Nhà văn – nhà báo Lê Văn Nghĩa qua đời ở tuổi 68 tại TP.HCM do căn bệnh ung thư tái phát.

Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa qua đời

Tiểu Vũ | 25/07/2021, 23:00

Nhà văn – nhà báo Lê Văn Nghĩa qua đời ở tuổi 68 tại TP.HCM do căn bệnh ung thư tái phát.

Gia đình nhà văn Lê Văn Nghĩa thông báo, sau thời gian dài chống chọi với bệnh nan y, ông đã từ trần vào lúc 22 giờ ngày 25.7 tại nhà riêng ở TP.HCM, hưởng thọ 68 tuổi.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại TP.HCM, học tiểu học trường Bình Tây (nay là Trường tiểu học Nguyễn Huệ, Q.6), học trung học trường Petrus Ký (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong, Q.5). Ông từng tham gia phong trào học sinh - sinh viên yêu nước xuống đường đấu tranh trước năm 1975, bị đối phương bắt giam, đày ra nhà tù Côn Đảo nhiều năm.

Sau năm 1975, ông Lê Văn Nghĩa hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Ông từng là Phó Tổng thư ký toà soạn báo Tuổi Trẻ, phụ trách Chủ biên báo Tuổi Trẻ Cười, với các bút danh nổi tiếng: Điệp viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ.

2_xret.jpg
Nhà văn Lê Văn Nghĩa - Ảnh: Lê Công Sơn 

Về bút danh Hai Cù Nèo trên báo Tuổi Trẻ Cười, lúc sinh thời, ông chia sẻ: “Bút danh này nhiều người viết trong đó có tôi. Khi in các bài báo có bút danh Hai Cù Nèo thành sách, tôi chỉ dùng bài viết của mình, nhưng nhiều người hiểu lầm Hai Cù Nèo chỉ có mình tôi”.

Ở lĩnh vực văn chương, ông Lê Văn Nghĩa là cây bút với những tập truyện mang tính hồi ức thời niên thiếu ở Sài Gòn - Chợ Lớn đầu thập niên 1960 được bạn đọc nhiều thế hệ mến mộ. Ông Lê Văn Nghĩa cũng cây bút trào phúng hàng đầu của nền báo chí và văn học Việt Nam đương đại với một vị trí riêng biệt.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa - anh Hai làng trào phúng

