái viên Iran ở Liên Hợp Quốc, Majid Takht Ravanchi cho biết trong bức thư gửi Antonio Guterres rằng Tehran “bảo lưu quyền thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết” để tự vệ. Ông cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ giết người và thực hiện các bước "chống lại thủ phạm".
Mohsen Fakhrizadeh không có hồ sơ công khai, nhưng được cho là đứng đầu chương trình hạt nhân bí mật của Iran được phát triển từ năm 1999 đến 2003 có tên Dự án Amad. Theo cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, dự án này đã bị dừng vào năm 2003 nhưng các quan chức Israel đã nhiều lần cảnh báo rằng Iran vẫn chưa từ bỏ ý định có được hạt nhân.
Mohsen Fakhrizadeh là nhà khoa học Iran duy nhất có tên trong “đánh giá cuối cùng” năm 2015 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế về các câu hỏi mở liên quan đến chương trình hạt nhân Iran. Báo cáo cho biết ông đã giám sát các hoạt động, “hỗ trợ một khía cạnh quân sự khả dĩ cho chương trình hạt nhân của Iran”.
Mohsen Fakhrizadeh cũng là nhân vật trung tâm trong bài thuyết trình của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu năm 2018, cáo buộc Iran tiếp tục tìm kiếm vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nói: "Hãy nhớ cái tên đó, Fakhrizadeh" sau khi thông báo rằng Mossad (Cục tình báo nước nhà của Israel) đã lấy được 100.000 file từ kho lưu trữ hạt nhân bí mật của Iran. Các file này tập trung vào Dự án Amad do Fakhrizadeh điều hành. Khi tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran đã phủ nhận rằng có một chương trình như vậy.
Michael Mulroy, quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc trong chính quyền Trump, nói việc giết Fakhrizadeh sẽ làm lùi chương trình hạt nhân của Iran và mức độ cảnh báo cần được nâng lên ở các quốc gia mà Iran có thể trả đũa.
Sheikh Naim Qassem, phó lãnh đạo phong trào Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Li Băng, đã cho rằng cuộc tấn công kinh khủng này do những kẻ được Mỹ và Israel tài trợ trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Al Manar, đồng thời nói Iran chuẩn bị trả thù
Trong những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump, Israel đã làm hòa với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh có chung thái độ thù địch Iran.
Tuần này, Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu đã đến Ả Rập Xê út và gặp thái tử của họ. Truyền thông Israel cho biết cuộc gặp mặt này có có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo.