Năm 2021, Chính phủ tiếp tục “mục tiêu kép”, không lơ là trước đại dịch; nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế trong “trạng thái bình thường mới”…
Sáng 23.2, tiếp tục phiên họp thứ 53, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ.
Trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020.
Cùng với đó, hằng năm Chính phủ đều đề ra phương châm hành động, quan điểm điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tiễn, không ngừng đổi mới mạnh mẽ, kiên định, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu được Đảng, Quốc hội đề ra.
Theo ông Dũng, trước tình hình dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất quan điểm điều hành với tinh thần “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”.
Cụ thể là vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong điều kiện “bình thường mới”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay trong suốt nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là năm 2020, nhưng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật.
Trong đó, năm 2018 và 2019, Chính phủ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao; riêng năm 2020, mặc dù gặp tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão, lũ nhưng đã hoàn thành 8/12 chỉ tiêu Quốc hội giao và thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thêm, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, theo đó đề cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương.
Đồng thời, cần tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, không lơ là, chủ quan trước đại dịch; tranh thủ thời cơ, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong “trạng thái bình thường mới” với khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hành động hơn nữa.
Cùng với đó là phát huy trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 và tạo nền tảng vững chắc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ; cơ bản nhất trí với những kết quả tích cực đã đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng Chính phủ đã tích cực, chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ.
Bên cạnh đó là sự đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng chính phủ điện tử.
Chính phủ cũng quyết liệt thúc đẩy hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; thích ứng và ứng phó kịp thời với tình hình, nhất là trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung như các tồn tại, hạn chế trong công tác hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật; những kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Cùng với đó, cần phân tích, làm rõ thêm một số nội dung như về công tác điều hành của Chính phủ trong thực hiện 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế; việc chỉ đạo triển khai các đột phá chiến lược; tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch; việc chậm triển khai các công trình trọng điểm giao thông; cơ cấu thu ngân sách nhà nước; kết quả phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội; việc chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...
Ông Tùng cũng cho rằng cần đánh giá toàn diện hơn về kết quả thực hiện các chương trình, đề án nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo căn cứ vào các định hướng trong nghị quyết của Đảng và yêu cầu của tình hình phát triển đất nước; làm rõ thêm một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực văn hóa…
Để tiếp tục phát huy thành tựu nêu trên, ông Tùng đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu để rút ra những mô hình, cách làm sáng tạo, đổi mới, hiệu quả; đúc kết bổ sung thành bài học kinh nghiệm cũng như để làm rõ hơn phương hướng, nhiệm vụ cho Chính phủ nhiệm kỳ tới.