Tạp chí Politico cho biết, việc Hàn Quốc ký được nhiều hợp đồng trị giá hàng tỷ USD tại châu Âu làm dấy lên lo lắng trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ lo mất khách châu Âu vào tay Hàn Quốc

Cẩm Bình | 03/11/2022, 15:05

Tạp chí Politico cho biết, việc Hàn Quốc ký được nhiều hợp đồng trị giá hàng tỷ USD tại châu Âu làm dấy lên lo lắng trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Các công ty quốc phòng Hàn Quốc đã có khách châu Âu từ lâu. Trong 5 năm qua, họ chủ yếu bán pháo di động và vũ khí cỡ nhỏ cho một số quốc gia.

Nhưng tháng 7 vừa qua, Ba Lan ký một hợp đồng “bom tấn” trị giá 5,8 tỉ USD với hai công ty Hàn Quốc. "Đơn hàng" bao gồm 980 xe tăng K2 Black Panther, 672 pháo tự hành K9, 48 máy bay chiến đấu FA-50. Trong đó, xe tăng và pháo dự kiến được giao từ cuối năm nay.

Đến tháng 10, Ba Lan lại đặt mua 288 hệ thống pháo phóng loạt Chunmoo từ Hanwha Defense (Hàn Quốc). Lô hàng đầu tiên sẽ đến ngay năm sau thay vì chờ đợi nhiều năm để nhận hệ thống pháo HIMARS do Mỹ sản xuất.

Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Błaszczak giải thích, ban đầu Ba Lan định mua 50 hệ thống HIMARS từ Mỹ, nhưng “năng lực công nghiệp hạn chế” nên vũ khí này không thể được giao trong khung thời gian thỏa đáng. Vì vậy Warsaw bắt đầu đàm phán với đối tác Hàn Quốc.

Quy mô khủng của hợp đồng cùng tốc độ giao hàng nhanh của công ty Hàn Quốc khiến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ chú ý. Politico dẫn lời một người trong ngành tiết lộ: “Có mối lo ngại nên không chỉ Ba Lan tìm Hàn Quốc mua vũ khí”.

Người này không tin công ty Hàn Quốc đủ sức nhanh chóng hoàn thành đơn hàng: “Đây hoàn toàn là chiêu trò tiếp thị. Họ chưa chứng minh được khả năng giao vũ khí nhanh như hứa hẹn”.

Theo nhà phân tích Haena Jo thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế, loạt hợp đồng ký với Ba Lan buộc chính phủ Hàn Quốc phải đánh đổi: ưu tiên sản xuất vũ khí cho Warsaw hơn là cung cấp cho quân đội nước mình.

“Có lẽ các công ty Hàn Quốc đủ sức đáp ứng nhu cầu - được chứng minh qua lô xe tăng K2 cùng pháo K9 đầu tiên bàn giao cho Ba Lan chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Cách lý giải duy nhất là họ ưu tiên đơn hàng Ba Lan hơn nhu cầu hiện đại hóa quân đội Hàn”, nhà phân tích Jo nhận định.

ngak2d556e1071c817ea413e783c7a158737f.jpg
Xe tăng K2 - Ảnh: Getty Images

Ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc lâu nay chế tạo vũ khí cùng trang thiết bị tương thích với khí tài Mỹ nhằm đảm bảo hai nước có thể phối hợp tác chiến trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Điều này khiến Hàn Quốc trở thành lựa chọn hấp dẫn cho các nước thành viên NATO muốn tái trang bị nhanh chóng mà không quá tốn kém.

Một người trong ngành khác ít lo ngại hơn: “Mua vũ khí Hàn Quốc chưa phải mối lo lớn. Giữa Mỹ và các nước châu Âu có mối quan hệ lâu dài khó lòng bị phá vỡ bởi đối thủ cạnh tranh”.

Tuy nhiên, Mỹ không thể xem nhẹ tham vọng của Hàn Quốc.

Tổng thống Yoon Suk-yeol vào tháng 8 nêu ra mục tiêu đưa Hàn Quốc vào danh sách 4 nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới, thách thức Mỹ, Nga, Pháp về số lượng hợp đồng ký kết.

Dữ liệu từ Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm cho biết, Hàn Quốc hiện là nhà cung cấp vũ khí thứ 8 thế giới với xuất khẩu trong giai đoạn 2016-2021 tăng 177%.

Một báo cáo công bố tháng 7 của ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc tiết lộ xuất khẩu quốc phòng tăng từ 3 tỉ USD năm 2020 lên 7 tỉ USD năm 2021, năm 2022 có khả năng lần đầu tiên chạm mốc 10 tỉ USD.

Đơn hàng châu Âu sẽ tiếp tục đến. Tướng đứng đầu lực lượng vũ trang Estonia cuối tháng 9 sang Seoul dự triển lãm vũ khí DX Korea 2022 và gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc. Estonia đã đặt Hanwha Defense 19 pháo K9 – tiếp bước Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Phần Lan, Na Uy. Na Uy cân nhắc mua xe tăng K2, nhà sản xuất đạn dược Na Uy Nammo ký thỏa thuận với đối tác Hàn Quốc Hyundai Rotem cùng sản phát triển đạn pháo 120 mm dùng cho K2.

Nếu vũ khí được giao đúng hạn, các quốc gia đang muốn nhanh chóng tái trang bị khác có thể tìm đến Hàn Quốc thay vì mòn mỏi chờ Mỹ giao hàng.

Nhà phân tích Jo chỉ ra một điểm hấp dẫn khác: Hàn Quốc sẵn sàng cho công ty quốc phòng của quốc gia đặt hàng tham gia sản xuất, đem đến khả năng họ nắm được công nghệ và tự sản xuất trong tương lai. Dự kiến sau 120 xe tăng K2 đầu tiên, 800 chiếc còn lại sẽ được đóng - ít nhất một phần - ngay tại Ba Lan.

Hàn Quốc ký được nhiều hợp đồng trong bối cảnh các nước châu Âu phải tìm cách lấp đầy kho vũ khí tiêu hao nhiều sau nhiều tháng viện trợ cho Ukraine. Đông Âu lâu nay vốn chuộng khí tài Mỹ nay lại tăng cường sắm khí tài Hàn Quốc.

Học giả Max Bergmann thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) xem xu hướng châu Âu chuyển hướng sang Hàn Quốc là việc tốt cho tình đoàn kết đồng minh cũng như cho ngành công nghiệp quốc phòng các nước.

“Mối liên hệ chặt chẽ giữa đồng minh châu Âu với châu Á khi Mỹ cố gắng hướng tầm nhìn sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có lợi ích thực sự. Tôi thấy ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ lo ngại mất thị phần, nhưng nhìn từ góc độ an ninh quốc gia thì ta cần nhận ra châu Âu đang gặp vấn đề trong đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước”, học giả Bergmann nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ lo mất khách châu Âu vào tay Hàn Quốc