Theo Politico (Mỹ), các đồng minh NATO đang phải vật lộn với tình huống cấp bách mới đối với cuộc xung đột Israel-Palestine.

NATO bị chia rẽ trong việc ủng hộ Israel hay Ukraine?

Hoàng Vũ (theo Politico) | 11/10/2023, 15:09

Theo Politico (Mỹ), các đồng minh NATO đang phải vật lộn với tình huống cấp bách mới đối với cuộc xung đột Israel-Palestine.

Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel cuối tuần qua đã khiến chính phủ Israel thề sẽ trả đũa toàn diện ở dải Gaza và 300.000 quân dự bị - một con số kỷ lục - đã được điều động trong vòng 48 giờ. Nhà Trắng tuyên bố sẽ sát cánh cùng Israel. Nhiều cuộc họp khẩn cấp về tình hình Trung Đông được tổ chức trên khắp châu Âu.

Các bộ trưởng quốc phòng NATO bay tới thủ đô Brussels của Bỉ để tham dự cuộc họp bắt đầu từ 11.10 để đưa ra các cách tiếp tục ủng hộ Ukraine. Thế nhưng, thông tin về cuộc xung đột Israel-Palestine dường như đang nóng hơn và trở thành những đề tài thảo luận.

ukrainenato_ib-1-.jpg
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự một cuộc họp báo chung - Ảnh: Reuters

Thời điểm này là một bất lợi đối với Ukraine khi quốc gia này đang muốn tăng cường sự hỗ trợ hơn nữa từ các nước NATO. Cuộc họp trước đó của các bộ trưởng quốc phòng NATO vào tháng 7 đã chứng kiến những cam kết tăng cường hỗ trợ an ninh và quân sự cho Ukraine.

Oleksandr Merezhko, Chủ tịch ủy ban chính sách đối ngoại của quốc hội Ukraine, thừa nhận với Politico rằng Kyiv có những "lo ngại" về việc liệu phương Tây có tiếp tục tập trung vào vấn đề tại Ukraine hay không trong khi đang phải giải quyết vấn  Israel-Hamas.

Một nhà ngoại giao NATO giấu tên cho Politico biết: “Tôi sẽ ngạc nhiên nếu tình hình ở Trung Đông không được đề cập đến trong cuộc họp của các bộ trưởng NATO”. Một quan chức ngoại giao khác cũng cho biết ông mong đợi các phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Các nhà ngoại giao chỉ ra rằng sự quan tâm này không phải là bất thường vì Israel có quan hệ đối tác lâu năm với NATO, vì vậy việc liên minh này tính toán về các bước tiếp theo của mình là điều “tự nhiên”.

Chỉ một tuần trước cuộc tấn công của Hamas, Đô đốc Hà Lan Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, đã đến thăm Israel để gặp Tổng thống Isaac Herzog và các quan chức quân sự. Ông Bauer cũng đã đến thăm cửa khẩu biên giới Gaza, nơi ông ca ngợi "quân đội Israel trong hoạt động chống khủng bố ngầm".

Trong khi quan điểm từ Nhà Trắng là Mỹ có thể giải quyết hai cuộc khủng hoảng khu vực cùng một lúc bằng một gói viện trợ chung thì những hoài nghi trong nước về việc giúp đỡ Ukraine ngày càng gia tăng.

Josh Hawley, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đồng minh với cựu Tổng thống Donald Trump, cho biết trên mạng xã hội: “Israel đang đối mặt với mối đe dọa hiện hữu. Bất kỳ khoản tài trợ nào cho Ukraine nên được chuyển hướng đến Israel ngay lập tức”.

Lời cam kết dành cho Kyiv

Các quan chức Mỹ đang cố gắng xua tan những lo ngại của Kyiv. Họ chỉ ra rằng Israel và Ukraine có những nhu cầu khác nhau vì họ phải đối mặt với những mối đe dọa khác nhau.

“Về câu hỏi liệu sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Israel có thể ảnh hưởng đến sự hỗ trợ dành cho Ukraine hay không, chúng tôi không chắc chắn được thách thức gì có thể xảy ra. Tôi cho rằng Mỹ sẽ có thể tiếp tục tập trung vào quan hệ đối tác và cam kết của chúng tôi đối với an ninh của Israel, đồng thời đáp ứng lời hứa hỗ trợ Ukraine khi nước này bảo vệ lãnh thổ của mình”, Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith nói với các phóng viên hôm 10.10.

“Tôi nghĩ rằng các đồng minh chắc chắn sẽ muốn nói về những gì đã xảy ra ở Israel và bày tỏ tình đoàn kết của họ. Chúng tôi đã thấy tất cả các thành viên của liên minh đưa ra các tuyên bố quốc gia của riêng họ. Và tôi hy vọng rằng điều đó sẽ là một phần trong các cuộc họp của chúng tôi", bà Smith nói.

Ukraine vẫn là trọng tâm chính của cuộc họp NATO tuần này

Cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine trong khuôn khổ cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Bỉ dự kiến bắt đầu hôm 11.10 sẽ thảo luận về loại vũ khí nào sẽ cung cấp cho Kyiv.

“Tôi dự đoán rằng trọng tâm sẽ chủ yếu là phòng không và đạn dược, mặc dù chắc chắn phía Ukraine sẽ đưa ra nhiều yêu cầu khác”, bà Smith nói.

Ngay trước cuộc họp của NATO, Rustem Umerov, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, đã liên hệ với người đồng cấp Hà Lan, Kajsa Ollongren, về “nhu cầu cấp thiết” của Ukraine đối với các hệ thống phòng không, tên lửa tầm xa và pháo binh. Hà Lan cũng dẫn đầu chương trình huấn luyện máy bay chiến đấu F-16 cho phi công Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, bà Ollongren cho Politico biết động thái này là dấu hiệu cho thấy liên minh có thể cân bằng giữa vấn đề của Ukraine và Israel.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NATO bị chia rẽ trong việc ủng hộ Israel hay Ukraine?