Hôm 13.4, Nga cảnh báo Mỹ đảm bảo các tàu chiến nước này tránh xa Crimea "vì lợi ích của họ". Nga gọi việc Mỹ triển khai tàu chiến ở Biển Đen là hành động khiêu khích nhằm thử thách thần kinh của nước này.
Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và hai tàu chiến của Mỹ sẽ đến Biển Đen trong tuần này trong bối cảnh chiến sự leo thang ở miền đông Ukraine, nơi các lực lượng chính phủ đã chiến đấu với quân đội do Nga hậu thuẫn trong một cuộc xung đột mà Ukraine cho biết đã khiến 14.000 người thiệt mạng.
Việc Mỹ triển khai tàu chiến diễn ra khi phương Tây gióng lên hồi chuông cảnh báo về những gì họ coi là sự tập trung lớn và không rõ nguyên nhân của các lực lượng Nga gần biên giới phía đông Ukraine cũng như ở Crimea. Nga cho biết sẽ di chuyển lực lượng của mình khi thấy phù hợp, bao gồm cả cho mục đích phòng thủ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga - Sergei Ryabkov đã cảnh báo các tàu chiến Mỹ ở Biển Đen nên giữ khoảng cách, đồng thời cho rằng nguy cơ xảy ra các sự cố không xác định là rất cao.
“Việc tàu Mỹ đến gần bờ biển của chúng tôi hoàn toàn là một hành động khiêu khích. Họ đang kiểm tra sức mạnh của chúng tôi, chơi trên dây thần kinh của chúng tôi. Họ sẽ không thành công”, Sergei Ryabkov nói.
“Chúng tôi cảnh báo Mỹ rằng sẽ tốt hơn nếu tránh xa Crimea và bờ Biển Đen của chúng tôi vì lợi ích của chính họ”, Thứ trưởng Ngoại giao nói thêm.
Không những thế, ông Sergei Ryabkov tuyên bố: “Mỹ là đối thủ của chúng tôi và làm mọi thứ có thể để làm suy yếu vị thế của Nga trên trường thế giới. Chúng tôi không thấy bất kỳ yếu tố nào khác trong cách tiếp cận của họ. Đó là những kết luận của chúng tôi”. Bình luận này là sự khác biệt rõ ràng với ngôn ngữ thông thường từ Nga, vốn thường gọi Mỹ là "một đối tác" trong quá khứ.
Lầu Năm Góc đã từ chối thảo luận về việc triển khai các tàu chiến, chỉ nói rằng quân đội Mỹ thường xuyên gửi các tàu đến khu vực.
Hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại Crimea, có các hạ tầng tên lửa và radar mạnh mẽ trên bán đảo này.
Những ngày gần đây, căng thẳng khu vực giữa biên giới Nga và Ukraine tiếp tục leo thang.
Cuối tuần trước, Nga tuyên bố sẽ không rút quân khỏi đây và để ngỏ khả năng sẽ hành động khi cần thiết. Trong bối cảnh căng thẳng nhanh chóng tại vùng Donbass, Ukraine đã công khai kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đẩy nhanh tiến trình kết nạp nước này, động thái “đổ thêm dầu vào lửa” khiến Nga tức giận.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine không có nguyên nhân trực tiếp, mà gián tiếp bị tác động bởi sự leo thang tình hình tại miền Đông Ukraine giữa lực lượng quân đội của 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk với quân đội Ukraine.
Tình hình ở Donbass trở nên phức tạp hơn vào cuối tháng 2.2021 khi các vụ xả súng trong khu vực diễn ra hầu như mỗi ngày, bao gồm cả việc sử dụng súng cối và súng phóng lựu đạn. Các bên đã đổ lỗi cho nhau về sự leo thang căng thẳng.
Gần đây rộ tin Ukraine tiếp tục điều lực lượng, vũ khí mới tới đường giới tuyến ở vùng Donbass và thông báo kế hoạch tập trận chung với các nước thuộc NATO trên lãnh thổ nước này.
Năm 2021, Ukraine có kế hoạch tiến hành 7 cuộc tập trận chung như vậy. Một số nước thuộc NATO đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine và ở Biển Đen gần biên giới Nga.
Trước tình hình này, Nga đã tăng cường bố trí lực lượng đến khu vực biên giới với Ukraine. Nga nhấn mạnh rằng việc di chuyển của quân đội trên lãnh thổ của nước này không nên gây lo ngại cho các quốc gia khác, bao gồm cả Ukraine. Hành động của Nga nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Một nguyên nhân được cho là có tính chất khơi mào là Ukraine, Mỹ và một số nước phương Tây đang tìm cách gia tăng căng thẳng với Nga theo tất cả các hướng khi dự án dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga sắp hoàn thành.
Ngay khi Tổng thống Biden nắm quyền, Ukraine đã kêu gọi Mỹ gia tăng trừng phạt lên Nga nhằm ngăn cản dự án này. Thế nhưng, Mỹ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức vì nước này rất cần nguồn cung khí đốt của Nga.