Cựu nghị sĩ Hồng Kông nói với Reuters rằng Mỹ nên nhắm vào lĩnh vực tài chính của Hồng Kông bằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, loại bỏ máy ATM Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải ngồi vào bàn đàm phán về cuộc đàn áp của họ với trung tâm tài chính châu Á.
Nhà hoạt động Sixtus “Baggio” Leung hy vọng sẽ gặp được các cố vấn của Tổng thống đắc cử Joe Biden để thúc giục ông gia tăng áp lực với Trung Quốc vì đã thắt chặt vòng kiềm tỏa Hồng Kông bằng việc áp dụng luật an ninh quốc gia mới vào tháng 6.
“Có một cách mạnh mẽ hơn để đáp trả sự đàn áp của Trung Quốc là nhắm vào hệ thống tài chính Hồng Kông, loại bỏ những máy ATM của Trung Quốc ngay bây giờ - nếu chúng ta có thể làm gì đó về điều này thì nó sẽ mạnh mẽ hơn nhiều”, Leung nói tại Washington sau khi bỏ trốn để xin tị nạn ở Mỹ vào tháng trước.
Sau khi bị truất quyền vào năm 2016 với tư cách là nhà lập pháp được bầu chọn, Leung (34 tuổi) đã bị kết án 4 tuần tù giam và mãn hạn tù vào tháng 9.
Leung đề xuất hành động nên chặn các ngân hàng Trung Quốc sử dụng SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication, một mạng lưới được các ngân hàng toàn cầu thực hiện các giao dịch tài chính) và cũng nhắm mục tiêu vào tỷ giá đồng đô la Hồng Kông với đồng đô la Mỹ để cố gắng buộc Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán.
Vào tháng 10.2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo các tổ chức tài chính quốc tế làm ăn với những cá nhân được coi là chịu trách nhiệm cho cuộc đàn áp của Trung Quốc ở Hồng Kông rằng họ có thể sớm phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn.
Từng hứa cho Hồng Kông một mức độ tự trị cao theo thỏa thuận chuyển giao với Anh vào năm 1997, Trung Quốc phủ nhận việc hạn chế các quyền và tự do trong thành phố, đồng thời lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ là can thiệp vào công việc nội bộ nước này.
Các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông nói rằng tình trạng đã xấu đi kể từ khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh vào tháng 6.
Các bình luận của Leung có nguy cơ vi phạm luật mới. Bất cứ điều gì mà Bắc Kinh coi là lật đổ, ly khai, khủng bố hoặc thông đồng với lực lượng nước ngoài có thể bị phạt tù đến chung thân.
Hôm 7.12, 8 người nam trong độ tuổi từ 16 đến 34 bị cảnh sát Hồng Kông bắt sau khi tham gia cuộc biểu tình ngắn tại khuôn viên Trường đại học Trung văn Hương Cảng (CUHK) vào tháng trước.
Theo Reuters, cảnh sát cho biết 8 người này bị bắt vì tụ tập bất hợp pháp tại Đại học Trung văn Hương Cảng và 3 người trong số họ không phải là sinh viên của trường cũng bị bắt vì tội kích động ly khai do vi phạm luật an ninh quốc gia. Những người bị bắt bao gồm các nhân viên xã hội và ủy viên hội đồng cấp huyện.
Hôm 8.12, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ thêm 8 nhà hoạt động vì các cuộc biểu tình chống chính quyền vào năm ngoái. Cảnh sát Hồng Kông không xác định danh tính những người này, chỉ nói rằng họ ở độ tuổi từ 24 đến 64. Truyền thông địa phương cho biết nhà hoạt động kỳ cựu Leung Kwok-hung (biệt danh Tóc dài) nằm trong số những người bị bắt.
“Mỗi ngày khi thức dậy, nhìn vào màn hình điện thoại di động, vấn đề đầu tiên bật lên là ai trong số bạn bè của chúng tôi đang bị bắt; ai trong số những người bạn của chúng tôi đang bị kết án tù”, Leung nói.
Trung Quốc và Hồng Kông dự kiến sẽ là một trong những thách thức gai góc nhất của ông Biden, với quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Hôm 8.12, cố vấn an ninh quốc gia sắp tới của Biden - Jake Sullivan cho biết ông quan ngại sâu sắc về cuộc đàn áp ở Hồng Kông.
Mỹ đã tung ra một loạt các biện pháp trừng phạt với các quan chức cấp cao Hồng Kông và Trung Quốc được coi là chịu trách nhiệm cho cuộc đàn áp trong lãnh thổ. Thế nhưng, Leung nói rằng cần phải có nhiều hơn nữa để ngăn Trung Quốc xóa bỏ nền dân chủ của Hồng Kông.
“Tôi không thể thấy tình hình sẽ thay đổi nếu chúng ta chỉ ngồi đây và không làm gì cả”, Leung nói.