Đảng Cộng hòa tại Hạ viện lên tiếng phản đối về nỗ lực liên kết sự ủng hộ dành cho Jerusalem và Kyiv, nhưng giới chức Nhà Trắng cho rằng làm như vậy có lợi cho đôi bên.
Washington Post dẫn nguồn thạo tin cho biết Nhà Trắng đang xem xét động thái gắn nguồn tài trợ của Ukraine với yêu cầu viện trợ khẩn cấp cho Israel, với hy vọng rằng việc kết hợp như vậy sẽ làm tăng cơ hội quốc hội phê duyệt viện trợ cho Kyiv, bất chấp sự phản đối ngày càng tăng từ các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
Hai quan chức chính quyền cấp cao Mỹ tiết lộ, hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra về việc có nên liên kết các yêu cầu viện trợ hay không.
Các quan chức hàng đầu của chính quyền Biden đã nói với các nhà lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện, cũng như các thành viên của các ủy ban chủ chốt rằng Nhà Trắng sẽ sớm yêu cầu quốc hội phê duyệt viện trợ quân sự bổ sung cho Israel, sau khi các tay súng Palestine từ Hamas xâm nhập vào lãnh thổ hôm 7.10 và phát động chiến dịch tấn công.
Tính đến nay, hơn 1.000 người ở Israel và Gaza, trong đó có 9 công dân Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh. Israel đã trả đũa bằng cách tuyên bố bao vây toàn bộ Gaza, cắt điện, thực phẩm và nhiên liệu tại khu vực đông dân 2 triệu người, nơi điều kiện sống ngày càng trở nên tồi tệ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 9.10 cảnh báo rằng phản ứng của Israel chỉ mới bắt đầu.
Các nhà lập pháp đảng Dân chủ và Cộng hòa đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel kể từ cuộc tấn công hôm 7.10 của Hamas và tuyên bố rằng Mỹ sẽ sát cánh cùng một trong những đồng minh thân cận nhất của mình.
Mặc dù việc cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine đã làm rạn nứt đảng Cộng hòa, nhưng đa số thành viên đảng này gần như nhất trí ủng hộ việc giúp đỡ Israel. Các quan chức Nhà Trắng và một số nhà lập pháp ủng hộ Ukraine cho rằng, việc liên kết hai yêu cầu viện trợ có thể khiến một số đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu để quốc hội thông qua cho gói kết hợp.
Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby từ chối cho biết liệu Nhà Trắng có liên kết hai gói này hay không nhưng ông tin rằng “cả hai đều quan trọng”.
Khi được hỏi về triển vọng của một gói tài trợ chung, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Elise Stefanik đã phản đối. Theo bà, các thành viên phe Cộng hòa tại Hạ viện đang chiếm đa số và họ có thể gây áp lực lên đảng Dân chủ tại Thượng viện để thông qua gói viện trợ cho Israel mà không kèm theo điều kiện ràng buộc nào như thêm Ukraine vào danh sách.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Kelly Armstrong - một người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ - cũng nói rằng ông muốn hiểu rõ hơn về cách chi tiêu viện trợ cho Kyiv và cảnh báo không nên sử dụng nguồn tài trợ khẩn cấp của Israel để làm phương tiện thúc đẩy lợi ích cho Ukraine. “Nếu họ cố gắng đổ thêm tiền vào Ukraine mà không cho chúng tôi biết kế hoạch là gì và thực hiện nó như thế nào thì đó sẽ là một vấn đề thực sự - không chỉ đối với tôi mà còn đối với rất nhiều người”, ông nói.
Nhà lập pháp đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ Ralph Norman cho biết ông sẽ “hoàn toàn” ủng hộ yêu cầu khẩn cấp đối với Israel vì đây là đồng minh của Mỹ và là “ngọn đèn soi sáng” ở Trung Đông. Ông hy vọng các yêu cầu viện trợ cho Ukraine và Israel sẽ không liên quan đến nhau nhưng ông sẽ không loại trừ việc bỏ phiếu cho một gói viện trợ bao gồm cho cả hai nước.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt với những thách thức tại Hạ viện trong việc thông qua gói ngân sách giúp Ukraine phòng vệ. Trong khi đa số các nhà lập pháp lưỡng đảng ủng hộ việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine, thì ngày càng có nhiều thành viên phe Cộng hòa cực hữu từ chối các yêu cầu bổ sung.
Một số nhà phân tích cho rằng Nhà Trắng cần thận trọng khi đưa ra những quyết định vào thời điểm Israel cần giúp đỡ.
“Tôi chắc chắn ủng hộ cả hai, nhưng chúng ta không nên ràng buộc chúng lại với nhau. Điều này sẽ chính trị hóa quá mức viện trợ của Israel và Washington nên giải quyết vấn đề đó một cách xứng đáng”, Ariel Cohen, thành viên cấp cao tại Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết.
Động thái gộp viện trợ của Nhà Trắng cũng có thể khiến một số nhà lập pháp theo tư tưởng cấp tiến tại quốc hội Mỹ phản đối. Những người trước đây đã bày tỏ lo ngại hoặc hoàn toàn phản đối việc gửi thêm viện trợ quân sự cho Israel, quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa trừng phạt kéo dài nhiều năm đối với Gaza. Thủ tướng đương nhiệm Netanyahu thậm chí tìm cách cải tổ nền tư pháp độc lập của mình và gần như bác bỏ ý tưởng về giải pháp hai nhà nước.
Giới chức Israel đưa ra một số yêu cầu cụ thể tới Washington để đáp trả cuộc tấn công quân sự của Hamas, bao gồm bổ sung các thiết bị đánh chặn cho Vòm Sắt (Iron Dome), bom đường kính nhỏ, nhiều loại đạn cho súng máy và tăng cường hợp tác về chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến các hoạt động quân sự tiềm năng ở miền nam Lebanon.
Tổng thống Biden đã chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đáp ứng một số yêu cầu vốn không cần sự thông qua của quốc hội.
Các yêu cầu đồng thời về viện trợ quân sự từ Ukraine và Israel có thể gây thêm căng thẳng cho kho dự trữ đạn dược của Mỹ vì nước này sẽ phải hỗ trợ hai đồng minh cùng một lúc. Đặc biệt, yêu cầu của Israel về loại đạn pháo 155mm có thể gây khó chịu cho những người ủng hộ Ukraine, vì loại đạn này đang bị thiếu hụt và Kyiv cũng đang rất cần.
Sau khi Nga tấn công Ukraine vào năm ngoái, các quan chức Mỹ đã tìm cách chuyển những quả đạn pháo 155mm được cất giữ ở Israel sang Ukraine. Mặc dù số đạn pháo này không thuộc về Israel nhưng các quan chức nước này từ chối yêu cầu của Washington, buộc phải hai bên phải đàm phán để thống nhất chuyển giao cho Kyiv.
Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói với các phóng viên hôm 9.10 rằng Washington có thể đáp ứng toàn bộ các yêu cầu về vũ khí, thiết bị và đạn dược của Tây Jerusalem trong khi vẫn tiếp tục hỗ trợ Kyiv.
Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cũng khẳng định Mỹ có thể tiếp tục hỗ trợ cho cả Ukraine, Israel và duy trì sự sẵn sàng toàn cầu của riêng mình.
Bộ Quốc phòng Mỹ đang “làm việc nhanh nhất có thể” để đẩy nhanh việc cung cấp đạn dược và thiết bị “cực kỳ cần thiết”, cũng như liên hệ với các nhà thầu quân sự để xúc tiến các đơn hàng đang chờ xử lý của Israel.