Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Trường hợp tổ chức, cá nhân đi nước ngoài, trở về từ vùng dịch nhưng không khai báo hoặc khai báo gian dối về hành trình di chuyển cần phải xử lý nghiêm.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm thì người tiếp xúc với người bệnh dịch truyền nhiễm khi trở về nước bắt buộc phải cách ly y tế. Việc người nhập cảnh đi từ vùng dịch về có biểu hiện của bệnh dịch (mệt mỏi, ho, sốt...) mà không khai báo y tế, không thực hiện thủ tục cách ly theo quy định là không tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng và chống bệnh truyền nhiễm. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính..
Theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế sẽ bị xử phạt theo Điều 10 như sau:
Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, người mắc bệnh cố tình che giấu tình trạng bệnh là hành vi vi phạm các quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm được quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm.
Theo đó, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau như:
a) Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
b) Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Trước đó ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của COVID-19 gây ra, nên các hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), bệnh truyền nhiễm là những loại bệnh nguy hiểm, có khả năng gây tổn hại nặng đến sức khỏe hoặc tính mạng của người bị lây nhiễm, dễ lây nhiễm, dễ lan rộng từ người này sang người khác. Theo Điều 240, Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định cụ thể như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế.
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
b) Làm chết hai người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Theo luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Hồng Thanh): Bệnh nhân N.H.N. có thể bị khép vào 2 tội là vi phạm quy định về kiểm dịch y tế biên giới và làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Bệnh nhân này có thể nhận hình phạt cao nhất tới 5 năm tù.
Kể từ 6 giờ sáng 7.3, những tổ chức, cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo y tế bắt buộc. Việt Nam là nước đầu tiên khai báo y tế điện tử bắt buộc. Trước đó, việc khai báo y tế được thực hiện trên giấy trước khi nhập cảnh Việt Nam, hành khách có thể lựa chọn khai báo y tế bằng hình thức giấy hoặc điện tử. Việc khai báo y tế điện tử được thực hiện tại website của Cục Y tế dự phòng (suckhoetoandan.vn/khaiyte).
Trong tờ khai y tế, người nhập cảnh phải trả lời trong 14 ngày qua đã đi qua những quốc gia, vùng lãnh thổ nào và thông tin liên lạc tại Việt Nam. Người nhập cảnh cũng phải khai báo, trong 14 ngày (tính đến thời điểm xuất nhập cảnh), có tiếp xúc gần (dưới 2 m) với người nhiễm COVID-19 hay không; có đến trang trại chăn nuôi, chợ buôn bán động vật sống, cơ sở giết mổ động vật, tiếp xúc động vật hay không; có xuất hiện các dấu hiệu như sốt, ho, khó thở, đau họng, nôn (buồn nôn), tiêu chảy, xuất huyết ngoài da, nổi ban ngoài da...
Sau khi khai báo y tế, những người đến hoặc đi qua vùng dịch, nếu nhập cảnh Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày. Người Việt Nam từ vùng dịch về hoặc từ Việt Nam sang vùng dịch và nhập cảnh trở lại cũng bị cách ly.
Đến nay, 4 quốc gia gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italy được coi là các nước nằm trong vùng dịch.
Theo Minh Phương/Báo Tin Tức