Người dân cần thận trọng, cảnh giác trước các hình thức “nhờ chuyển tiền từ thiện”, “bán xe xịn, giá rẻ”…
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã thống kê những phương thức lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam thời gian gần đây.
Theo đó, liên quan đến hình thức lừa đảo “nhờ chuyển tiền làm từ thiện”, Cục An toàn thông tin (ATTT) cho biết dạo gần đây, tình trạng tấn công, chiếm quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội của người khác rồi thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày một trở nên dày đặc. Mục tiêu của các nhóm tội phạm lừa đảo trực tuyến đang có xu hướng tập trung vào nhóm người cao tuổi, phụ nữ thất nghiệp.
Theo cơ quan chức năng, chúng tạo dựng lên kịch bản chi tiết, theo dõi, thu thập đầy đủ thông tin của nạn nhân. Ngoài ra, chúng còn thu thập hình ảnh, video khuôn mặt của người nhà nạn nhân và sử dụng công nghệ AI Deepfake gọi video nhằm lấy lòng tin.
Khi nạn nhân thắc mắc về số tài khoản lạ thì bọn chúng lấy lý do là chuyển tiền ra nước ngoài phải mất phí nên chuyển tiền qua số tài khoản trung gian, nhằm tránh phí. Sau khi nạn nhân chuyển tiền thì chiếm đoạt toàn bộ.
Một hình thức lừa đảo khác được Cục ATTT ghi nhận thời gian qua chính là “giả mạo VTV”.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) - Công an TP.HCM ghi nhận phản ánh của người dân về thủ đoạn lừa đảo giả mạo tuyển thí sinh dự thi áo dài, nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, đơn vị cũng đã kịp thời ngăn chặn nạn nhân chuyển tiền cho kẻ xấu.
Với hình thức lừa đảo này, cơ quan chức năng cho biết kẻ xấu sẽ tạo lập các trang mạng xã hội “Quảng bá về lễ hội áo dài xuân Giáp Thìn 2024”, đăng tải thông tin tuyển thí sinh dự thi áo dài với giải thưởng hấp dẫn và nhiều quyền lợi đi kèm. Khi nạn nhân tin tưởng thì sẽ bị dẫn dụ truy cập đến website giả mạo ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM (VTV).
Ngoài những hình thức lừa đảo kể trên, gần đây trên mạng xã hội lại xuất hiện một phương thức lừa đảo mới, với mục tiêu là những người tiêu dùng ham mua xe giá rẻ.
Theo Cục ATTT, kẻ lừa đảo tạo lập các trang Facebook giả mạo cơ quan nhà nước, chạy quảng cáo và liên tục đăng tải những hình ảnh, video về những sản phẩm xe chất lượng nhưng giá bán chỉ bằng 1/3 hoặc 2/3 so với giá thị trường.
Tiếp đó, chúng nhắn tin trực tiếp với những tài khoản tương tác thông qua Messenger hoặc Zalo, Telegram. Để tăng độ uy tín, chúng còn làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước về việc thanh lý xe hoặc các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xe.
Kẻ lừa đảo còn yêu cầu khách hàng chụp CCCD gửi để làm giấy tờ xe; yêu cầu chuyển khoản tiền đặt cọc 20% giá trị xe và nhiều khoản phí khác để giữ xe; xin địa chỉ nhà để giao xe tận nơi...
Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển tiền cọc, kẻ xấu sẽ lập tức chặn mọi liên lạc với các nạn nhân. Trong một vài trường hợp khác, chúng sẽ lấy đủ các loại lý do để yêu cầu nạn nhân chuyển thêm tiền rồi chiếm đoạt toàn bộ.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các hoạt động vay mượn, chuyển khoản cho người thân thông qua mạng xã hội, đặc biệt là ở nước ngoài. Người dân cần phải gọi điện thoại xác thực để tránh mất tiền oan.
Tuyệt đối không tham gia các hội thi, lễ hội quảng bá trên mạng khi chưa trực tiếp xác minh, kiểm tra thông tin ngoài đời thực. Không chuyển tiền theo yêu cầu của kẻ lừa đảo.
Người dân nên lựa chọn những địa chỉ uy tín và chính thống để thực hiện mua bán. Đặc biệt, người dân cần sáng suốt và tỉnh táo để suy xét kỹ càng bởi không có cơ quan nhà nước hay cá nhân nào được phép thanh lý xe nhập lậu, trốn thuế, giá rẻ như thông tin trên các trang mạng xã hội.