Tờ The New York Times dựa trên hình ảnh vệ tinh và dữ liệu hàng không xác định Nga có thể đã hoặc sắp thử nghiệm một tên lửa hành trình động cơ hạt nhân tầm bắn hàng nghìn km.

Nga có thể sắp thử tên lửa mang động cơ hạt nhân

Cẩm Bình | 03/10/2023, 07:35

Tờ The New York Times dựa trên hình ảnh vệ tinh và dữ liệu hàng không xác định Nga có thể đã hoặc sắp thử nghiệm một tên lửa hành trình động cơ hạt nhân tầm bắn hàng nghìn km.

Theo The New York Times, động tĩnh của máy bay và phương tiện ở gần lẫn ở trong một căn cứ Bắc Cực của Nga tương tự quá trình chuẩn bị thử tên lửa Burevestnik (hay SSC-X-9 Skyfal) vào năm 2017 và 2018. Máy bay trinh sát Mỹ cũng hiện diện tại khu vực suốt 2 tuần qua, các phi công nhận được khuyến cáo tránh xa không phận gần căn cứ.

russia00.jpg
Hình ảnh bãi phóng nơi được cho là chuẩn bị tiến hành thử Burevestnik - Ảnh: Planet Labs

Tổ chức phi lợi nhuận Nuclear Threat Initiative cho biết Nga thực hiện đến 13 vụ thử trong giai đoạn 2017 - 2019, tất cả đều không thành công. Thậm chí một tên lửa phóng năm 2019 bị rơi và phát nổ khiến 7 người thiệt mạng.

Giám đốc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA) Daryl G.Kimball nhận xét: “Vũ khí này rất kỳ lạ. Nó nguy hiểm lúc ở giai đoạn thử nghiệm và phát triển. Không rõ Burevestnik có được thử nghiệm lần nữa hay không, nhưng dù cho phóng thành công thì tên lửa vẫn cần nhiều năm nữa mới chính thức đi vào hoạt động”.

Trong các vụ thử trước, Burevestnik không thể đạt tầm bắn gần 23.000km như dự kiến. Giới chức Mỹ đánh giá lần phóng thành công nhất chỉ kéo dài hơn 2 phút, tên lửa bay xa 35km rồi lao xuống biển. Ở một lần khác, lò phản ứng hạt nhân không kích hoạt được nên tên lửa chỉ bay đến cách bãi phóng vài km.

Theo Nuclear Threat Initiative, Burevestnik là vũ khí chiến lược dùng để đáp trả đợt tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Nga, mang được cả đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ. Động cơ nhiên liệu rắn sẽ đẩy tên lửa lên cao, sau đó lò phản ứng hạt nhân được kích hoạt giúp tên lửa duy trì độ cao trong thời gian dài. Giới chuyên gia xác định nếu được sử dụng trong thời chiến, tên lửa đủ sức tiêu diệt mục tiêu quân sự hay khu đô thị lớn.

Burevestnik nằm trong 6 vũ khí chiến lược mà Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu năm 2018, bên cạnh tên lửa đạn đạo Kinzhal và tên lửa lướt siêu thanh Avangard. Thời điểm đó ông khẳng định số vũ khí này có thể xuyên thủ mọi hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Bằng chứng Nga thử tên lửa

Hình ảnh vệ tinh chụp vào sáng 20.9 cho thấy có rất nhiều phương tiện - gồm cả một xe tải rơ moóc phù hợp kích thước Burevestnik - xuất hiện ở bãi phóng trong căn cứ. Hầm trú dã chiến được di dời khỏi vị trí ban đầu khoảng 15 mét. Đến chiều thì xe tải rơ moóc biến mất và hầm trú trở về vị trí.

Ngày 31.8, Nga ban hành khuyến cáo “không phận nguy hiểm tạm thời” với khu vực ngoài khơi biển Barents lẫn khu vực cách bãi phóng 19km. Khuyến cáo (qua nhiều lần gia hạn) có hiệu lực đến ngày 6.10. Năm 2019 trước lúc vụ thử Burevestnik diễn ra, một khuyến cáo tương tự cũng được ban hành.

Ngoài ảnh chụp vệ tinh ngày 20.9, tổ chức Bellona (Na Uy) còn phát hiện 2 máy bay chuyên thu thập dữ liệu các vụ phóng tên lửa đậu tại căn cứ không quân Rogachevo cách bãi phóng khoảng 160km về phía nam vào đầu tháng 8 và đồn trú đến ngày 26.9. Khi Nga thử Burevestnik năm 2018, máy bay cùng loại cũng xuất hiện.

Theo nền tảng theo dõi chuyến bay Flightradar24, máy bay trinh sát Mỹ RC-135W Rivet Joint từng bay ra ngoài khơi Bắc Cực nơi gần bãi phóng ít nhất 2 lần, vào ngày 19 và 26.9 - nhiều hơn so với thông thường. Nhà Trắng từ chối xác nhận thông tin.

russia01.jpg
2 máy bay chuyên thu thập dữ liệu các vụ phóng tên lửa - Ảnh: Planet Labs

Sự nguy hiểm của Burevestnik

Giới chuyên gia cho biết Burevestnik nguy hiểm không chỉ vì mang được đầu đạn hạt nhân mạnh mà còn vì khả năng giải phóng chất phóng xạ có hại nếu phát nổ hoặc gặp trục trặc lúc thử nghiệm.

Khi được đưa vào sử dụng, tên lửa sẽ là một phần của kho vũ khí hạt nhân Nga nên phải tuân thủ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (New START) mà Moscow ký kết năm 2011. Tuy nhiên, ông Kimball lưu ý nếu hiệp ước không còn (hết hạn vào tháng 2.2026) thì tên lửa có thể đem lại lợi thế dẫn đầu khi chạy đua vũ trang.

Bài liên quan
Quân Nga tiến dần tại mặt trận phía đông Ukraine
Đài CNN ghi nhận quân Nga vừa tiến sâu hơn ở ít nhất 3 địa điểm dọc theo mặt trận phía đông Ukraine, thậm chí cả ở vùng Kharkiv phía bắc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga có thể sắp thử tên lửa mang động cơ hạt nhân