Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tăng số quân phản ứng nhanh gấp 8 lần, lên 300.000 quân, theo Tổng thư ký NATO.
Lực lượng phản ứng nhanh NATO (NRF) hiện có khoảng 40.000 quân sẵn sàng triển khai nhanh khi cần thiết, và việc nâng quân số lên 300.000 cho phép NATO có thể điều động nhân lực lớn hơn trong trường hợp khẩn cấp.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 27.6 giải thích sự tăng quân số NRF là một phản ứng với “một giai đoạn tranh chấp chiến lược”, và tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha tuần này, NATO sẽ đồng ý mở rộng một số đội hình chiến đấu, triển khai thêm vũ khí hạng nặng tới dọc biên giới phía Đông Âu nhằm bảo vệ một số nước thành viên ở rìa phía đông NATO.
Vị Tổng thư ký NATO nói động thái trên là một phần “cuộc đại tu năng lực phòng thủ và răn đe lớn nhất của chúng tôi từ sau Chiến tranh lạnh”. Động thái này cũng nhằm ứng phó với cuộc chiến tranh mà Nga tiến hành ở Nga.
Ông Stoltenberg giải thích: “Số quân này sẽ hoạt động cùng với các lực lượng phòng thủ của mỗi quốc gia. Họ sẽ trở nên quen thuộc với địa hình, các cơ sở cùng các vị trí mới. Từ đó họ có thể phản ứng nhanh trước bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào”.
Để phản ứng việc Nga đưa quân vào Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo 30 quốc gia thành viên NATO đã đồng ý cử hàng ngàn quân có tàu thủy và máy bay hỗ trợ đi bảo vệ các đồng minh gần Nga và Ukraine. Lúc đó, NATO đã quyết cử các đội quân NRF và khí tài quân sự đến sườn phía đông của NATO, đánh dấu lần đầu tiên NRF được giao nhiệm vụ phòng thủ.
Tại cuộc họp báo, ông Stoltenberg cho biết ông hy vọng các đồng minh NATO sẽ làm rõ rằng họ xem Nga là “mối đe dọa đáng kể và trực tiếp tới an ninh của chúng ta”. Ông nói tại hội nghị thượng đỉnh rằng các đồng minh cũng sẽ quyết định tăng cường các đội hình chiến đấu ở sườn phía đông của NATO.
Ông Stoltenberg cho biết trong hai ngày họp thượng đỉnh NATO (29 - 30.6), các đồng minh sẽ đồng ý tăng hỗ trợ quân sự cho Ukraine, gồm các hệ thống chống máy bay không người lái và các thiết bị bảo mật thông tin liên lạc, nhiên liệu và hỗ trợ Ukraine chuyển sang dùng vũ khí tiên tiến hơn theo chuẩn NATO.
Theo AP, trong tài liệu khái niệm chiến lược mới của NATO, khối liên minh này cũng sẽ lần đầu tiên đề cập những thách thức an ninh do Trung Quốc đề ra, khối này sẽ bàn cách phản ứng trước tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở miền nam châu Âu.
Một chủ đề trung tâm khác ở hội nghị thượng đỉnh NATO là khả năng tiếp nhận Phần Lan và Thụy Điển làm thành viên, sau khi Nga đánh Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, đã không muốn hai nước ấy gia nhập khối, với lý do hai nước có chính sách mềm mỏng với các tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, ví dụ đảng Công nhân Kurdistan (KPP).
Ông Stoltenberg cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã đồng ý họp hôm 28.6, bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO. Các quan chức 3 nước đã tăng cường đối thoại nhằm phá vỡ thế bế tắc.