Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bí mật nhà nước, bí mật cá nhân.
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, năm 2018, nhiều nhiệm vụ của Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896) đã hoàn thành.
Cụ thể, 19/20 Nghị quyết Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành đã được ban hành; việc thu thập thông tin dân cư đã đạt khoảng 86%, trong đó có 16 địa phương đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư; Bộ Tư pháp đã cấp được gần 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 địa phương; Bộ Công an cấp 12 triệu thẻ Căn cước công dân tại 16 địa phương...
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan khẩn trương đề xuất phân bổ nguồn vốn để thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng Nghị quyết số 71/2018/NQ-QH ngày 12.11.2018 của Quốc hội, bảo đảm tập trung đầu tư đúng, không dàn trải và phải hiệu quả.
Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2020, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bí mật nhà nước, bí mật cá nhân; tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025… Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục triển khai, chuẩn hóa thông tin, thu thập thông tin dân cư và mở rộng việc cấp số định danh cá nhân tại các địa phương theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc phát hiện, thu thập thông tin, chuẩn hóa và cập nhật kịp thời khi có thay đổi để bảo đảm dữ liệu thông tin dân cư luôn được chính xác. Trong quá trình thu thập dữ liệu dân cư, phải có sự chia sẻ giữa các cơ quan có liên quan về kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc năm 2019, bảo đảm chính xác, không trùng lặp, lãng phí.
Quá trình thu thập thông tin về dân cư có nhiều trường hợp phải đính chính, sửa đổi, bổ sung do thông tin còn thiếu hoặc chưa chính xác. Để xử lý vấn đề này, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xác định đây là nhiệm vụ của mình trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, đăng ký, quản lý cư trú, do vậy phải chủ động xử lý hoặc phối hợp xử lý để tạo thuận lợi cho nhân dân.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài nguyên, dữ liệu dùng chung. Do vậy, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu, quy định cụ thể đối tượng, mức thu… khi xây dựng Thông tư quy định, hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm đúng quy định pháp luật về phí, lệ phí, nhưng phải tạo thuận lợi cho các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính.
Thu Anh