Chiều ngày 14.4, thông tin nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời không khỏi khiến nhiều người tiếc thương, đặc biệt là các khán giả hâm mộ và những người nghệ sĩ đã từng được ông dìu dắt, nâng đỡ trong cuộc đời âm nhạc.
Tiếng dương cầm đã lặng lẽ chia xa, nỗi đau như nén lại thành làn hương khói đưa tiễn ông về cõi vĩnh hằng. Và riêng với nữ ca sĩ Ngọc Châm - chủ nhân của chuỗi chương trình tôn vinh các ca khúc, các nhạc sĩ gạo cội mang tên "Vàng son một thuở" đã có cuộc trao đổi ngắn với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về cuộc đời của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - người được vinh danh đầu tiên, mở màn cho chuỗi chương trình "Vàng son một thuở"này.
- Chào ca sĩ Ngọc Châm - là ca sĩ trẻ đồng thời cũng là người được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 coi như con gái của mình, chị có thể nói gì lúc này?
Với tôi - lúc nào tôi cũng coi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 như bố của mình và ông cũng vậy, cả 2 luôn xưng với nhau là bố con chứ không mấy khi xưng bác hay cháu. Thực ra, lâu nay vẫn biết sức khỏe của bố Nguyễn Ánh 9 không được khỏe nhưng thật sự hay tin này ban đầutôi vẫn cho là đùa, cố gắng nghĩ là đùa. Mọi thứ diễn ra nhanh quá, khi tôi đang quay chương trình "Bữa trưa vui vẻ" thì tôi chọn đúng ca khúc của bố sáng tác mang tên "Mênh mông tình buồn" thì giờ bố đã ra đi.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Ngọc Châm mà ông luôn yêu quý như con ruột của mình
Sự ra đi của bố làm tôi hụt hẫng, buồn đau và xót xa,tôi đang nhờ người đặt vé máy bay để bay vào trong đó với mẹ và với anh Nguyễn Quang. Chỉ nghĩ đến việc không còn bố trên đời là tôi thấy thiếu vắng quá, chỉ cách đây 1 tuần, tôi và bố còn hẹn nhau, một cái hẹn còn chưa được thực hiện. Đó là lời hứa ngày 22.4 bố sẽ ra Hà Nội làm chương trình tôn vinh các ca khúc một thời của các nghệ sĩ tên tuổi. Vậy mà "tiếng dương cầm đã một lần lỗi hẹn".
- Chị chính là ca sĩ đầu tiên nghĩ đến và thực hiện chương trình "Vàng son một thuở" để vinh danh các nhạc sĩ tên tuổi của làng nhạc Việt. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là người mở màn đầu tiên cho chương trình đó và chương trình đã rất thành công.Vậy tại sao chị lại chọn ông mà không phải là một nhạc sĩ khác?
Tôi chọn bố Nguyễn Ánh 9 đầu tiên bởi lẽ đó chính là người tôi tâm sự đầu tiên, chia sẻ đầu tiên về ý nghĩa chương trình. Khi tôi trình bày về ý tưởng, bố Nguyễn Ánh 9 đã nói: "Hay quá con ơi, còn nhiều nhạc sĩ, ca khúccần được vinh danh nữa". Mọi thứ như vẹn nguyên mới đây, khi tôi đến thăm bố, sức khỏe của bố Nguyễn Ánh 9 yếu lắm nhưng bàn tay của ông vẫn khẽ nhẹ đưa lên phím đàn và gõ những nhịp đàn trong vắt khiến tôi và mẹ cùng anh Quang không khỏi rơi lệ.
Chương trình của tôi - tôi mời bố biểu diễn đầu tiên và bố nóirằng, đây chính là chương trình đầu tiên của bố thực hiện được ước mơ trong đời đó là đứng trên thánh đường Nhà hát Lớn, được thả hồn mình phiêu theo từng tiếng nhạc, để tiếng dương cầm cứ lặng lẽ vang lên, cần mẫn, ngọt ngào vàmê đắm, quyến rũ từng cảm xúc của khán giả.
Lần đầu tiên nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn, lần dầu tiên ông được đưa 2 chiếc dương cầm bé nhỏ của ông lên chính sân khấu lớn và đệm đàn cùng ông không ai khác đó chính là con trai của ông: nhạc sĩ Nguyễn Quang. Hai chiếc dương cầm đối nhau, 2 thế hệ và 2 cuộc sống nhưng cùng một đam mê. Giọt nước mắt của bố, sự xúc động của bố, tràng pháo tay giòn giã không ngớt của khán giả dành cho đêm nhạc, cho bố Nguyễn Ánh 9 là sự thành công của chúng tôi.
Để giờ đây, khi mọi thứ đã qua đi, bố đã không còn trên cõi đời nữa thì với tôi, đó là những ký ức đẹp, những nốt nhạc trầm buồn của bố sẽ luôn ở bên chúng tôi mỗi khi thể hiện bất cứ ca khúc nào của ông. Cũng vì coi cây đàn giống như “linh hồn” của mình, bố Nguyễn Ánh 9 luôn có một nguyện ước kỳ lạ đó là bố sẽ thấy hạnh phúc nhất, viên mãn nhất nếu như được chết bên cây đàn ngay tại sân khấu khi trình diễn xong phần âm nhạc của mình.
Giọt nước mắt của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 khi đứng trên sân khấu của thánh đường Nhà hát Lớn (Hà Nội) đàn những bản tình ca của riêng ông trong chương trình "Vàng son một thuở"
- Sau khi hay tin nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời, chị có dự định sẽ làm một đêm nhạc nữa vinh danh ông hay không?
Đối với tôi giờ này ngay lúc này đây tôi chỉ mong muốn được đến đưa tiễn bố Nguyễn Ánh 9 lần cuối cùng. Cảm xúc nào rồi cũng phải kìm nén lại để tiễn đưa. Còn với đêm nhạc sắp tới tôi chỉ dự tínhthay đổi một chút xíu trong chương trình, sẽ đưa vào nhiều ca khúc của bố Nguyễn Ánh 9 hơn nữa.
Những năm tháng bố Nguyễn Ánh 9 bị bệnh tôi nghĩ bố sẽ không đàn được nữa, nhưng mỗi khi rời xa cây đàn, bố lại thấy mình mệt hơn. Có nhiều lần tôi và anh Nguyễn Quang khuyên bố nên rời xa cây đàn vì sức khỏe của bố không cho phép nhưng với tình yêu mặn nồng với các phím đàn, sợ những phím đàn rơi vào thinh không, vào quên lãng, bố Nguyễn Ánh 9 đã gượng dậy và tiếng đàn dường như là động lực để ông có thể cống hiến hết mình, thăng hoa hết mình trong chính chương trình liveshow của mình ở Nhà hát Lớn Hà Nội vào cuối năm 2015.
Và đêm đó có bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu nỗi lòng được người nghệ sĩ tài hoa một lần cuối trút vào tiếng dương cầm để tiếng đàn trở nên rực rỡ, thăng hoa và tỏa sáng như chưa bao giờ chói lọi như vậy. Tiếng vỗ tay dường như không dứt của khán giả như những vì sao đưa những hy vọng và trái tim của bố tới gần hơn nữa với nghệ thuật. Và tôi nghĩ, hãy cứ để đêm nhạc đó trở thành"huyền thoại" trong cuộc đời của bố, của chúng tôi - của những người nghệ sĩ trẻ, của khán giả yêu mến các ca khúc của bố Nguyễn Ánh 9 vẫn còn vang vọng mãi.
- Cảm ơn chị về những sẻ chia.
Dạ Thảo