Nhà thơ Hoàng Cầm đã tự nhận trong tập " 99 tình khúc", cuộc đời của ông có 13 "nàng thơ", 13 người phụ nữ đã khiến cho cả tâm hồn người đàn ông và tâm hồn thi sĩ trong ông rung động. Trong 13 " nàng thơ" đó, bà Hoàng Yến - người vợ cuối cùng của ông là "nàng thơ" đẹp nhất, khiến ông mãi khôn nguôi nỗi đau mất mát khi bà ra đi.
"Nàng thơ" đẹp lắm!
Không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng với “Bên kia sông Đuống”, “Lá diêu bông”, Hoàng cầm còn nổi tiếng bởi sự hào hoa, lãng tử. Hoàng cầm viết rất nhiều thơ tình. Trong mỗi bài thơ tình của ông, bao giờ cũng có bóng dáng của một người phụ nữ đã từng đi qua đời ông - những người phụ nữ được ông âu yếm gọi là “những hồn người đã gợi ra nhịp điệu, âm thanh và đường nét sắc màu” trong những tình khúc của ông.
Đời ông có bút danh là Hoàng Cầm thì gần như cũng gắn liền với chữ "Hoàng". Người vợ đầu là Hoàng Thị Hoàn, do cha mẹ ông cưới cho, mất lúc ông đi kháng chiến. Bà đã sinh hai đứa con cho thi sĩ. Con trai đầu là nhà báo Hoàng Kỳ, thứ nữ là nghệ sĩ kịch Hoàng Yến tài sắc vẹn toàn nhưng bạc mệnh đã sớm qua đời.
Người vợ thứ hai của nhà thơ, bà Tuyết Khanh, vào vai Kiều Loan (vở kịch nổi tiếng của Hoàng cầm), đã hạ sinh cho ông một nàng tố nữ đặt tên nhân vật vở kịch để kỷ niệm, cũng là mối tình lớn mà những thi sĩ cùng thời thường hay trầm trồ, bàn tán. Nhất là thuở trẻ, bà còn là mối tình si của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Chính điều này đã tạo nên chuyện tình tay ba nổi tiếng có một không hai trong lịch sử kịch thơ Việt Nam thuở ấy.
Mối lương duyên giữa Tuyết Khanh và Hoàng Cầm tuy đẹp nhưng cũng để lại nhiều vết thương đau lòng. Sinh hạ được Kiều Loan, bà Tuyết Khanh phải bế con về Hải Phòng để nuôi dưỡng và chờ ngày thắng lợi đón chồng trở về. Nhưng sức chịu đựng của người đàn bà cũng chỉ có giới hạn. Sau mấy năm, trước một cảnh ngộ éo le, bà đã đành "đi bước nữa", rồi cùng con riêng và chồng vào Nam năm 1954.
Người vợ thứ ba, người sau cùng đã sống với nhà thơ cũng là người sống với ông lâu nhất là bà Lê Hoàng Yến. Nhưng bà cũng đã mất từ trước ông rất lâu, để ông ở lại với những năm tháng bĩ cực. Hoàng cầm đã viết những câu thơ tê tái sau cái chết đột ngột của bà: "Em xa anh và rất gần nước mắt".
Ngôi nhà ở 43 Lý Quốc sư là nhà bà Hoàng Yến. Người đàn ông phong tình, đa đoan là Hoàng Cầm chỉ sống một mình 25 năm đằng đẵng. Trong ba người vợ của Hoàng Cầm thì bà Lê Hoàng Yến là người cùng chồng chịu đựng bao thăng trầm suốt ba mươi năm có lẻ (từ năm 1955 đến khi bà mất, năm 1985). Bà cũng là người dinh dưỡng cho nguồn thơ Hoàng Cầm, trong đó có bài về Kinh Bắc bất hủ.
Nuôi đủ 10 con với 1 chồng
Bà Hoàng Yến là người vợ có nhiều dấu ấn nhất trong sự nghiệp thơ ca của Hoàng Cầm. Bà vừa là “nàng thơ” của ông, vừa là người nâng bước ông những năm ông sống trong khốn khổ vì bị vùi dập. Đời làm vợ của bà có thể gói gọn trong 2 câu thơ mà thi sĩ Hoàng cầm viết tặng vợ: “Tôi có người vợ nghèo/ Đời vất vả gieo neo...”.
Khi còn sống, thi sĩ Hoàng cầm từng kể: “Lúc đó bà ấy vò võ nuôi một gánh con, cũng muốn lấy tôi để được nhờ, vì tôi dù gì cũng là anh Trưởng đoàn Văn công. Ai ngờ đâu chỉ sau vài năm, tôi mất tất cả, một tay bà phải lo cho cả chồng, con đến tận khi qua đời”.
Trong những năm tháng khổ cực đó, Hoàng Cầm ban ngày đi đẩy xe bò với Trần Dần, ban đêm đi chiếu phim cùng Phùng Quán, lọ mọ làm đủ thứ nghề hằng đêm để sống qua ngày. Gánh nặng gia đình, với “con anh, con tôi, con chúng ta” đông không kể hết ấy hầu như dồn lên vai bà Hoàng Yến. Nhưng chưa bao giờ bà kêu ca với ông một lời nào.
Những lúc thấy nhà thơ phẫn chí, chán nản với cuộc đời, bà lại động viên ông. Bà động viên ông làm thơ, gánh hết mọi lo toan cuộc sống, nuôi cả ông và hơn 10 đứa con cả chung lẫn riêng của cả hai mà không một lời ca thán. Từ một người phụ nữ ăn trắng mặc trơn, sau khi về lấy ông, bà gánh vác trên vai gánh nặng của cả gia đình.
Có một điều đặc biệt là bà Hoàng Yến không bao giờ phân biệt con chung, con riêng. Người con gái đầu của nhà thơ Hoàng Cầm cũng tên là Hoàng Yến - trùng tên với bà, rất tâm đầu ý hợp với bà. Hai mẹ con thường rủ rỉ rù rì ngày này qua tháng khác. Đến khi cô Hoàng Yến mất, bà Hoàng Yến đau buồn suốt cả năm trời sau đó, không lâu sau cũng mất theo.
Bà Hoàng Yến sống bên cạnh Hoàng Cầm 32 năm, chỉ có 2 năm tạm gọi là ổn định, 30 năm còn lại, bà khổ. Vậy mà người phụ nữ ấy không bao giờ hé miệng kêu ca, không bao giờ có một lời cãi vã với chồng.
Bà mất giữa những ngày khó khăn, gia đình vẫn phải chạy ăn từng bữa, con cái nhóc nheo, ông như người mất đi chỗ dựa cuối cùng, bỗng nhiên thấy mình thành một đứa trẻ bơ vơ giữa cuộc đời.
2 năm sau đó, Hoàng Cầm sống trong đau khổ. Kể từ ngày bà mất, ông cũng không còn nghĩ đến việc tìm kiếm một người phụ nữ khác thay thế vị trí của bà.
Nhà thơ Hoàng cầm mất sau bà Hoàng Yến hơn 20 năm, nhưng đến khi ông mất, bà vẫn là người vợ cuối cùng, là nàng thơ đẹp nhất trong đời thi sĩ đất Kinh Bắc hào hoa Hoàng Cầm.
Theo Thành Vinh
(Gia đình và pháp luật)