Trong bối cảnh châu Âu cần mình thì phía Nga đang dùng chính lệnh trừng phạt của phương Tây làm cái cớ để gây khó cho phương Tây.

Nga lại chơi khăm châu Âu bằng việc "nghiêm túc tuân thủ" lệnh trừng phạt của phương Tây

Anh Tú | 07/08/2022, 09:59

Trong bối cảnh châu Âu cần mình thì phía Nga đang dùng chính lệnh trừng phạt của phương Tây làm cái cớ để gây khó cho phương Tây.

Châu Âu bước sang tháng 8 và việc tích trữ khí đốt trước mùa đông đang phải chạy đua với thời gian. Điều này càng cấp thiết với Đức do nền kinh tế số 1 châu Âu phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga. Nhưng từ giữa tháng 6 thì việc này đã trục trặc.

Vào 14.6, Gazprom đã thông báo rằng họ sẽ cắt giảm dòng khí qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 40% với lý do là Siemens đã không trả các thiết bị máy bơm đúng thời hạn vốn được đưa đến Canada để sửa chữa. Nga đổ lỗi cho các vấn đề bảo trì là do Canada từ chối trả lại thiết bị đã được gửi đi sửa chữa và cảnh báo rằng việc sử dụng đường ống có thể bị đình chỉ hoàn toàn. Lời giải thích này có vẻ hợp lý vì Canada đang theo lệnh trừng phạt của phương Tây nên không thể trợ giúp cho các công ty kinh doanh năng lượng của Nga. Nhưng Đức thì không chịu vì họ cần khí đốt để phục vụ nền công nghiệp.

Đức thấy tình hình căng nên muốn trả lại tua bin cho Nga sớm để khơi thông dòng khí. Do lệnh trừng phạt, Canada không thể chuyển tua bin trở lại Nga sau khi sửa chữa. Canada không muốn “mang tiếng” vi phạm lệnh cấm nên nói Đức qua nhận rồi muốn chuyển cho ai thì chuyển. Cụ thể Canada hồi tháng 7 đã quyết định tự "lách" các biện pháp trừng phạt đối với Nga, vì không muốn các lệnh trừng phạt gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Canada đã cấp cho tập đoàn Siemens Energy quyền miễn trừ trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt Nga của Canada, cho phép Siemens Energy gửi tua bin từ đường ống Nord Stream 1 đến các cơ sở của Siemens Canada để định kỳ bảo dưỡng và sửa chữa.

Tua bin này đã về Đức kể từ giữa tháng 7 và hiện đặt tại nhà máy Siemens ở Muelheim an der Ruhr. Nhưng vấn đề là Nga chưa chịu tiếp nhận để lắp vào đường ống thuộc Nord Stream 1.

Không những vậy, đến 26.7, tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố cắt giảm một phần nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. Theo đó, bắt đầu từ 27.7, đường ống dẫn khí đốt chính cho Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sẽ hoạt động ở mức 20% công suất. Gazprom tiếp tục lý giải việc cắt giảm này liên quan đến việc bảo trì tua bin của đường ống.

Hôm thứ tư, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố tua bin của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1, vừa được bảo trì ở Canada, đã sẵn sàng hoạt động và có thể bàn giao cho Nga bất cứ lúc nào. Nhưng ông Scholz cũng than thở vấn đề là “Ai nhận chúng?”.

Địa chỉ nhận đương nhiên phải là phía Nga, mà cụ thể là Gazprom nhưng Gazprom lại từ chối nhận với tinh thần tuân thủ lệnh trừng phạt của phương Tây. Họ cho rằng việc cung cấp một tua bin cần thiết để giữ dòng khí đốt chảy đến châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 là "bất khả thi" do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.

Gazprom ra tuyên bố: "Các chế độ trừng phạt ở Canada, ở Liên minh châu Âu và ở Anh, cũng như sự mâu thuẫn trong tình hình hiện tại liên quan đến nghĩa vụ hợp đồng của Siemens khiến việc giao hàng không thể thực hiện được".

Nói tóm lại là hàng đã có, shipper đã sẵn sàng nhưng liên hệ thì người nhận từ chối do tuân thủ các quy định một cách rất máy móc với lệnh trừng phạt nhưng hợp lý. Nói cách khác, phía Nga đang dùng lệnh trừng phạt của phương Tây làm cái cớ để gây khó cho phương Tây.

Và Nga còn đưa ra một phương án khá hợp lý khác để Đức lựa chọn. Tại họp báo ngày 3.8, người phát ngôn điện Kremlin Dimitry Peskov cũng đề cập khả năng châu Âu có thể nhận được khí đốt từ Nga qua đường ống Nord Stream 2. Là dự án do Nga dẫn đầu, Nord Stream 2 là một đường ống chạy song song với Nord Stream 1 qua biển Baltic, nối giữa Nga và Đức. Nord Stream 2 đã xây dựng xong, nhưng bị Đức cấm vận hoạt động ngay trước ngày nổ ra cuộc chiến tại Ukraine.

Đức lại ở thế kẹt. Nếu mở đường ống Nord Stream 2 thì coi như từ bỏ nỗ lực chống Nga. Còn nếu đóng đường ống Nord Stream 2 thì không có khí đốt do Nga quyết không cấp qua đường ống Nord Stream 1 và lỗi sẽ do Đức cố chấp chứ không phải Nga không chịu cấp khí đốt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 21.4 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Sáng tạo và đổi mới sáng tạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga lại chơi khăm châu Âu bằng việc "nghiêm túc tuân thủ" lệnh trừng phạt của phương Tây