Nhắc đến Lê Văn Nghĩa, nhiều người nhớ đến tác giả có hàng chục năm cầm chịch tờ báo Tuổi trẻ cười. Để làm công việc “bếp núc” một tờ báo, ngoài việc tổ chức bài vở, Lê Văn Nghĩa còn là cây bút chính ở nhiều chuyên mục “ăn khách” của tờ báo trào phúng này. Khi đọc Tuổi trẻ cười, độc giả bắt gặp Điệp viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ… nhưng ít người biết đó là Lê Văn Nghĩa.
Người viết báo cả đời chỉ để lại bút danh. Với Lê Văn Nghĩa, ông có chừng đó bút danh, cũng là những nhân vật trong nhiều tác phẩm được nhiều người nhớ, có thể gọi là thành công với nghề, nhất là nghề viết trào phúng. Cách nay vài năm, khi bộ phim do danh hài Mr Bean thủ diễn được chiếu rạp tại Việt Nam, chắc vì để câu khách nên nhà nhập phim lấy tên là Điệp viên không không thấy. Nếu không phải Lê Văn Nghĩa mà là một người khác, có thể việc mượn tên Điệp viên Không Không Thấy mà quên xin phép sẽ ầm ĩ trên truyền thông và có thể trở thành một vụ kiện.
Nhưng Lê Văn Nghĩa cho rằng, bút danh Điệp Viên Không Không Thấy chắc là “hay ho” nên người ta vội vã cầm nhầm, thôi thì mình cho luôn cũng được, kiện cáo làm gì chỉ thêm phiền toái rước bực vào thân. Nói nghe xuề xòa vậy nhưng Lê Văn Nghĩa luôn rành mạch “của mình của người”. Ông luôn đính chính khi nói về bút danh Hai Cù Nèo: “Bút danh này nhiều người viết trong đó có tôi. Khi in các bài báo có bút danh Hai Cù Nèo thành sách, tôi chỉ dùng bài viết của mình, nhưng nhiều người hiểu lầm Hai Cù Nèo chỉ có mình tôi”.
Trong viết sách cũng vậy, Lê Văn Nghĩa luôn cẩn thận chú thích những trích đoạn do ông sưu tầm được. Để có được những trích đoạn này đưa vào trong sách thật ngọt, đòi hỏi tác giả cuốn sách phải đọc nhiều và có khả năng hệ thống một cách logic. Lê Văn Nghĩa là người chịu đọc, chịu học một cách bền bỉ. Khi thấy “hát với nhau” là một thú vui lành mạnh, giúp xả bớt căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, thay vì bước lên sân khấu “tra tấn lỗ nhĩ” người nghe, Lê Văn Nghĩa xách giỏ đến nhạc viện học hát đàng hoàng.
Nỗi buồn đàn ông đề cập đến nhiều câu chuyện thời sự có tính chất “tấn trò đời” của con người. Chẳng hạn truyện Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng nhắc nhớ đến câu chuyện một ông nhà giàu, có chút danh phận trong xã hội bỗng một ngày “nhập đồng” ở một ngôi chùa thiên và làm ra tập thơ cân nặng nhất Việt Nam. Trong truyện này, Lê Văn Nghĩa dùng ngòi bút trào phúng cho người đọc thấy màn “nhập đồng” làm ra “thơ thần” kia chỉ là trò lừa nhằm đánh bóng bản thân.
Hay như trong “tạp nhạp văn” Từ cái lưỡi gà đến cái lưỡi của người, Lê Văn Nghĩa đã hoạt kê ra nhiều loại lưỡi: từ lưỡi gà trong cái kèn tre trẻ nhỏ hay chơi, đến lưỡi trong trâu bò làm bằng gỗ do Khổng Minh sáng chế. Nhưng hoạt náo nhất là lưỡi của người dùng để nếm thức ăn, để hôn nhau, để nịnh bợ, để nói kiểu nhà quan, để oan than với dân nghèo… Bằng các số liệu sưu tập được từ nghiên cứu của một trường đại học, Lê Văn Nghĩa cho người đọc thấy rằng, đàn bà nói nhiều hơn đàn ông là lẽ tự nhiên. Do vậy, đàn ông dùng lưỡi để cãi nhau với đàn bà thì nắm chắc phần thua.
Lê Văn Nghĩa viết Nỗi buồn đàn ông và nhiều tập truyện trào phúng khác luôn lôi cuốn người đọc với cách dẫn chuyện dí dỏm và thường thì kết thúc rất bất ngờ bằng tiếng cười vỡ òa. Người viết truyện trào phúng hẳn có một cuộc sống huyên náo với nụ cười gắn chặt trên môi? Không hẳn vậy, gặp Lê Văn Nghĩa ngoài đời lần đầu, khó ai đoán biết ông chính là Điệp viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ… Vì có đôi lần ông tự họa mình qua nhân vật Thằng Hề với gương mặt buồn thiu mà ông gọi là “thằng hề mặt hẻo”. Nhiều diễn viên lên sân khấu đóng vai hề cho thiên hạ cười vui, còn bản thân sau tấm màn nhung chắc gì đã tự cười nổi một tiếng.
Một lần, về thăm Trường Tiểu học Bình Tây (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, quận 6, TPHCM) và tặng sách viết cho lứa học trò đáng tuổi con cháu, kỷ niệm xưa ùa về khiến Lê Văn Nghĩa đứng khóc ngon lành. Khi Lê Văn Nghĩa khóc, cả khán phòng lặng phắt và không ai nghĩ nhà văn trào phúng ở tuổi ngoài 60 có thể dễ dàng rơi nước mắt ở ngôi trường cũ. Ngôi trường này và tuổi thơ ở xóm lao động nghèo tại quận 6, Sài Gòn xưa đã hiện diện trong truyện dài Tụi lớn nhất trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ. 
Sau khi về hưu, Lê Văn Nghĩa in liền các truyện dài về thời niên thiếu đi học của ông:
Mùa hè năm Petrus; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy… Các truyện dài này của Lê Văn Nghĩa được đón đọc và được tái bản nhiều lần. Không chỉ gợi nhớ về tuổi thơ ở Sài Gòn một thời, người đọc còn tìm thấy không khí nhẹ nhàng và réo rắt tiếng cười tinh nghịch qua sinh hoạt và lời thoại của “tụi con nít” ở Sài Gòn những năm 1960 khi Lê Văn Nghĩa đi học.
Cách nay hai năm, Lê Văn Nghĩa về giao lưu với học sinh chuyên văn Trường chuyên Lê Hồng Phong (xưa là Trường Petrus Ký) và tặng Mùa hè năm Petrus. Hôm đó có GS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội, tham dự. Biết thầy Bình là con nhà thơ Viễn Phương, cả khán phòng muốn thầy Bình đọc thơ do ông sáng tác. Giáo sư Phan Thanh Bình đọc thơ xong và được tặng một bó hoa. Nhận hoa, thầy Bình nói: “Tôi xin tặng bó hoa này cho anh Hai”. Mọi người còn chưa biết anh Hai là ai thì thầy Bình tiến đến nhà văn Lê Văn Nghĩa. Anh Hai là cách thầy Bình gọi đàn anh lớp trước Lê Văn Nghĩa ở Trường Petrus Ký của mình.
Tại sao Lê Văn Nghĩa chỉ viết về thời tiểu học, trung học mà không viết về thời đại học của ông? Khi đang học trung học tại Trường Petrus Ký, Lê Văn Nghĩa tham gia phong trào học sinh - sinh viên chống sự hiện diện của người Mỹ tại miền Nam, ông bị địch bắt nhốt ở nhiều nhà tù, trong đó có Côn Đảo. Học đại học với Lê Văn Nghĩa là một câu chuyện khác, có lẽ cũng rất hấp dẫn nếu ông đủ sức khỏe để viết ra.

Nhà báo - nhà thơ Trần Hoàng Nhân

Bài liên quan
Tưởng nhớ 10 năm ngày nhà văn Trần Hoài Dương mất
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà văn Trần Hoài Dương, Hội Nhà văn TP.HCM cùng gia đình tác giả tổ chức buổi tọa đàm “Trần hoài Dương – Cuộc đời và tác phẩm”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa qua đời